29/12/2024

Cát tặc lộng hành, chính quyền địa phương ở đâu?: Cát lậu tấp nập về bãi đáp

Cát tặc lộng hành, chính quyền địa phương ở đâu?: Cát lậu tấp nập về bãi đáp

Cả hai DN đã bị thu hồi giấy phép nhưng bãi cát lúc nào cũng có nhiều xe ben đến chở cát; hằng ngày tàu hút cát dưới sông La Ngà bơm lên bãi, trên bờ xe ben nườm nượp vào lấy hàng…

 

 

Mặc dù UBND tỉnh Bình Thuận không gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản đối với DNTN Xuân Trường và Công ty TNHH TMXD Minh Châu, nhưng tại các bãi chứa cát của 2 doanh nghiệp này thường xuyên có tàu hút bơm cát lên bãi, đưa lên xe ben chở đi tiêu thụ.

Theo những người dân ở hai bên sông La Ngà, đoạn qua địa bàn H.Tánh Linh (Bình Thuận) có 2 bãi cát của DNTN Xuân Trường và 1 bãi của Công ty TNHH TMXD Minh Châu (xã Gia An, H.Tánh Linh) thuộc dạng “khủng” ở khu vực này. Cả hai doanh nghiệp (DN) này đã bị thu hồi giấy phép nhưng bãi cát lúc nào cũng có nhiều xe ben đến chở cát; hằng ngày tàu hút cát dưới sông La Ngà bơm lên bãi, trên bờ xe ben nườm nượp vào lấy hàng.

Cát tặc lộng hành, chính quyền địa phương ở đâu?: Cát lậu tấp nập về bãi đáp - ảnh 1
Tàu đang bơm cát lên bãi Công ty Minh Châu  THANH NIÊN

Hết phép khai thác, cát vẫn cập bãi

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, Công ty TNHH TMXD Minh Châu (gọi tắt Công ty Minh Châu) đã bị UBND tỉnh Bình Thuận thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản cả năm nay, nhưng tại bãi tập kết cát ngay bờ sông La Ngà, cách đường ĐT720 hơn 500 m thuộc xã Gia An (H.Tánh Linh), thời gian qua vẫn luôn hoạt động nhộn nhịp, tấp nập tàu bơm cát lên bãi và xe ben chở cát đi tiêu thụ. “Dưới sông, các tàu thay nhau đi hút cát ở hạ nguồn, rồi chạy lên bơm vào bãi của Minh Châu, Xuân Trường… Mỗi chuyến đi – về mất chừng 1 giờ đồng hồ, sau đó có khoảng 30 – 40 m3 cát được bơm từ tàu lên bãi. Các tàu làm từ sáng sớm đến 4 – 5 giờ chiều mới nghỉ. Còn trên bờ, xe ben ra vô lấy cát nườm nượp ngày đêm”, một người dân sinh sống ở khu vực này cho hay.

“Họ hút cát lậu mà như ở chốn không người, không xem dân xung quanh ra gì, cứ công khai mà hút. Chúng tôi có đất bị sạt lở do họ hút cát mà không sao lên tiếng được, vì họ dưới sông còn mình trên bờ. Hằng ngày thấy họ hút cát mà bức xúc chịu không nổi”, một người dân giấu tên uất ức nói.

Tương tự, cách bãi cát Công ty Minh Châu hơn 100 m là bãi cát số 1 của DNTN Xuân Trường. Ngay tại bãi cát lúc nào cũng túc trực 2 xe cuốc loại lớn để múc cát đưa lên xe ben chở đi tiêu thụ. Trên bờ luôn có 2 ống nhựa dùng để hút cát từ tàu khai thác cập bờ sông La Ngà. Theo ông Phạm Ly Kha, Phó phòng TN-MT H.Tánh Linh, ngày 28.3.2022, Sở TN-MT Bình Thuận đã có công văn tạm dừng hoạt động giấy phép khai thác cát của DNTN Xuân Trường do gây sạt lở đất của dân. Cũng theo ông Kha, vừa qua Phòng TN-MT H.Tánh Linh đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm khai thác cát trái phép. Nhằm hạn chế tình trạng trà trộn để hút cát trái phép, Phòng đã đề xuất thu hồi 2 giấy phép khai thác, 1 giấy tạm ngưng không gia hạn và chỉ còn 1 đơn vị còn giấy phép hoạt động.

Trong khi đó, ông Phạm Văn Thành, Phó chủ tịch UBND xã Gia An, cho rằng DNTN Xuân Trường có 2 bãi cát nằm dọc sông La Ngà trên địa bàn xã, từ ngày 10.7.2022 đã hết hạn khai thác khoáng sản. “DN này hiện đang lấy ý kiến của dân để xin UBND tỉnh Bình Thuận gia hạn giấy phép khai thác, nhưng hầu hết người dân có vườn cao su hai bên bờ sông không đồng ý, vì họ khai thác cát làm lở đất của dân quá nhiều”, ông Thành nói thêm.

