Kinh chiều tại Nhà thờ Chính toà Notre Dame ở Québec
Kinh chiều tại Nhà thờ Chính toà Notre Dame ở Québec
Nhà thờ Chính toà Notre Dame Québec
Nhà thờ Chính toà Notre-Dame de Québec, nơi có nhà nguyện đầu tiên do Champlain xây vào năm 1633, được xây dựng vào năm 1647, với tên là Notre-Dame de la Paix. Năm 1664, Nhà thờ trở thành giáo xứ đầu tiên ở miền bắc Mexico và được dâng kính Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội. Năm 1674, nhà thờ được nâng lên Nhà thờ Chính toà, sau khi Thánh François de Laval được bổ nhiệm làm giám mục tiên khởi của giáo phận mới của thành phố Québec. Hai trăm năm sau, do tầm quan trọng của nhà thờ trong lãnh thổ, Đức Giáo hoàng Piô IX đã nâng Nhà thờ lên thành vương cung thánh đường. Nhà thờ đã bị đánh bom và bị cháy vào năm 1759 trong cuộc bao vây của người Anh và sau đó được xây dựng lại.
Năm 1922, nhà thờ lại bị cháy và được xây dựng lại lần thứ hai theo thiết kế cũ. Từ năm 1650 đến năm 1898, khoảng 900 người đã được chôn cất dưới toà nhà và khi nhà thờ được xây dựng lại vào năm 1923, một hầm mộ đã được thêm vào, nơi hầu hết các giám mục, tổng giám mục và hồng y của giáo phận hiện đang yên nghỉ. Nhà thờ được đặc trưng bởi mặt tiền tân cổ điển, với hai ngọn tháp không đối xứng. Bên trong, người ta có thể chiêm ngưỡng những cửa sổ kính màu và những bức tranh lộng lẫy.
Khi đến nơi, Đức Thánh Cha được Đức Hồng y Tổng Giám mục Québec và Chủ tịch Hội đồng Giám mục Canada, chào đón tại lối vào. Tất cả đi vào Nhà thờ để cử hành Kinh chiều.
Bài giảng
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha dựa vào một đoạn thư thứ nhất của Thánh Phêrô (1Pr 5,1-4) được đọc trong giờ kinh, trong đó Thánh Tông đồ khuyên các bậc kỳ mục chăn dắt đoàn chiên Chúa giao phó với lòng nhiệt thành tận tuỵ, không dùng quyền thống trị, nhưng nêu gương sáng.
Đức Thánh Cha bắt đầu bằng cách nhấn mạnh rằng thật ý nghĩa khi mọi người quy tụ ở đây trong Vương cung Thánh đường Notre Dame Québec, nhà thờ nguyên thuỷ của Canada, và trụ sở của Tổng Giáo phận Canada, vị Giám mục tiên khởi, Thánh François de Laval, đã mở Chủng viện vào năm 1663 và dành trọn thừa tác vụ cho việc đào tạo các linh mục.
Đức Thánh Cha nói: “Bài đọc ngắn mà chúng ta vừa nghe nói với chúng ta về ‘những người lớn tuổi’, tức là các kỳ mục. Thánh Phêrô đã thúc giục chúng ta: ‘Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em: lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện’ (1 Pt 5,2). Được quy tụ nơi đây như là Dân Chúa, chúng ta hãy nhớ rằng Chúa Giêsu Mục Tử cuộc đời chúng ta, là Đấng chăm sóc chúng ta vì Người thực sự yêu thương chúng ta. Chúng ta, những mục tử của Giáo hội, được yêu cầu thể hiện sự quảng đại đó trong việc chăm sóc đoàn chiên, để có thể thể hiện sự quan tâm của Chúa Giêsu đối với mọi người và lòng trắc ẩn của Người đối với vết thương của mỗi người.”
Niềm vui Kitô
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng Thánh Phaolô khuyên chúng ta làm điều này một cách “tự nguyện”, không miễn cưỡng, không phải như một nghĩa vụ, không phải là những giáo sĩ kiểu viên chức, nhưng nhiệt thành và với tấm lòng mục tử. Và đó là niềm vui của chúng ta. Niềm vui này không liên quan đến sự giàu có và an toàn, cũng không cố gắng thuyết phục chúng ta rằng cuộc sống sẽ luôn tốt đẹp, không có thập giá và vấn đề. Niềm vui Kitô là sự trải nghiệm sự bình an và vẫn hiện diện trong tâm hồn ngay cả khi chúng ta đang bị thử thách và đau khổ, vì khi đó chúng ta biết rằng chúng ta không đơn côi, nhưng được Thiên Chúa đồng hành, Đấng không dửng dưng với số phận chúng ta. Niềm vui Kitô là một ân ban nhưng không, là sự chắc chắn khi biết rằng chúng ta được Chúa Kitô yêu thương, nâng đỡ và đón nhận trong mọi hoàn cảnh cuộc sống.
