23/01/2025

‘Thảm cảnh’ sẽ lặp lại tại các quốc gia Thái Bình Dương giàu khoáng sản?

‘Thảm cảnh’ sẽ lặp lại tại các quốc gia Thái Bình Dương giàu khoáng sản?

Với nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, Thái Bình Dương từng bị các công ty khai khoáng ‘cướp bóc’ không thương tiếc, khiến nhiều nơi thành ‘vùng đất chết’ không thể hồi sinh.

 

 

Thảm cảnh sẽ lặp lại tại các quốc gia Thái Bình Dương giàu khoáng sản? - Ảnh 1.

Đảo New Caledonia, nơi có trữ lượng niken cao nhất thế giới – Ảnh: PINTEREST

Một ví dụ rõ ràng nhất là quốc đảo Nauru: từ một nơi giàu phốt phát, sau thời gian bị khai thác, đất đai của Nauru lại trở nên cằn cỗi, nhiều nơi con người không thể sống hay trồng cây. Hoạt động khai mỏ cũng ảnh hưởng xấu tới hệ sinh thái biển xung quanh đảo do chất phù sa và phốt phát gây ô nhiễm nước…

Theo trang The Conversation của Úc, có những dấu hiệu đáng lo ngại rằng lịch sử có thể sắp lặp lại khi nhu cầu toàn cầu tăng cao đối với các khoáng chất quan trọng. Nhu cầu này đang tạo ra áp lực khai thác nhiều khoáng sản hơn từ các vùng đất nhạy cảm và đáy biển Thái Bình Dương.

 

Rắc rối ở “thiên đường khoáng sản”

Dưới lòng đất của New Caledonia có đến 30% trữ lượng niken trên thế giới, một thành phần quan trọng của pin lithium-ion sẽ cung cấp năng lượng cho ôtô điện và ổn định lưới điện năng tái tạo.

Ở Papua New Guinea và Fiji có trữ lượng đồng lớn chưa khai thác.

Còn ở vùng biển sâu xung quanh Thái Bình Dương, người ta tìm thấy coban – một thành phần pin quan trọng khác – với trữ lượng lớn hơn nhiều lần so với tài nguyên trên đất liền…

Không bỏ lỡ cơ hội, các thợ mỏ từ Úc, Trung Quốc và nhiều nơi khác đang xếp hàng để khai thác.

Điều này đồng nghĩa các quốc gia ở Thái Bình Dương phải đối mặt với mối đe dọa mới, bên cạnh mối đe dọa kép đang hiện hữu: biến đổi khí hậu và hậu quả của ngành công nghiệp khai thác trong quá khứ.

Các nhà lãnh đạo ở Thái Bình Dương hiểu rõ những rủi ro này. Tại diễn đàn tháng 7, họ đã tán thành một chiến lược 30 năm mới cho Thái Bình Dương. Chiến lược này tuyên bố nhu cầu cấp thiết phải hành động vì khí hậu, đồng thời kêu gọi quản lý cẩn thận các nguồn tài nguyên thiên nhiên của khu vực, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – xã hội và cải thiện cuộc sống của người dân.

Tuy nhiên, giữa các chính phủ vẫn đang có quan điểm rất khác nhau về việc khai thác khoáng sản.

Trong những tháng gần đây, Liên bang Micronesia cùng với Samoa, Fiji và Palau kêu gọi tạm hoãn khai thác ở biển sâu, trong khi quần đảo Nauru, Tonga, Kiribati và Cook ủng hộ các dự án đáy biển.

 

Giấc mơ trên đống vàng và viễn cảnh “ai ăn ốc nhưng tôi đổ vỏ”

Vào tháng 2-2022, quần đảo Cook đã cấp 3 giấy phép để khám phá các “nốt mangan” – những cục đa kim loại – ở những vùng biển mà họ có độc quyền kinh tế.

Ước tính có khoảng 8,9 tỉ tấn nốt mangan nằm rải rác xung quanh đáy đại dương, trị giá ước tính 14.400 tỉ AUD. Đây là nguồn tài nguyên hạt đa kim lớn nhất và phong phú nhất được biết đến trên thế giới.

Những nốt này gồm bốn kim loại thiết yếu cần thiết cho pin (coban, niken, đồng và mangan) nên chúng thường được gọi là “pin trong đá”.

Với thông tin “chỉ 10% nốt mangan dưới đại dương đủ cung cấp kim loại cho 20 tỉ người trong hàng nghìn năm”, nhiều cuộc khai thác đã được thực hiện, bất chấp rủi ro.

Trong khi đó, Chính phủ Papua New Guinea đang xem xét việc khai thác các mỏ vàng và đồng mới khổng lồ, nằm ở những khu vực dễ bị tổn thương về mặt sinh thái và xã hội. Người dân địa phương, các nhà môi trường và các chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo về một dự án được lên kế hoạch ở đầu nguồn của sông Sepik hoang sơ.

Các cuộc tranh luận tương tự đang diễn ra sôi nổi về việc có nên mở lại mỏ đồng Panguna trên đảo Bougainville, khi các nhà lãnh đạo địa phương tìm tiền tài trợ để tách khỏi Papua New Guinea…

Các nhà khoa học cảnh báo nếu cơn sốt khai thác khoáng sản này không được thực hiện cẩn thận, lợi nhuận sẽ rơi hầu hết vào các công ty khai khoáng nước ngoài, và các quốc gia Thái Bình Dương phải giải quyết hậu quả trầm trọng về môi trường.

GIA MINH
TTO