Chúa Nhật XVII TN C 2022: Cầu nguyện thế nào cho hiệu quả
Các bài Kinh Thánh ta vừa nghe dẫn ta đến một hành động rất cần thiết trong đời Kitô hữu, đó là cầu nguyện. Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo đã đưa cầu nguyện vào phần thứ tư và trình bày trong suốt 307 số, từ số 2558-2865. Vậy, chúng ta đang cầu nguyện như thế nào và lời cầu nguyện đó có thể đạt được hiệu quả ra sao?
Chúa Nhật XVII TN C 2022
Cầu nguyện thế nào cho hiệu quả
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Lời mở
Các bài Kinh Thánh ta vừa nghe dẫn ta đến một hành động rất cần thiết trong đời Kitô hữu, đó là cầu nguyện. Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo đã đưa cầu nguyện vào phần thứ tư và trình bày trong suốt 307 số, từ số 2558-2865. Vậy, chúng ta đang cầu nguyện như thế nào và lời cầu nguyện đó có thể đạt được hiệu quả ra sao?
1. Chúng ta đang cầu nguyện như thế nào?
Rất nhiều người chúng ta cảm thấy mình tầm thường, yếu đuối, tội lỗi, lời cầu nguyện của mình không hiệu quả nên phải nhờ những người đạo đức cầu thay cho mình. Vì thế chúng ta xin lễ, xin các hội đoàn cầu nguyện để được ơn này, ơn nọ.
Vậy ta đang cầu nguyện như thế nào khiến cho lời cầu của mình lại kém hiệu quả? Nhiều người nghĩ rằng cầu nguyện là đọc theo một công thức nào đó, nhất là những lời kinh có sẵn. Thậm chí nhiều anh chị em đọc Giờ kinh Phụng vụ hằng ngày giống như các linh mục hay tu sĩ, vì đây là lời kinh chính thức của Giáo Hội. Nhưng cầu nguyện đâu phải là cầu kinh! Nhiều vị thánh nhắc nhở chúng ta rằng cầu nguyện là nói chuyện với cha của mình, giống như Chúa Giêsu.
Bài Tin Mừng hôm nay (x. Lc 11,1-13), kể lại một môn đệ đã xin Chúa Giêsu dạy mình cầu nguyện vì thấy Chúa dành những giờ phút để cầu nguyện với Cha của Người, nhất là vào sáng sớm và chiều tối, sau cả một ngày làm việc vất vả.
Đó là thời gian Chúa Giêsu nói chuyện với Cha mình. Người nói chuyện gì? Chúa Giêsu kể cho Cha về những chuyện mình làm cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến, chuyện làm phép lạ hoá bánh cá ra nhiều cho người ta ăn như lương thực hằng ngày, chuyện tha thứ tội lỗi, xua trừ ma quỷ để chúng không cám dỗ con người… Nhưng trước hết Người giữ tinh thần hiếu thảo thân mật với Cha như một người con. Vì thế lời đầu tiên nói với Thiên Chúa là một lời rất đơn sơ: “Lạy Cha!”. Lời này giống như lời của một đứa trẻ gọi cha của mình “Cha ơi!”.
Hôm nay chúng ta nghe lời kinh Lạy Cha theo thánh Luca. Lời kinh này hơi khác, ngắn gọn hơn lời kinh Lạy Cha mà chúng ta vẫn thường đọc ghi theo thánh Matthêu. Thật ra, Chúa Giêsu đã cầu nguyện nhiều lần với Chúa Cha bằng những lời tương tự, và mỗi lần có đôi chút khác nhau. Nhưng tâm tình căn bản vẫn là tâm tình của người con nói với Cha của mình về tất cả những chuyện xảy ra trong đời sống. Đó là cầu nguyện.
Vì thế, trước tiên, cầu nguyện không phải là cầu kinh, mà phải mang tâm tình của người con. Ngay cả khi ta cầu kinh, cùng với Giáo Hội, với anh chị em khác, ta vẫn phải có chung một tâm tình của người con (x. GLHTCG, số 2525, 2786-88). Có lẽ vì thiếu tâm tình căn bản đó nên lời cầu nguyện của ta chưa hiệu quả!
Nhiều người chúng ta không nghĩ lời cầu nguyện của mình có thể tác động đến nhiều con người, đến cả vạn vật, giống như Abraham cầu nguyện cho dân thành Sơđôm và Gomora trong Bài đọc I hôm nay (x. St 18,20-32). Chung quanh ta có bao người đói khổ, bệnh tật, nghiện ngập, bị ma quỷ kiềm chế, những người đang chết về tinh thần, đang gặp nguy hiểm (x. HTXHCG, số 325). Họ cần chúng ta cầu nguyện, can thiệp vào cuộc sống của họ vì chúng ta có trách nhiệm đối với mọi anh chị em (x. HTXHCG, số 1913-1917; GS, số 17). Đó không phải là việc ta can thiệp vào đời tư của người khác, mà là vì chúng ta là con của Cha Trên Trời, chúng ta phải yêu thương nhau và có trách nhiệm nâng đỡ nhau, không phải chỉ bằng những hành động bác ái, mà nhất là bằng lời cầu nguyện.
