27/12/2024

Cô Quyên da cam

Xe chúng tôi rẽ vào Công viên phần mềm Quang Trung, TP.HCM, càng vào trong, cây xanh càng rợp bóng mát, không khí trong lành. Tôi đến trường ĐH Hoa Sen không phải để ghi danh nhập học mà gặp cô Trần Thị Mỹ Quyên, sinh năm 1975, cán bộ của Trường, đang công tác tại Phòng Đào tạo.

 

 

 

Trần Thị Mỹ Quyên bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, khiếm khuyết đôi bàn chân lẫn đôi bàn tay nhưng Quyên là tấm gương sống đẹp!

Cô Quyên da cam - ảnh 1
Cô Trần Thị Mỹ Quyên là tấm gương về nghị lực sống và sẻ chia TGCC

Chắp cánh ước mơ

Hiện Quyên là đại diện của Tổ chức Vietnam, les Enfants de la Dioxine tại Việt Nam (VNED – Vì trẻ em chất độc da cam/dioxin Việt Nam), một tổ chức phi Chính phủ do cộng đồng người Việt Nam và Pháp thành lập tại Paris.

Khiếm khuyết hai bàn chân lẫn hai bàn tay, nên chuyện di chuyển đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng, Quyên vẫn lặn lội về tận vùng sâu – xa ở các tỉnh miền Tây hay tận miền Trung xa xôi để kết nối những trái tim, mang sự giúp đỡ của các mạnh thường quân Quốc tế đến với những nạn nhân chất độc da cam/dioxin với nguồn hỗ trợ lên đến hàng tỉ đồng mỗi năm.

Gương mặt toát lên vẻ hồ hởi, Quyên kể, tranh thủ hai ngày nghỉ cuối tuần, rồi xin thêm một, hai ngày phép nữa là cô vác ba lô đi. Con gái đầu lòng của cô giờ đã lớn. Con bé tự biết chăm bản thân, chăm luôn cả em trai, nên Quyên đỡ lo. Trời cho sức khỏe tốt, nên chỉ cần ngã lưng trên xe là Quyên có thể ngủ một giấc ngon lành.

Những ngày nghỉ lễ, Quyên ít khi ở nhà với gia đình. Cô chắt chiu cả thời gian được nghỉ để phối hợp với Hội nạn nhân chất độc da cam/ dioxin của địa phương trao học bổng cho các em học sinh nhiễm chất độc da cam/dioxin vượt khó, học giỏi.

Quyên cho biết, tổ chức Vietnam, les Enfants de la Deoxine đều đặn mỗi năm đi thăm khám bệnh, trao hai lần học bổng và tặng quà cho các em nhiễm chất độc da cam/dioxin tại nhiều tỉnh thành trong cả nước. Ngoài ra, Tổ chức này còn hỗ trợ cho các gia đình nhiễm chất độc da cam/ dioxin một phần vốn để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống vật chất cho gia đình.

Thường xuyên vắng nhà, nhưng Quyên bảo mình thấy vui chứ không hề thấy mệt, thấy buồn. Với Quyên, đây là cách trả ơn đời, trả ơn những người từng cưu mang, giúp đỡ mình.

Quyên trải lòng, giúp đỡ người khuyết tật, cũng như giúp những nạn nhân nhiễm chất độc da cam/ dioxin, cũng tức là đang tự giúp chính cô sống có ý nghĩa trong đời sống mà cô đang có. Với Quyên, còn sức khỏe là còn chia sẻ!

Với tôi, ấn tượng với câu nói của Quyên“Làm tới khi nào công lý về chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam được thực thi thì thôi!”

 

Xứ người hoa lệ

“Hồi mới vào TP HCM, tớ lơ ngơ trước sự đông đúc, chộn rộn. May mắn gặp được những người sống nghĩa tình. Họ không chỉ giúp đỡ chỗ ở, mà còn tiếp thêm động lực tinh thần để tớ có được như ngày hôm nay”,Quyên kể hàng loạt những cái tên đã đồng hành cùng mình bằng sự trân quý, cho tôi nghe.

Năm 2003, Quyên về ĐH Hoa Sen làm việc. Tại đây, cô đã đứng ra tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện cùng Hội nhóm sinh viên của trường: Đêm Hội trăng rằm, Cây mùa Xuân, Hoàng Tử Bé v.v…

“Những người bạn khuyết tật, những em nhỏ kém may mắn vì chất độc da cam, họ đều cần tình cảm và được yêu thương. Họ chẳng kéo tớ nhưng không biết vì sao tớ muốn đến với họ”, Mỹ Quyên nhẹ bâng nói.

Năm 2004, Quyên sang Pháp 40 ngày, với tư cách thành viên đoàn Đại biểu vận động người dân Pháp tham dự chuỗi hoạt động vì nạn nhân dioxin tại Pháp và Bỉ diễn ra từ ngày 13-11 đến 12-12, nhân Tuần lễ vì Hoà bình của Pháp, nhằm ủng hộ cho vụ kiện của bà Trần Tố Nga, một Việt kiều Pháp. Cô nói người Pháp, họ rất quý, dành tình cảm tốt đẹp cho người Việt Nam. Với sự thật, khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, trong đó khoảng 61% chất độc da cam, chứa khoảng 366 kilogam dioxin được phun rải xuống Việt Nam từ năm 1961- 1971, người Pháp tỏ ra sợ hãi.

