Chúa Nhật 14.08.2022
“Lời Sửa dạy”
Chúa Nhật Tuần XX – Mùa Thường Niên
Gr 38,4-6.8-10 • Tv 39,2.3.4.18 (Đ. c.14b) • Hr 12,1-4 • Lc 12,49-53
Lời Chúa
✠ Bài trích Phúc Âm theo thánh Luca
49 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! 50 Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!
51 “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ. 52 Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba. 53 Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng.”
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ)
Suy niệm
“Lời Sửa dạy”
Từ vài năm trở lại đây, vào dịp Tết Nguyên đán, các giáo xứ thường tổ chức “Hái lộc xuân” trong thánh lễ Tân Niên. Những câu Kinh Thánh được trích dẫn và in theo hình thức “xin xăm” của người lương dân. Ai cũng thích “rút thăm” được những lời chúc phúc ngọt ngào. Chẳng ai thích những lời phê phán trách móc. Ai chẳng may nhận được câu Kinh Thánh mang nội dung không vui, sinh ra buồn cả năm. Và thế là, các nhà in và các cha xứ chỉ toàn chọn những lời Chúa chúc phúc. Thật là một giải pháp an toàn, ai cũng thích.
Nội dung Kinh Thánh không chỉ là những lời chúc phúc, mà còn là những lời phê phán rất gay gắt. Những lời phê phán này trải dài trong Cựu Ước cũng như trong Tân Ước. Hãy đọc những lời Chúa Giêsu quở trách người biệt phái và luật sĩ như một ví dụ. Người gọi họ là “quân giả hình” và so sánh họ như những nấm mồ tô vôi (x. Mt 23,27). Nếu đọc Lời Chúa mà chỉ chọn những lời ngọt ngào, e rằng sẽ có cái nhìn phiến diện về Đức tin cũng như về sứ điệp Lời Chúa.
“Trung ngôn nghịch nhĩ”. Người đời thường nói thế. Giêrêmia là vị ngôn sứ sống trong bối cảnh chính trị và xã hội rất phức tạp trước lúc dân Do Thái bị bắt đi lưu đày ở Babylon vào năm 587 trước Công Nguyên. Ông có sứ mạng kêu gọi dân tin tưởng vào Chúa. Dân chẳng nghe, lại còn giam ông trong giếng nước sâu đến gần chết.
“Thầy không đến để đem hòa bình, mà để đem chia rẽ!” Lời này thật gây sốc, nhưng lại là một thực tế được chứng minh suốt hai mươi thế kỷ qua. Chấp nhận Chúa là một cuộc đánh cược cả đời mình. Tin theo Chúa nhiều khi phải chấp nhận hy sinh. Biết bao người không đủ can đảm dứt bỏ những ràng buộc, nên đã “đào ngũ” trên con đường theo Chúa.
Chúa Giêsu không chỉ hô khẩu hiệu cho người khác, mà chính Người đã làm gương. Người đã “khước từ niềm vui dành cho mình, mà cam chịu khổ hình thập giá”, để trở nên nguồn sức mạnh thiêng liêng cho chúng ta. Tác giả thư – gửi tín hiệu Híp – ri khẳng định: Thiên Chúa là Đấng Trung thành. Ngài không bỏ rơi những ai kiên trì cậy trông nơi Ngài. Lời Chúa như ngọn lửa tinh luyện chúng ta, uốn nắn giúp chúng ta nên thánh. Hãy để cho Lời Chúa sửa dạy chúng ta, dù trải qua thương đau. Chức năng ngôn sứ cũng trao cho chúng ta nhiệm vụ chuyển tải Lời Chúa đến với mọi người, bất kể hoàn cảnh nào, với xác tín Chúa luôn là thành trì, là Đấng bảo vệ và giải thoát chúng ta.
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: Sống Lời Chúa – Bayard Việt Nam