28/12/2024

Vườn quốc gia ‘đừng bao giờ’ đề xuất chuyển rừng cho đơn vị ngoài làm du lịch

Vườn quốc gia ‘đừng bao giờ’ đề xuất chuyển rừng cho đơn vị ngoài làm du lịch

Phát triển du lịch sinh thái bền vững ở các khu rừng đặc dụng trong vườn quốc gia là xu thế và bài học kinh nghiệm của thế giới. Tuy nhiên, quy định cho thuê môi trường rừng hiện còn nhiều vướng mắc, làm không khéo, đi tù như chơi.

\

 

Đó là ý kiến cảnh báo của nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn chia sẻ tại hội nghị thực trạng và giải pháp phát triển bền vững các vườn quốc gia, do Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN-PTNT vừa tổ chức tại Ninh Bình.

 

Doanh thu dịch vụ du lịch rừng tăng mạnh

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, để cung ứng dịch vụ môi trường rừng, hiện cả nước đã thành lập được 167 khu rừng đặc dụng với tổng diện tích trên 2,3 triệu ha (bao gồm cả diện tích mặt nước, đất chưa có rừng xen kẽ) ở 54/63 tỉnh, thành phố; trong đó diện tích có rừng là trên 2,1 triệu ha.

Trong đó, Tổng cục Lâm nghiệp được Bộ NN-PTNT phân cấp quản lý 6/34 vườn quốc gia gồm: Cúc Phương, Ba Vì, Tam Đảo, Bạch Mã, Cát Tiên và Yok Đôn.

Vườn quốc gia 'đừng bao giờ' đề xuất chuyển rừng cho đơn vị ngoài làm du lịch - ảnh 1
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan (thứ hai từ phải sang) tham gia trải nghiệm tour: Về nhà, tái thả động vật hoang dã về tự nhiên tại Vườn quốc gia Cúc Phương trong ngày 12.8

CTV

Qua thống kê từ 6 vườn quốc này, dịch vụ du lịch sinh thái rừng đã ghi nhận tăng trưởng đáng kể. Cụ thể, trong năm 2016, doanh thu từ dịch vụ du lịch sinh thái rừng của 6 vườn đạt 31,6 tỉ đồng. Doanh thu tăng đều qua các năm và năm 2019 đạt 42,7 tỉ đồng.

Trong năm 2020 – 2021, dịch Covid-19 ảnh hưởng khiến nguồn thu này sụt giảm mạnh. Nhưng trong 6 tháng đầu năm nay, doanh thu từ du lịch của các vườn quốc gia đã đạt 19,5 tỉ đồng.

Trong đó, nhiều vườn quốc gia đã có những mô hình du lịch sáng tạo như Vườn quốc gia Cúc Phương với tour Về nhà, cho du khách trải nghiệm hoạt động tái thả động vật hoang dã sau cứu hộ, trải nghiệm văn hóa người Mường. Vườn quốc gia Yor Đôn có tour xem và tìm hiểu về chim, trải nghiệm 1 ngày làm kiểm lâm. Vườn quốc gia Cát Tiên có tour ngắm động vật rừng…

Ông Nguyễn Văn Chính, Giám đốc Vườn quốc gia Cúc Phương, cho biết sau 5 năm thực hiện cơ chế tự chủ tài chính theo Nghị định 141, nguồn thu chủ yếu của Cúc Phương là phí tham quan và kinh doanh dịch vụ du lịch. Trong đó, chi phí để phục vụ cho hoạt động thu, nộp thuế và ngân sách chiếm 63% trên tổng thu và số còn lại dùng bổ sung ngân sách chi hoạt động thường xuyên.

Theo đó, ông Chính đề nghị Bộ NN-PTNT cần có đánh giá, tổng kết việc thực hiện tự chủ tài chính để các khu rừng đặc dụng chủ động cơ hội mở rộng nguồn thu tại chỗ từ dịch vụ du lịch sinh thái có trách nhiệm, an toàn đối với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.

 

Khai thác du lịch để phát triển bền vững

Chia sẻ tại hội nghị, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn bày tỏ ủng hộ phát triển du lịch sinh thái rừng để phát triển bền vững. Bởi đây là mô hình và kinh nghiệm của thế giới đã làm và pháp luật Việt Nam đã cho phép. Bên cạnh đó, các vườn quốc gia tự chủ tài chính được thì phải có nguồn thu từ dịch vụ.

Để khai thác dịch vụ sinh thái thì hiện có các mô hình. Thứ nhất, các vườn tự làm du lịch, đã có mô hình ở Vườn quốc gia Cúc Phương đạt hiệu quả nhất định và đây là xu hướng cần phải mở rộng, dù hiện tại cũng còn những vướng mắc hiệu quả kinh tế còn thấp.

Thứ hai là các mô hình liên kết hiện có ở Cát Tiên, trước đây có một số liên kết ở Bạch Mã và thực tế còn nhiều bất cập và cũng có những vấn đề trong đó.

Vườn quốc gia 'đừng bao giờ' đề xuất chuyển rừng cho đơn vị ngoài làm du lịch - ảnh 2
Vườn quốc gia Cúc Phương chủ động xây dựng nhiều tour du lịch sinh thái giúp du khách trải nghiệm thiên nhiên hoang dã, trong đó có lực lượng kiểm lâm trực tiếp làm hướng dẫn viên

VŨ MỪNG

“Cái này (liên kết – PV) phải rất cảnh giác, tôi muốn tham mưu với Bộ NN-PTNT nên có đánh giá, tổng kết rõ ràng về hiệu quả, bởi vì nếu khai thác dịch vụ từ rừng mà không đánh giá được hiệu quả thì hệ lụy sẽ rất phức tạp”, ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cũng cảnh báo, cho thuê môi trường rừng đã phát triển mạnh trong những năm qua nhưng thực tế thì vẫn còn nhiều vướng mắc, nếu làm không khéo, đi tù như chơi. Ngay như vấn đề cho thuê môi trường rừng luật đã cho phép nhưng để làm du lịch thì phải có cơ sở hạ tầng và chỉ được xây dựng trên khu vực có quy hoạch. Nhưng khi xây dựng cơ sở hạ tầng thì ai cấp phép khi mà luật Xây dựng không cho phép.

Ông Tuấn cũng nhấn mạnh, đối với hệ thống vườn quốc gia, đặc biệt là 6 vườn quốc gia Bộ NN-PTNT đang quản lý thì từ trước đến nay đều hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, trong đó, ưu tiên số 1 vẫn là bảo vệ hệ sinh thái rừng, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên và đa dạng sinh học.

“Dứt khoát phải thống nhất một quan điểm, từ nay trở đi, các vườn quốc gia đừng bao giờ đề xuất việc chuyển rừng sang cho tổ chức bên ngoài để người ta làm du lịch sinh thái nữa, như thế sẽ mất cả chì lẫn chài”, ông Tuấn kiến nghị.

PHAN HẬU

TNO