24/11/2024

Paolo Ruffini: Chỉ kết nối mạng thôi thì chưa đủ là truyền thông

Paolo Ruffini: Chỉ kết nối mạng thôi thì chưa đủ là truyền thông

Phát biểu tại Đại hội SIGNIS Thế giới năm 20222 tại Seoul, ông Paolo Ruffini, Bộ trưởng Bộ Truyền thông của Vatican, nhắc lại rằng “cách duy nhất để đối phó với thách đố của công nghệ là không nghĩ về nó như một thần tượng”.

Theo ông Ruffini, có những thứ mà công nghệ không thể thay thế được. “Như là sự tự do. Như là điều kỳ diệu của cuộc gặp gỡ giữa con người với nhau, sự bất ngờ của điều bất ngờ, sự hoán cải, sự bộc phát của tài năng, tình yêu nhưng không.”

Siêu kết nối nhưng vẫn đơn độc

Bộ trưởng Bộ Truyền thông nhắc lại rằng công nghệ, thành quả của sự thông minh khéo léo của con người, ngày nay cho phép những thứ – chẳng hạn như hội thảo từ xa, chữa trị y tế từ xa, thương mại điện tử – “điều mà chỉ vài thập kỷ trước là điều không thể tưởng tượng được”. Nhưng nghịch lý của thời đại chúng ta, ông nhấn mạnh, đó là “chúng ta siêu kết nối nhưng vẫn đơn độc”; “vấn đề chính xác là ở đây. Khi không còn truyền thông nữa mà chỉ có kết nối”. Do đó “chúng ta phải tự vấn mình, tự kiểm điểm lương tâm cá nhân và tập thể”.

Làm thế nào mà có thể vừa siêu kết nối nhưng đồng thời lại cô đơn khủng khiếp? Điều gì còn thiếu trong sự kết nối của chúng ta để lấp đầy nỗi cô đơn này? Theo ông Ruffini: “Cách duy nhất để đối phó với thách thức của công nghệ là đừng nghĩ về nó như một thần tượng. Nhưng cũng không xem nó xấu xa như ma quỷ. Đừng tin rằng công nghệ được giao phó nhiệm vụ cứu chuộc nhân loại. Nhưng cũng đừng nghĩ rằng sự diệt vong của nhân loại phụ thuộc vào công nghệ.”

Hạnh phúc không được mua bằng tiền

Ông Ruffini cũng nhắc lại rằng vào năm 2014, chính tại Hàn Quốc, khi trả lời câu hỏi của một thiếu nữ trong cuộc gặp gỡ với những người trẻ tuổi ở Đền Thánh Solmoe, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh rằng “hạnh phúc không thể mua được”. “Và khi bạn mua một hạnh phúc – Đức Thánh Cha nói thêm – thì bạn nhận ra rằng hạnh phúc đó đã biến mất… Hạnh phúc bạn mua không tồn tại lâu dài. Chỉ có hạnh phúc của tình yêu là kéo dài.”

Bộ trưởng Bộ Truyền thông của Vatian nhận định: “Chủ nghĩa tiêu dùng đánh đổi sự hài lòng ngắn hạn với hạnh phúc sâu sắc hơn và lâu dài hơn… Chúng ta biết rằng chúng ta không chỉ là người tiêu dùng. Và càng không là những đồ vật được tiêu thụ. Chúng ta biết rất rõ rằng chỉ có một mối quan hệ, một sự kết nối dựa trên tình yêu thương mới có thể khiến chúng ta bớt cô đơn, mới có thể kéo dài, mới có thể khiến chúng ta hạnh phúc.” “Và tình yêu – ông Ruffini nhận xét tiếp – dựa trên sự vô cùng mong manh này, đó là cảm giác cần tình yêu thương, cần yêu thương và được yêu thương, cho đi và cho đi chính mình. Đây là gốc rễ của mọi giao tiếp. Đây là lý do tại sao chỉ kết nối thôi thì không đủ.”

Các nguy hiểm của các cộng đồng mạng xã hội

Tiếp đến, ông Paolo Ruffini nhấn mạnh về các cộng đồng mạng xã hội. Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết trong Sứ điệp cho Ngày Truyền thông Xã hội lần thứ 53, các mạng này không tự động đồng nghĩa với cộng đồng: “thường là căn tính của chúng dựa trên sự đối lập với người khác, với người không thuộc nhóm của mình”.

“Quá nhiều lần chúng ta khẳng định mình dựa trên cơ sở những gì chia rẽ hơn là những gì hợp nhất. Nó tạo không gian cho sự nghi ngờ và bộc lộ bất kỳ loại định kiến ​​nào (sắc tộc, giới tính, tôn giáo và những điều khác)… Và điều lẽ ra phải là cửa sổ mở ra thế giới lại sẽ trở thành nơi trưng bày để thể hiện lòng tự ái của một người.”

Một chủ nghĩa nhân văn mới

Thách thức của một nền báo chí tốt, cũng là thách thức của SIGNIS, là “tìm ra những cách thức mới cho một phương thức truyền thông mới”, làm lan truyền các thể loại và ngôn ngữ “bằng cách tập trung vào đối thoại hơn là tiếp thị ý tưởng, vào trí thông minh như một phạm trù đạo đức chứ không phải dựa vào chủ nghĩa đạo đức cuồng tín của đám đông”.

Như Đức Giáo hoàng đã nói ở Quebec, “sự sáng tạo là cần thiết để tiếp cận những người ở nơi họ sống, tìm kiếm cơ hội để lắng nghe, đối thoại và gặp gỡ. Chúng ta cần trở lại với bản chất và lòng nhiệt thành của sách Tông đồ Công vụ”.

Các nhà truyền thông Công giáo, các nhà báo Công giáo, tất cả những người nam nữ có thiện chí tham gia “trên mặt trận khó khăn và vĩ đại – mặt trận truyền thông – chúng ta có thể là những nhân vật chính của một chủ nghĩa nhân văn mới, được thể hiện trong các cộng đồng tích cực và tham gia, một ví dụ về một ý tưởng mới về quyền công dân”.

Amedeo Lomonaco

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2022-08/paolo-ruffini-signis-seoul-2022-sieu-ket-noi-nhung-don-doc.html