Chúa Nhật XVIII TN C 2022: Sống đẹp từng phút trong đời
Các bài Thánh Kinh trong tuần XVIII Thường niên này như gợi ý cho chúng ta suy nghĩ về cuộc sống thường ngày để ta có thể nhìn vào Đức Giêsu Kitô và khám phá ra ý nghĩa của cuộc đời. Nhờ đó ta sống bình an, vui tươi và hạnh phúc trong từng ngày sống.
Chúa Nhật XVIII TN C 2022
Sống đẹp từng phút trong đời
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Lời mở
Các bài Thánh Kinh trong tuần XVIII Thường niên này như gợi ý cho chúng ta suy nghĩ về cuộc sống thường ngày để ta có thể nhìn vào Đức Giêsu Kitô và khám phá ra ý nghĩa của cuộc đời. Nhờ đó ta sống bình an, vui tươi và hạnh phúc trong từng ngày sống.
1. Có phải tất cả đều là vô nghĩa, là phù vân, là vô thường?
Bài đọc I trong sách Giảng viên (x. Gv 1,2;2,21-23) như mời gọi ta khám phá ra mặt trái có vẻ như vô nghĩa, bất định của những của cải hay hoạt động ở trần thế này. Các bông hoa sáng nở tối tàn; những con người xinh đẹp rồi cũng trở thành già nua, xấu xí; những công trình xây dựng hoành tráng rồi lại trở nên phế tích hoang tàn. Tất cả đều giống như đám mây trôi nổi, lúc tụ lúc tan. Phù có nghĩa là trôi nổi, vân là đám mây. Chúng ta nghe bài đọc hôm nay: “Tất cả chỉ là phù vân”, hay nói như anh em Phật giáo: “Tất cả đều vô thường”.
Giống như nhà phú hộ trong bài Tin Mừng (x. Lc 12,13-21), rất nhiều người đang lao đao vất vả kiếm sống. Chúng ta lo kiếm thật nhiều của cải cho mình và con cháu vì nghĩ rằng của cải sẽ bảo đảm tương lai. Nhiều người tính toán mua mảnh đất này, xây căn nhà nọ, sắm chiếc xe kia, gửi tiền tiết kiệm ở ngân hàng lãi được bao nhiêu để đủ cho mình sống trong nhiều năm, nhất là trong thời kỳ lạm phát, vật giá leo thang như hiện nay. Chúng ta thử hỏi xem, dù lo toan như vậy cuối cùng ta giữ được gì? Chúng ta nhận ra rằng tất cả vật chất kia đều tan biến, sụp đổ, trở về cát bụi và không ít người mang thái độ bi quan đối với cuộc sống. Rất nhiều người lao vào học hành, nghiên cứu, nhưng rồi lại thấy những nghiên cứu của mình lỗi thời, vì sau đó có người khám phá sâu xa hơn.
Hai cuộc Thế chiến 1914-1918 và 1939-1945 đã làm cho loài người khủng hoảng niềm tin: mấy chục triệu người chết trong nháy mắt vì những quả bom, viên đạn vô tình; hàng trăm triệu ngôi nhà sụp đổ sau cả một đời người vất vả làm việc mới tích góp xây dựng nên. Cuộc chiến đang diễn ra ở Ucraina hiện nay càng làm cho nhân loại cảm thấy bất an hơn. Mỗi ngày hàng chục ngàn tỉ đồng đổ vào bom đạn chỉ để giết hại, tàn phá lẫn nhau. Vì thế, người ta thấy cuộc đời hoàn toàn là vô nghĩa, vô thường, phi lý.
Từ đó phát sinh hệ tư tưởng hay phong trào gọi là “hiện sinh vô thần”, nghĩa là chỉ sống giây phút hiện tại, ăn uống, vui chơi và làm những gì mình thích để rồi chết là hết. Người ta nghi ngờ, trách cứ Chúa bởi vì nếu Chúa có thật thì tại sao lại để cho loài người tàn sát lẫn nhau ghê rợn như thế. Nếu Chúa có quyền năng vô hạn, thì tại sao lại không ngăn ngừa nổi các hành động tàn ác, xấu xa của những tên tội phạm quốc tế, của những nhà độc tài đang gây đau khổ cho thế giới?
Vì thế, nhiều người chối bỏ Thiên Chúa để sống theo những gì quỷ dữ tà ma ban phát cho họ như chúng đã nói với chính Chúa Giêsu: “Tôi sẽ cho ông tất cả vinh hoa phú quý trong trần gian này nếu ông bái lạy tôi” (x. Mt 4,8-9). Vì thế chúng ta thấy xuất hiện những hội kín như Tam Điểm, Satan đang lôi kéo được nhiều người, nhất là các bạn trẻ, sống theo trào lưu hiện sinh vô thần đó.