Sự tục hoá
Đức Thánh Cha nói đến những điều làm cho niềm vui Kitô không còn hiện diện. Theo ngài, khi nói đến điều này chúng ta có thể nghĩ ngay đến sự tục hoá, điều đã ảnh hưởng rất nhiều đến lối sống của con người ngày nay. Thiên Chúa dường như đã biến mất khỏi chân trời, và Lời Người dường như không còn là chiếc la bàn hướng dẫn cuộc sống, các quyết định cơ bản, các mối quan hệ con người và xã hội chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta phải xác định rõ một điều: Khi chúng ta quan sát nền văn hóa xung quanh, và sự đa dạng của ngôn ngữ và biểu tượng của nó, chúng ta phải cẩn thận để không trở thành những tù nhân của sự bi quan hoặc oán hận, đưa đến những phán xét tiêu cực hoặc một hoài niệm vô ích. Có hai quan điểm mà chúng ta có thể có đối với thế giới mà chúng ta đang sống: đó là “cái nhìn tiêu cực”, và “cái nhìn phân định”.
Cái nhìn tiêu cực và cái nhìn phân định
Trước hết cái nhìn tiêu cực. Cái nhìn này thường xuất phát từ một đức tin cảm thấy bị tấn công và coi đó như một loại “áo giáp”, bảo vệ chúng ta trước thế giới. Người có cái nhìn này phàn nàn một cách cay đắng rằng “thế giới xấu xa; tội lỗi thống trị”, và do đó có nguy cơ khoác trên mình bộ trang phục của một “tinh thần thập tự chinh”. Chúng ta phải cẩn thận, bởi vì đây không phải là Kitô giáo, không phải là đường lối của Thiên Chúa, Đấng – như Tin Mừng nhắc nhở chúng ta – “yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16 ). Chúa có một cái nhìn tích cực về thế giới. Người chúc lành cuộc sống chúng ta, nhập thế vào những hoàn cảnh lịch sử, không phải để lên án, nhưng để hạt giống Nước Trời được phát triển ở những nơi mà bóng tối dường như chiến thắng. Nếu chúng ta bị giới hạn trong một cái nhìn tiêu cực, thì cuối cùng chúng ta sẽ phủ nhận sự nhập thế: thay vì nhập thế, chúng ta sẽ trốn chạy khỏi thực tại. Chúng ta sẽ tự thu mình, than khóc về những mất mát của mình, không ngừng phàn nàn và rơi vào thái độ buồn bã và bi quan, điều không bao giờ đến từ Thiên Chúa. Thay vào đó, chúng ta được kêu gọi để có một cái nhìn như Chúa, biết phân biệt điều gì là tốt và kiên trì tìm kiếm và nuôi dưỡng nó. Đây không phải là một cái nhìn ngây thơ, nhưng là một cái nhìn phân định thực tế.
Khủng hoảng về cách trình bày đức tin
Đối với chúng ta, vấn đề tục hóa, không phải là ảnh hưởng xã hội của Giáo hội bị giảm hay là sự mất mát của cải vật chất và các đặc ân. Đúng hơn, tục hoá đòi hỏi chúng ta phải suy tư những thay đổi trong xã hội đã ảnh hưởng đến cách con người suy nghĩ và tổ chức cuộc sống. Nếu chúng ta tập trung vào khía cạnh này, chúng ta nhận ra rằng điều đang gặp khủng hoảng không phải là đức tin, nhưng là một số hình thức và cách thức chúng ta trình bày. Do đó, tục hóa là một thách đố đối với trí tưởng tượng mục vụ của chúng ta, là “cơ hội để sắp xếp lại đời sống tinh thần dưới những hình thức mới và những cách thức hiện hữu mới”. Theo cách này, cái nhìn phân định, trong khi nhìn thấy những khó khăn mà chúng ta gặp phải trong việc truyền đạt niềm vui đức tin, thúc đẩy chúng ta tìm lại một niềm đam mê mới cho công cuộc loan báo Tin Mừng, tìm kiếm những ngôn ngữ và hình thức diễn đạt mới, để thay đổi một số ưu tiên mục vụ và tập trung vào những gì thiết yếu.