2. Tại sao lời cầu nguyện của ta có thể tác động đến người khác?
Thánh Phaolô trong Bài đọc II hôm nay (x. Cl 2,12-14) gợi ý: Nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người, chúng ta đã cùng chịu mai táng với Chúa Giêsu khi được rửa tội để trở thành con cái của Thiên Chúa. Chúa Cha đã xoá bỏ mọi tội lỗi cho chúng ta, nên bây giờ chúng ta cùng sống với Đức Kitô. Cầu nguyện từ nay không phải chỉ là làm một nghĩa vụ nào đó của tín đồ đối với thần linh, mà cầu nguyện là gắn bó với Chúa Cha trong tư cách là những người con gắn bó với Cha của mình như Đức Giêsu. Cha Trên Trời rất muốn lắng nghe những lời chúng ta nói chuyện với Ngài và sẵn sàng ban cho ta điều ta cầu xin. Vì thế chúng ta hãy tin tưởng nơi Cha chúng ta như Đức Giêsu nhắc nhở: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho”.
Rất nhiều người, trong cuộc sống, hình như không biết cầu nguyện có nhiều mức độ: từ đọc kinh (x. GLHTCG, số 2700-2704), đến suy niệm (x. GLHTCG, số 2705-2708), rồi chiêm niệm (x. GLHTCG, số 2709-2719). Mức độ cầu nguyện đầu tiên tương đối dễ hoà nhập là cầu kinh. Chúng ta có thể lần hạt, đi Đàng Thánh Giá, Đường Ánh Sáng, đọc kinh này kinh nọ chung với nhau, nhưng nếu ta chỉ đọc ngoài môi miệng mà không có tâm tình, nhất là tâm tình người con, thì lời kinh của ta không hiệu quả như Chúa đã từng nhắc nhở: “Dân này thờ kính ta ngoài môi miệng nhưng lòng chúng lại xa Ta”.
Mức độ thứ hai là suy niệm, tức là cầu nguyện bằng trí khôn, cũng gọi là nguyện ngắm. Nhiều linh mục và tu sĩ dành một vài giờ trong ngày để suy niệm: người ta đọc một đoạn Kinh Thánh hay một đoạn sách thiêng liêng nào đó, rồi dùng tâm trí để gắn bó với Chúa, vận dụng tư tưởng, trí tưởng tượng, ước muốn nương theo đoạn văn đó để nói chuyện với Chúa.
Mức độ cao nhất trong cầu nguyện là chiêm niệm. Chiêm niệm là sự kết hợp lời cầu nguyện của chúng ta với Chúa Giêsu để chiêm ngưỡng được Chúa Cha, gắn bó với Chúa Con trong tình yêu nhờ tác động của Chúa Thánh Thần. Trong chiêm niệm, nhiều vị thánh cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa. Chúa cũng có thể giúp cho ta vượt qua những ngăn trở của thể xác vật chất, không gian và thời gian để gặp được Chúa, gặp được anh chị em của mình trong câu chuyện nói với Người. Đó là mức độ cao nhất của cầu nguyện bằng tình yêu.
Nhưng, hôm nay Đức Giêsu còn giới thiệu cho chúng ta một yếu tố rất quan trọng trong cầu nguyện, đó là ta cần phải có Chúa Thánh Thần. Người nói rằng: “Cha Trên Trời lại không sẵn sàng ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Ngài sao!”. Chính Chúa Thánh Thần sẽ hướng dẫn tâm hồn chúng ta để chuyển lời cầu của ta đến với Chúa Cha và đến với tất cả anh chị em (x. Rm 8,15-16). Chính Ngài dạy chúng ta cầu nguyện (x. GLHTCG, số 741, 2625, 2630, 2650, 2670, 2681, 2711, 2726, 2766). Chúa Giêsu, trong câu chuyện với người phụ nữ Samari, đã nói: “Những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong Thần Khí và trong sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Ngài như thế” (Ga 4,23-24). Thần khí là Chúa Thánh Thần, còn sự thật là Chúa Giêsu.
Vì thế, muốn cho lời cầu nguyện của mình có hiệu quả tối đa, chúng ta hãy xin Chúa Thánh Thần đến với ta mỗi khi ta cầu nguyện. Chúng ta kết hợp với Ngài để Ngài soi sáng tâm trí cho ta hiểu cần phải nói gì với Chúa Cha, phải làm gì trong tình yêu vì Ngài nối kết chúng ta với Chúa Cha và với muôn loài, nhất là Ngài sẽ chuyển lời cầu của ta đến Chúa Cha.
Như thế, chúng ta thấy lời cầu nguyện của mình có sức tác động tới mọi người hơn cả lời cầu của Abraham để từ nay “không cần có đủ 10 người tốt lành để Chúa tha thứ”. Dù ta chỉ là người tội lỗi, Chúa Cha vẫn nhận lời ta cầu nguyện vì đó chính là lời của Chúa Con nói với Ngài trong Chúa Thánh Thần.
Lời kết
Vì thế, ta hãy tin tưởng cầu nguyện hằng ngày. Chúa rất muốn nghe ta để ta trở thành người chuyển cầu cho thế giới và con người hôm nay.