2. Tất cả đều có ý nghĩa và giá trị vĩnh hằng
Thật ra, đó chỉ là mặt trái của vạn vật và con người vì vật chất thay đổi theo thời gian, không gian. Còn mặt phải của vật chất, của con người là những giá trị tinh thần như: tình yêu, niềm vui, hạnh phúc, sự sống, chân thiện mỹ… thì đều rất có ý nghĩa và tồn tại mãi mãi. Chính “tinh thần định hình cho vật chất” để chúng tồn tại muôn đời. Đó là định luật nền tảng mà nhiều người chúng ta lại quên mất trong cuộc sống.
Nhìn vào con người mình, chúng ta nhận ra thân xác đổi thay theo thời gian: từ lúc còn thơ ấu đến lúc trưởng thành rồi già nua. Nhưng ta vẫn là ta, ta vẫn ý thức mình là một con người từ nhỏ đến lớn để chịu trách nhiệm về mọi hành động của mình. Bát cơm, ly nước ta ăn ta uống hôm qua, hôm nay hay ngày mai đều có những yếu tố vật chất giống nhau. Nhưng khi ta dùng tinh thần để định hình cho những vật chất đó thì chúng lại rất khác nhau. Ví dụ ta uống ly nước, ăn bát cơm hôm nay vì tình yêu Chúa để có sức sống phục vụ anh chị em ta, mang lại cho họ niềm vui, bình an… thì chúng tồn tại mãi mãi. Chúng khác hẳn với bát cơm, ly nước hôm qua khi ta chỉ ăn uống theo nhu cầu tự nhiên của cuộc sống.
Bát cơm, ngọn rau, tôm cá ta dùng trong bữa ăn hằng ngày cũng giống như thế. Khi ta đặt tình yêu vào lòng vạn vật như vậy là ta giúp cho chúng cũng tồn tại mãi mãi với ta. Nhiều khi chúng ta ăn mà không để ý rằng con tôm, con cá, ngọn rau, cây giá cũng có sự sống và Thiên Chúa đặt bản chất tình yêu của Ngài vào trong chúng nên chúng mới hy sinh cho ta. Một cái cây, dù bị ta chặt ngang, cũng cố gắng đâm ra chồi non để sống. Một con giun ta vô tình đạp đứt đôi nó, nó cũng cố gắng ngoi về miền đất ẩm để sống. Chúng yêu quý sự sống không thua kém con người! Nhưng trong bữa ăn chúng hy sinh cho ta, vì tình yêu mà Chúa đặt vào trong bản chất của chúng, giúp cho chúng tồn tại mãi mãi khi ta đón nhận chúng bằng tình yêu.
Tất cả điều kỳ diệu đó đều nhờ Đức Giêsu Kitô. Chúng được chia sẻ sự sống muôn đời, vì chúng đã yêu thương ta, hy sinh sự sống cho ta như Đức Giêsu Kitô. Bài đọc II (x. Cl 3,1-5.9-11) hôm nay nhắc nhở ta rằng: “Đức Giêsu Kitô là tất cả và ở trong mọi người”. Chính nhờ Đức Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, Thiên Chúa đưa sự sống vĩnh hằng, vô biên, vô tận của Ngài vào trong khối vật chất là toàn thể vũ trụ và trong chính mỗi người chúng ta để từ nay mỗi giây phút ta sống đều có ý nghĩa và đều mang giá trị vĩnh hằng.
Chúng ta được mời gọi rằng: “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc về thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa… Anh em đã mặc lấy con người mới, con người hằng được đổi mới theo hình ảnh của Đấng Tạo hoá để được ơn thông hiểu”.
Khi chúng ta kết hợp với Người trong tình yêu thì Người chuyển thông cho ta niềm vui, bình an, hạnh phúc và ơn cứu độ để ta luôn cảm nghiệm được Người đang sống trong chúng ta, cũng như đang sống trong vũ trụ vạn vật. Của cải, tiền bạc luôn thay đổi và ta không mang theo chúng khi bước qua ngưỡng cửa cái chết. Nhưng giá trị của chúng vẫn tồn tại khi ta sử dụng chúng như những phương tiện để đem lại no đủ, niềm vui, hạnh phúc thật sự cho con người. Kiến thức loài người mỗi ngày một thay đổi và phát triển, nhưng bài ta học, ta làm hôm nay vẫn tồn tại mãi mãi vì giá trị của sự thật trong các bài học đó đóng góp cho sự phát triển tinh thần của ta.
Lời kết
Như thế, chúng ta cũng sống những giây phút hiện tại như bao con người thời đại hôm nay, nhưng đây là loại hiện sinh theo ý nghĩa hữu thần vì ta luôn tin tuởng: “Chúa Giêsu là tất cả và ở trong mọi người”. Chính Người đem lại ý nghĩa và giá trị vĩnh hằng cho mỗi giây phút sống của đời ta. Amen.
HKK