Đức Thánh Cha tiếp tục bài giảng nói về ba thách đố cho việc cầu nguyện và mục vụ.
Thách đố làm cho Chúa Giêsu được biết đến
Đầu tiên là làm cho Chúa Giêsu được biết đến. Trong những sa mạc tâm linh của thời đại chúng ta, được tạo ra bởi chủ nghĩa thế tục và sự thờ ơ, chúng ta cần quay trở lại lời loan báo ban đầu. Chúng ta phải tìm những cách mới để loan báo trọng tâm Tin Mừng cho những người chưa gặp gỡ Chúa Kitô. Điều này đòi hỏi một sự sáng tạo mục vụ có khả năng tiếp cận mọi người nơi họ đang sống, tìm kiếm cơ hội để lắng nghe, đối thoại và gặp gỡ. Chúng ta cần trở lại sự đơn sơ và nhiệt thành của Công vụ Tông đồ, với vẻ đẹp của việc nhận ra rằng ngày nay chúng ta là công cụ sinh hoa trái của Thánh Thần.
Thách đố về chứng tá
Tuy nhiên, để loan báo Tin Mừng, chúng ta cũng phải là những người đáng tin cậy. Đây là thách đố thứ hai: chứng tá. Ở điểm này Đức Thánh Cha nói đến tình hình thực tế của Giáo hội Canada, về những tổn thương do một số con cái gây ra, và cách Giáo hội bắt đầu một con đường mới. Theo đó, khi suy nghĩ về hành trình chữa lành và hòa giải với những anh chị em bản địa, cộng đoàn Kitô không bao giờ có thể để cho mình bị lây nhiễm bởi ý tưởng rằng một nền văn hóa vượt trội hơn những nền văn hoá khác, hoặc sử dụng các biện pháp cưỡng bức người khác là hợp pháp. Phải phục hồi lòng nhiệt thành của vị Giám mục tiên khởi, Thánh François de Laval, người đã chống lại những người coi thường người bản địa bằng cách dụ họ uống rượu say và sau đó lừa đảo họ.
Để đánh bại văn hóa loại trừ này, Đức Thánh Cha nói phải bắt đầu từ các mục tử, những người không được cảm thấy mình ở vị trí hơn anh chị em trong Dân Chúa; các nhân viên mục vụ không được hiểu phục vụ là quyền bính. Đây là nơi chúng ta phải bắt đầu.
Thách đố về tình huynh đệ
Cuối cùng là thách đố thứ ba: tình huynh đệ. Giáo hội sẽ là nhân chứng đáng tin cậy cho Tin Mừng khi càng có nhiều thành viên hiệp thông, tạo cơ hội và không gian cho phép tất cả những ai tìm đến đức tin có thể gặp gỡ một cộng đoàn chào đón, có khả năng lắng nghe, tham gia đối thoại và thúc đẩy các mối quan hệ tốt. Đó là điều mà Thánh François de Laval đã nói với các nhà truyền giáo: “Thường thì một lời nói cay đắng, một cử chỉ thiếu kiên nhẫn, một cái nhìn khó chịu sẽ phá hủy ngay lập tức những gì đã mất nhiều thời gian để hoàn thành.”
Kết thúc bài giảng, Đức Thánh Cha mời gọi tất cả cầu nguyện với Thánh François de Laval: Ngài là một người vì người khác, thăm viếng bệnh nhân, cho người nghèo áo mặc, bảo vệ phẩm giá các dân tộc nguyên thuỷ, hỗ trợ những nhà truyền giáo kiệt sức, luôn sẵn sàng tìm đến gặp gỡ những người thấp kém hơn ngài. Đã bao nhiêu lần dự án của ngài bị phá đổ! Tuy nhiên, mỗi lần như vậy, ngài lại bắt đầu lại. Ngài đã hiểu rằng công trình của Chúa không xây bằng đá, và trong vùng đất chán nản này, cần có một người xây dựng hy vọng.
Ngọc Yến
Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2022-07/kinh-chieu-nha-tho-chinh-toa-notre-dame-quebec.html