Quyên cùng những người làm công tác nghiên cứu khoa học, trình bày những căn cứ khoa học, sự thật về việc chất độc da cam/ dioxin là chất hữu cơ cực độc, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe con người Việt Nam, người Pháp mới vỡ lẽ. Và họ đã tham gia ủng hộ cho Đoàn vận động bằng những cuộc tuần hành, ký hàng ngàn chữ ký vào đơn…

Tiếng nói của Tổ chức Vietnam, les Enfants de la Dioxine mà Quyên là Đại diện ở miền Nam Việt Nam, ngày càng lan tỏa. Từ đó, hiệu quả cuộc vận động lan ra không chỉ Pháp mà còn nhiều nước khác. Nó quyết định vào sự thành công cho vụ kiện của bà Trần Tố Nga, buộc các công ty hóa chất Mỹ, Chính phủ Mỹ phải thừa nhận tội ác chiến tranh tại Việt Nam.

Quyên nhớ lại, giọng hào hứng kể: “Dòng người tuần hành ủng hộ Tổ chức Vietnam, les Enfants de la Deoxine tại Pháp, đông lắm!”.

 

Hạnh phúc ngọt ngào

Tạm gác lại ước mơ vào Đại học, Quyên mưu sinh. Cô nói, thèm lắm mỗi khi nhìn bạn bè đi học xa về nhà chơi, nhân dịp Lễ Tết. “Chân tay khiếm khuyết, chứ ước mơ không thể khiếm khuyết”, Quyên luôn nghĩ thế. Cô quyết tâm vào TP. HCM thắp sáng ước mơ có đôi chân giả với số tiền lộ phí 1,8 triệu đồng, bằng con chữ.

Bốn năm học ở Trường ĐH KHXH & NV TP. HCM, Khoa tiếng Pháp, Quyên phải di chuyển bằng xe đạp trên quãng đường dài hàng chục cây số để đi học, làm gia sư. Căn gác nhỏ ọp ẹp của người phụ nữ bán vé số tốt bụng là chốn đi về của cô trước khi vào chùa ở trọ và sau đó về Kiến túc xá của trường. Mỗi lần leo lên căn gác bằng cầu thang tre, cô kể, giống như cực hình đối với đôi chân không bàn. Mười bảy tuổi cô mới được mang đôi dép “tiền chế” do tự mình nghĩ ra, rồi đặt thợ làm, nên Quyên nói đó là chuyện nhỏ. Vả lại, họ nghèo, nhưng đã cưu mang mình không tốn một xu tiền trọ, cớ gì không cố gắng!?

“Vậy chứ nó cừ lắm! Dẫu con đường sình lầy, nhưng tớ vẫn hai buổi đi học về, chẳng cần người thân đưa đón…”, Quyên chỉ vào đôi của chân mình, hồn nhiên kể về kí ức. Từ cách sống lạc quan, yêu đời, nên mọi người ai cũng thương quý Quyên. Cô đã được một mạnh thường quân người Pháp tặng cho đôi chân giả mềm mại, không đau cấn, giống hệt ước mơ của cô ngày bé nhỏ.

Năm 2000, Quyên lập gia đình cùng anh Phạm Tuấn Thuận. Từng tham gia công tác xã hội, nên Thuận hiểu và trân quý những phần việc vợ mình đã làm cho cộng đồng xã hội và trở thành hậu phương cho vợ. Phụ nữ mỗi bận sinh con, ví như đi biển khơi một mình, với Quyên còn hơn điều đó. Cô hạnh phúc khi biết mình sắp làm mẹ, nhưng cũng lo sợ, nếu con chào đời chẳng may mang bị di chứng chất độc da cam/ dioxin, thì xót đau! Lúc đứa con gái đầu lòng chào đời với chân tay đầy đủ, nhìn con, Quyên tuôn trào nước mắt vì hạnh phúc, cô kể.

Năm 2017, Quyên sinh con lần thứ hai. Mỗi bận, nhìn con chạy nhảy vui đùa; tự cầm đũa gắp thức ăn, cô nói mình như vớ phải của nả quý giá. Theo Quyên, ít ai may mắn được như vợ chồng cô. Những cặp vợ chồng kiểu như vợ chồng cô, hãy gặp bác sĩ nhờ tư vấn trước khi muốn mang thai, cũng như phải đi bệnh viện thăm khám theo định kỳ.

Hạnh phúc mỉm cười, nên Quyên càng sát cánh hơn cùng Tổ chức Vietnam Les Enfannts De la Deoxine. Cô có thêm nhiều hành động quyết liệt hơn, thiết thực hơn trong cuộc chiến da cam/ dioxin. Vận dụng những điều cô hiểu biết, cũng như nhân chứng là chính cô, Quyên đã lan tỏa cuộc chiến nhân đạo này đến bạn bè khắp thế giới để buộc các công ty hóa chất Mỹ, Chính phủ Mỹ phải thừa nhận tội ác chiến tranh trong cuộc chiến phi nghĩa tại Việt Nam.

“Làm một chút gì đó để vui cho mọi người. Làm một chút gì để góp phần cho cuộc chiến da cam/ dioxin nhanh chống chiến thắng”, đôi mắt nhìn xa xăm, Quyên như nói với chính mình.

CAO MINH TÈO

TNO