Cát tặc lộng hành, chính quyền địa phương ở đâu?: Cát lậu tấp nập về bãi đáp - ảnh 2
Hai tàu đang hút cát ngay điểm sạt lở trên sông La Ngà

Tràn ngập cát lậu

Dù giấy phép khai thác khoáng sản của Công ty Minh Châu và DNTN Xuân Trường đã hết hạn, thế nhưng theo ghi nhận của PV Thanh Niên, mỗi ngày tại bãi tập kết của 2 DN này luôn có nhiều tàu “ma” chở cát dưới hạ nguồn sông La Ngà đến bơm lên bãi. Trưa 31.7, PV đã ghi hình nhiều tàu sau khi hút cát ở hạ nguồn sông rồi chạy vào sát bờ hai bãi này để bơm cát. Quá trình tàu hút cát ở sông La Ngà rồi chạy đến bơm cát lên bãi diễn ra không quá 1 tiếng đồng hồ. Mỗi tàu hút cát chỉ có 2 – 3 người. Có tàu hút cát, người điều khiển phương tiện là phụ nữ. Tàu cát ra vào liên tục, điều này không khó giải thích vì sao hai bãi cát luôn đầy cát dù ngày đêm xe ben lui tới mang đi tiêu thụ.

Ngày 1.8, sau khi xem những hình ảnh do PV cung cấp, ông Phạm Văn Thành cho biết ngày 29.7 qua, Sở TN-MT Bình Thuận phối hợp với lực lượng chức năng, chính quyền H.Tánh Linh và xã Gia An đã niêm phong các tàu hút cát của DNTN Xuân Trường. “Việc vẫn có tàu hút cát lên bãi này là do DN mua cát lậu của các tàu bơm cát trên sông La Ngà bán lại. Trong các tháng đầu năm 2022, UBND xã đã bắt giữ 2 phương tiện hút cát trên sông La Ngà. Những người khai thác nói hút cát bán lại cho bãi DNTN Xuân Trường”, ông Thành nói thêm, đồng thời khẳng định ngoài việc mua cát lậu, thì 2 DN này vẫn lén lút khai thác cát trái phép trên sông La Ngà.

Ông Phạm Văn Thành cũng cho rằng, các bãi cát của 2 DN này còn tồn tại thì sẽ còn tàu hút cát trái phép bơm lên bãi. “Các DN đã hết giấy phép khai thác thì lực lượng chức năng phải kiểm soát được lượng cát tồn đọng; kiểm soát được đầu ra, hóa đơn khi xuất bán cho xe ben ở các bãi này thì DN không còn lén lút khai thác cát hay mua cát lậu của các đối tượng khai thác bơm bán lên bãi. Ngoài ra, phải có gắn camera để kiểm soát quá trình tiêu thụ đầu ra tại các bãi cát này”, ông Thành đề xuất.

Cát tặc lộng hành, chính quyền địa phương ở đâu?: Cát lậu tấp nập về bãi đáp - ảnh 3
Cát được bơm lên bãi của DNTN Xuân Trường

Có phép hoạt động nhưng khai thác sai vị trí

Ngày 20.7, nhóm PV Thanh Niên ghi hình tại bờ sông La Ngà, cách cầu Vũ Hòa hơn 300 m có tàu hút cát của cơ sở Tạ Văn Cầu đang hoạt động khai thác cát. Tàu do 2 người đàn ông điều khiển và vận hành giàn máy, thiết bị hút. Khi tàu đến sát bờ sông, người điều khiển máy hút di chuyển cần gạt cho sào âm cắm thẳng xuống lòng sông. Quan sát từ khoảng cách hơn 300 m, PV nghe rõ tiếng nhồi cọc rền vang từ máy hút khi đâm vòi thẳng xuống sông. Khói đen nghịt cả khu vực tàu cát đang hoạt động. Sau công đoạn cắm sào và vòi âm xuống lòng sông là cát được bơm lên tàu qua tấm sắt lọc bùn, rác. Chưa đầy 20 phút bơm hút, cát được bơm đầy khoang tàu chứa chừng 25 – 30 m3 cát. Thân tàu chìm sát mặt sông rồi lái tàu điều khiển quay đầu chạy về bãi ở hạ nguồn cách đó khoảng 500 m để bơm cát lên bờ. 10 phút sau, con tàu tiếp tục quay lại vị trí cũ hút cát. Từ sáng đến chiều, PV ghi nhận tàu này hút hơn 10 chuyến cát.

Từ những hình ảnh tàu hút cát sát bờ sông La Ngà mà nhóm PV ghi lại, ông Lê Quang Tuấn (đại diện cơ sở Tạ Văn Cầu) thừa nhận, tàu hút cát sát bờ là sai quy định. “Cơ sở của chúng tôi được UBND tỉnh Bình Thuận cấp phép khai thác cát xây dựng trên lưu vực sông La Ngà, đoạn chảy qua xã Gia An (H.Tánh Linh), với mật độ khai thác là 1 tàu hút, chiều dài khai thác 800 m. Khi được phép khai thác, cơ sở đã chấp hành theo đúng quy định của nhà nước, dọc theo sông La Ngà đoạn mà chúng tôi được phép khai thác đều cho kè để chống sạt lở đất. Còn phương tiện khai thác như hình ảnh PV cung cấp, tôi xác nhận là làm sai vị trí, tàu không được hút sát bờ”, ông Tuấn nói. Ông Tuấn đổ lỗi việc hút sai địa điểm là do cơ sở đã chủ quan khi giao cho nhân công bơm hút. Vì nhân công mà cơ sở thuê bơm hút là hợp đồng theo chuyến, do vậy khả năng những người vận hành phương tiện đã tự ý làm sai để hút cát cho được nhiều chuyến trong ngày. “Cơ sở có quy định rất nghiêm khắc với các nhân công khi thuê làm, nếu vi phạm sẽ bị trừ lương và chấm dứt hợp đồng”, ông Tuấn nói. (còn tiếp)

THANH NIÊN

TNO