23/01/2025

New Zealand đang bị thiên thạch bắn phá?

New Zealand đang bị thiên thạch bắn phá?

Nhiều báo cáo thiên thạch rơi xuống New Zealand gần đây, trong đó có một thiên thạch lớn nổ tương đương 1.800 tấn thuốc nổ TNT, khiến nhiều người đặt câu hỏi: nước này đang bị các thiên thạch ‘bắn phá’?

 

 

New Zealand đang bị thiên thạch bắn phá? - Ảnh 1.

Nhiều thiên thạch đã rơi xuống New Zealand gần đây – Ảnh: 123RF

Theo trang tin The Conversation, sau khi một thiên thạch lớn nổ tung trên mặt biển gần thủ đô Wellington vào ngày 7-7, tạo ra một vụ nổ âm thanh có thể nghe thấy ở phía dưới của Đảo Nam, hai tuần sau đó, một quả cầu lửa nhỏ hơn đã xuất hiện trên bầu trời khu vực Canterbury.

Hiện nay, tổ chức Fireballs Aotearoa (bao gồm sự hợp tác giữa các nhà khoa học thiên văn tại Đại học Canterbury và Otago cùng các nhà khoa học công dân, nhằm mục đích thu hồi các thiên thạch mới rơi) đã nhận được rất nhiều thông báo về những sự kiện thiên thạch rơi này.

Những quả cầu lửa xanh đã được người dân báo cáo và quay phim liên tục ở New Zealand. Các thiên thạch thường có đường kính từ vài centimet đến 1m khi nó đâm xuyên qua bầu khí quyển.

Theo các nhà khoa học, một số thiên thạch có chứa niken, sắt và chúng va vào bầu khí quyển với tốc độ lên tới 60km/giây. Điều này nhanh chóng giải phóng một lượng nhiệt khổng lồ, đồng thời sắt và niken hóa hơi tỏa ra ánh sáng màu xanh lục.

Khi thiên thạch ở Canterbury rơi xuống vào ngày 22-7, những cơn gió thất thường của bầu khí quyển trên cao đã làm xoắn vệt sáng của thiên thạch này, dẫn đến ánh sáng màu vàng nhạt ở phía cuối. Điều này là do các nguyên tử natri liên tục bị kích thích trong một phản ứng xúc tác liên quan đến ozone.

Câu hỏi đang được rất nhiều người dân quan tâm: Có phải New Zealand đang bị các thiên thạch bắn phá?

Các nhà khoa học tại Đại học Canterbury giải thích: Sự xuất hiện của các thiên thạch xanh lớn, bùng nổ và rơi xuống không phải là hiếm ở New Zealand. Tuy nhiên, chúng không gây hại cho New Zealand vì thường bị cháy rụi, rất hiếm khi phục hồi được các thiên thạch này. Do đó các thiên thạch này có “bắn” xuống New Zealand, nhưng chưa “phá”.

Fireballs Aotearoa cũng đang làm việc để cải thiện tỉ lệ phục hồi các thiên thạch rơi xuống.

Thông tin của các nhân chứng và qua các camera theo dõi sao băng có độ phân giải cao, giúp các nhà khoa học tính toán quỹ đạo của sao băng.

Điều đó không chỉ giúp các nhà khoa học tìm thấy tảng thiên thạch, mà còn cho biết nó đến từ phần nào của hệ Mặt trời. Đây là một cách khá hiệu quả để lấy mẫu hệ Mặt trời mà không cần phải thực hiện một sứ mệnh không gian.

GIA MINH
TTO