24/11/2024

Sông ngòi châu Âu khô cạn giữa cảnh báo hạn hán tồi tệ nhất 500 năm

Sông ngòi châu Âu khô cạn giữa cảnh báo hạn hán tồi tệ nhất 500 năm

Trên khắp châu Âu, hạn hán đang làm suy giảm nghiêm trọng mực nước ở các dòng sông, có thể dẫn đến những hệ luỵ nguy hiểm trong lĩnh vực công nghiệp, vận chuyển hàng hoá, năng lượng và sản xuất lương thực.

 

 

 

 

Sông ngòi châu Âu khô cạn giữa cảnh báo hạn hán tồi tệ nhất 500 năm - ảnh 1
Sông Po ở Ý khô cạn vì hạn hạn nghiêm trọng ở châu Âu  EPA

Do tác động của biến đổi khí hậu, các tuyến đường thủy quan trọng ở châu Âu đã không nhận được đủ nước sau một mùa đông và mùa xuân ít mưa một cách bất thường, cũng như một mùa hè nắng nóng kỷ lục, theo báo The Guardian.

Nhiều khu vực ở Tây, Trung và Nam Âu gần như đã không có mưa trong khoảng 2 tháng qua, và cũng sẽ không có mưa trong tương lai gần theo dự báo thời tiết. Trong bối cảnh đó, các chuyên gia khí tượng cảnh báo châu Âu có thể phải đối mặt với tình trạng hạn hán nghiêm trọng nhất trong hơn 500 năm.

“Chúng tôi chưa thể phân tích đầy đủ tình hình (hạn hán) năm nay vì mọi chuyện vẫn đang diễn ra. Không có đợt hạn hán nào trong 500 năm qua đạt đến mức độ giống như đợt hạn hán năm 2018. Nhưng tôi nghĩ năm nay tình hình còn tồi tệ hơn”, ông Andrea Toreti, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chung của Ủy ban châu Âu, bình luận.

Ông cho hay tình trạng khô hạn có “nguy cơ rất cao” sẽ tiếp tục diễn ra trong 3 tháng tới, đồng thời cảnh báo nếu không có biện pháp hiệu quả để đối phó thì cường độ và tần suất hạn hán sẽ “gia tăng đáng kể ở châu Âu, cả ở phía bắc và phía nam”.

Viện Thủy văn Liên bang Đức (BfG) cho biết mực nước sông Rhine, tuyến đường thủy được sử dụng để vận tải hàng hóa, tưới tiêu, sản xuất, sản xuất điện và cung cấp nước uống, sẽ tiếp tục sụt giảm cho đến ít nhất là đầu tuần tới. Mực nước thấp khiến nhiều sà lan chở than phục vụ các tập đoàn công nghiệp lớn chỉ có thể hoạt động với 25% công suất, làm tăng chi phí vận chuyển lên gấp 5 lần.

Là một phần quan trọng của nền kinh tế khu vực tây bắc châu Âu trong nhiều thế kỷ, sông Rhine dài 1.233km chảy từ Thụy Sĩ qua trung tâm công nghiệp của Đức trước khi đổ ra biển Bắc tại Rotterdam, Hà Lan. Nếu hoạt động sà lan trên dòng sông này hoàn toàn bị đình trệ, nền kinh tế Đức và châu Âu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo ước tính của các chuyên gia, đợt ngừng hoạt động 6 tháng năm 2018 đã gây ra tổn thất 5 tỉ euro, và việc mực nước sông giảm thấp dự báo sẽ khiến tăng trưởng kinh tế Đức giảm 0,2 điểm năm nay.

Các con sông ở Pháp có thể không phải là huyết mạch vận chuyển hàng hóa quan trọng như sông Rhine, nhưng chúng phục vụ việc làm mát các nhà máy điện hạt nhân cung cấp đến 70% lượng điện của nước này. Luật quy định chặt chẽ về việc các nhà máy này xả nước làm mát ra sông, và trong trường hợp nhiệt độ nước sông đã quá cao vì khô hạn và nắng nóng, doanh nghiệp không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cắt giảm sản lượng.

Giữa lúc giá điện đạt mức cao nhất mọi thời đại, công ty điện lực khổng lồ EDF đã buộc phải cắt giảm sản lượng. Tuy nhiên, đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu, tuần trước cơ quan quản lý điện hạt nhân của Pháp đã cho phép 5 nhà máy tạm thời “lách luật”.

Ở Ý, tốc độ dòng chảy của sông Po, con sông dài nhất nước này, đã giảm xuống chỉ còn 1/10 so với mức thông thường và mực nước giờ đây thấp hơn bình thường 2 mét. Do không có mưa ổn định tại khu vực kể từ tháng 11, sản xuất ngô và gạo risotto đã bị ảnh hưởng nặng nề.

Việc vận chuyển hàng hóa trên 2.850 km chiều dài của sông Danube cũng bị gián đoạn nghiêm trọng, khiến các nhà chức trách ở Serbia, Romania và Bulgaria bắt đầu cho nạo vét các con kênh sâu hơn, trong khi các sà lan chở nhiên liệu cho các nhà máy điện đang chờ để di chuyển.

Ngay cả Na Uy, nơi thủy điện chiếm đến 90% sản lượng điện của quốc gia, cũng cho biết mực nước thấp bất thường của các hồ chứa cuối cùng có thể buộc họ phải hạn chế xuất khẩu điện.

VŨ MẠNH

TNO