Nước lũ về miền Tây chuyển biến tích cực
Nước lũ về miền Tây chuyển biến tích cực
Các số liệu đo đạc giữa tháng 7 cho thấy lượng nước và mực nước sông Mê Kông ở khu vực Campuchia đang tăng, điều này giúp lượng nước về vùng đầu nguồn sông Cửu Long chuyển biến tích cực.
Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam cho biết: Tính đến ngày 14.7, tổng lượng nước về qua trạm Kratie (Campuchia) đạt 44,17 tỉ mét khối; so với cùng kỳ nhiều năm (1961 – 2021) cao hơn khoảng 2,56 tỉ mét khối, cao hơn năm 2021 khoảng 12,81 tỉ mét khối. Mực nước lúc 7 giờ ngày 14.7 tại trạm này là 14,9 mét, cao hơn trung bình nhiều năm 0,86 mét và cao hơn năm 2021 là 4,31 mét.
Tại trạm Châu Đốc trên sông Hậu mực nước tương đương cùng kỳ nhiều năm CÔNG HÂN |
Tại một trạm quan trọng khác là Biển Hồ (Tonle Sap) của Campuchia, mực nước có xu thế tăng với cường suất trung bình 2,86 cm/ngày. Ngày 14.7 mực nước đạt 2,9 mét, so với cùng kỳ nhiều năm thấp hơn 0,44 mét; tuy nhiên cao hơn năm 2021 là 1,03 mét. Tương đồng với xu thế mực nước, dung tích Biển Hồ tuần qua tăng, ngày 14.7, dung tích đạt 6,36 tỉ mét khối, so với trung bình nhiều năm thấp hơn khoảng 2,2 tỉ mét khối, nhưng đang cao hơn năm 2021 khoảng 4,14 tỉ mét khối.
Lượng và mực nước ở Campuchia tăng cũng giúp cho lượng nước về ĐBSCL chuyển biến tích cực trong những ngày qua. Tại Tân Châu trên sông Tiền mực nước tăng với cường suất trung bình 3,8 cm/ngày. Tuy nhiên, mực nước lớn nhất ngày 13.7 mới đạt 1,6 mét, so với trung bình nhiều năm vẫn thấp hơn 0,16 mét, nhưng cao hơn năm 2021 là 0,18 mét. Tại trạm Châu Đốc trên sông Hậu đạt 1,63 mét, cao hơn cùng kỳ nhiều năm 0,05 mét và cao hơn năm 2021 0,07 mét.
Diễn biến tổng lượng nước lũ qua các năm tại trạm Kratie (Campuchia) VIỆN QUY HOẠCH THỦY LỢI MIỀN NAM |
Ở khu vực ven biển ĐBSCL, mực nước có xu thế tăng với cường suất trung bình 4,8 cm/ngày, do ảnh hưởng kết hợp của thủy triều.
Bản tin của MDM (Dự án theo dõi hoạt động của các đập thủy điện Mê Kông) cho biết: Đầu mùa mưa lũ, mực nước Biển Hồ thấp bất thường, nhưng khoảng từ ngày 10.7 đã ghi nhận sự đảo chiều, mực nước đang tăng. Sự gia tăng lượng nước về Biển Hồ vào thời điểm trên, muộn hơn khoảng một tháng so với bình thường.
Mực nước lũ vùng hạ nguồn sông Mê Kông chuyển biến tích cực là do các đập thủy điện ở thượng nguồn xả nước và lượng mưa tương đối khá ở lưu vực Mê Kông. Đập Nọa Trát Độ (Trung Quốc) đã xả hơn 1 tỉ mét khối nước. Cùng với đó là lượng mưa trong lưu vực Mê Kông phổ biến ở mức từ 100 – 200 mm, một số nơi trên khu vực Trung Lào và vùng giáp ranh 3 nước Lào – Campuchia – Thái Lan lượng mưa trên 200 mm.
Tuy nhiên, nhiều đập khác trên toàn lưu vực sông Mê Kông vẫn đang thực hiện tích trữ nước như: đập Cảnh Hồng (Trung Quốc), Nam Ngum 1 (Lào), Xepian Xenamnoy (Lào), Ubol Ratana (Thái Lan), Sirindhorn (Thái Lan).
Cùng với việc thủy điện tích nước thì dữ liệu Eyes On Earth cho thấy hạn hán đang hình thành ở thượng lưu vực Mê Kông, dữ liệu MRC (Ủy hội sông Mê Kông quốc tế) từ các máy đo ở thượng nguồn cho thấy mực nước sông đang giảm và nhiều đập thủy điện đang tích trữ nước hơn. Những yếu tố này kết hợp với nhau cho thấy nhịp lũ vào cuối tháng 7 có thể suy yếu nếu không có lượng mưa lớn ở hạ lưu.
CHÍ NHÂN
TNO