19/11/2024

Biến thể phụ BA.2.12.1 nguồn gốc từ đâu?

Biến thể phụ BA.2.12.1 nguồn gốc từ đâu?

Biến thể phụ BA.2.12.1 của Omicron đã xuất hiện tại Việt Nam. Chúng được hình thành như thế nào? Với khả năng lẩn tránh miễn dịch gấp 1,8 lần so với biến thể BA.2, liệu biến thể mới này có khả năng bùng phát đợt dịch mới?

 

Biến thể phụ BA.2.12.1 nguồn gốc từ đâu? - Ảnh 1.

Biến thể phụ BA.2.12.1 đã xuất hiện tại khu vực phía Nam nước ta – Ảnh: Bộ Y tế cung cấp

Theo báo cáo về kết quả giải trình tự gene SARS-CoV-2 theo tuần tại khu vực phía Nam của Viện Pasteur TP.HCM, trong tuần 28 (từ ngày 11 đến 17-7) đã ghi nhận sự xuất hiện của biến thể phụ BA.2.12.1. Biến thể chiếm tỉ lệ nhiều nhất (qua phân tích gene) trong khoảng thời gian này là BA.5.

Sự xuất hiện của các biến thể phụ BA.4, BA.5 và gần đây nhất là BA.2.12.1 trong bối cảnh số ca nhiễm những ngày qua tại Việt Nam đang tăng trở lại, cũng khiến nhiều người lo ngại dịch COVID-19 bùng phát đợt mới, như tình hình Hàn Quốc, Nhật, Ấn Độ đang gặp phải.

 

Virus luôn nhân lên, BA.2.12.1 xuất hiện là bình thường

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online trưa 22-7, PGS.TS.BS Nguyễn Vũ Trung – viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM – cho biết hiện Omicron là biến thể phổ biến trên thế giới và tại Việt Nam. Do bản chất nhân lên của virus nên trong biến chủng Omicron lại có các biến thể phụ. Sự nhân lên này đã tạo ra thay đổi, bên cạnh bản thân của mỗi biến thể cũng có sự thay đổi.

Cụ thể, trong thời gian gần đây nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đã xuất hiện các biến thể phụ của Omicron gồm: BA.1, BA.2, BA.3, BA.4, BA.5.

Trong những biến thể phụ này lại có thêm những biến thể phụ khác. Ví dụ như biến thể phụ BA.2 thì có biến thể phụ nhỏ hơn là BA.2.12.1.

“Có thể hình dung như một nhánh lớn có những nhánh khác nhỏ dần. Đây là điều thường xảy ra ở các virus nói chung và virus SARS-CoV-2 nói riêng”, PGS Trung lấy ví dụ và kết luận.

TS Phạm Hùng Vân – chuyên gia dịch tễ học, nguyên giảng viên khoa vi sinh ĐH Y dược TP.HCM – cho biết biến thể phụ BA.2.12.1 là “bản sao”, tương tự với biến thể phụ BA.2, chỉ khác là thêm một đột biến nhỏ.

Còn theo PGS Đỗ Văn Dũng – trưởng khoa y tế công cộng Trường đại học Y dược TP.HCM, hiện nay có nhiều biến thể cùng hiện diện tại nước ta. Riêng biến thể BA.2.12.1 của Omicron không đáng lo ngại, chúng cũng tương tự với các biến chủng cũ.

Theo quy luật, nếu trong cộng đồng có nhiều người đã mắc một biến thể nào đó thì sẽ có biến thể khác xuất hiện. Ví dụ, biến thể BA.2, BA.4 hay BA.5 có trước và nhiều người trong cộng đồng đã nhiễm biến thể này, thì chắc chắn sau đó sẽ xuất hiện thêm biến thể mới, cụ thể hơn hiện nay là biến thể BA.2.12.1.

Biến thể phụ BA.2.12.1 nguồn gốc từ đâu? - Ảnh 2.

Người dân TP.HCM tiêm vắc xin phòng COVID-19 – Ảnh: XUÂN MAI

Tiêm vắc xin đầy đủ, phòng bùng phát đợt dịch mới

Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cho biết qua nhiều nghiên cứu trên thế giới gần đây cho thấy, tác động của kháng thể do vắc xin tạo ra đã giảm đối với biến thể phụ BA.2.12.1 so với biến thể gốc là BA.2. Điều này được hiểu là với sự thay đổi của virus, tác dụng của vắc xin cũng đã phần nào giảm đi.

Chính vì điều này, việc tiếp tục duy trì các biện pháp phòng chống dịch như 2K (khẩu trang, khử khuẩn) và tiêm vắc xin mũi nhắc lại 1, 2 hết sức quan trọng, đặc biệt đối với nhóm người ưu tiên vì kháng thể sẽ giảm dần theo thời gian, trong khi các biến chủng lại có sự thay đổi.

Khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 đầy đủ, ngoài bảo vệ cơ thể trước các biến chủng đã có thì còn tăng cường bảo vệ với những biến chủng mới, cũng như trong tương lai. Vì ý nghĩa này, Chính phủ và Bộ Y tế đang quyết liệt tăng cường công tác tiêm chủng.

“Sự xuất hiện và thay đổi các biến chủng tiềm ẩn các nguy cơ bùng phát dịch nếu không thực hiện quyết liệt, triệt để các biện pháp phòng chống dịch, trong đó có tiêm vắc xin.

Chính vì điều này, việc tuyên truyền cho cộng đồng tiếp tục triển khai các biện pháp chống dịch, đặc biệt là tiêm vắc xin rất có ý nghĩa, để đề phòng trường hợp bùng phát dịch do các biến thể mới trong tương lai”, PGS Trung nhấn mạnh.

 

BA.4 và BA.5 bao phủ ở nhiều nước trên thế giới

TS Nguyễn Lương Tâm – phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) – cho biết hiện nhiều nước trên thế giới biến thể phụ BA.4, BA.5 đang hiện diện và có những nước BA.4, BA.5 đã bao phủ hầu hết ca mắc COVID-19 mới.

“Vừa qua, nước ta đã xuất hiện BA.4; BA.5 ở Hà Nội, TP.HCM và nhiều tỉnh thành. Gần đây số ca mắc COVID-19 có gia tăng, tuy nhiên chúng ta có thể thấy khi người dân đã tiêm đủ mũi vắc xin, tình hình dịch bệnh vẫn đang được kiểm soát.

Về hiệu quả của vắc xin đối với các biến chủng mới, chúng tôi nhận định hiện trên thế giới cũng chưa có nghiên cứu đầy đủ về miễn dịch sau khi tiêm chủng vắc xin về hiệu quả kéo dài bao nhiêu. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá vắc xin phòng COVID-19 vẫn có hiệu quả đối với các biến chủng COVID-19”, ông Tâm cho hay.

Chia sẻ tại cuộc họp của Bộ Y tế ngày 21-7, TS Vũ Hương – đại diện WHO tại Việt Nam – cho biết trong 6 tuần gần đây, có tới 5 tuần ghi nhận số ca mắc COVID-19 và tử vong gia tăng trên toàn thế giới, chỉ có 1 tuần số ca mắc đi ngang.

Ngày 12-7, Đại hội đồng y tế công cộng khẩn cấp thế giới tiếp tục nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 vẫn là sự kiện y tế khẩn cấp toàn cầu. Trên thế giới, biến thể BA.4, BA.5 của Omicron tiếp tục chiếm ưu thế.

Theo chuyên gia của WHO, đối với biến thể BA.4, BA.5 và các biến thể mới có diễn biến rất khó lường, giải pháp can thiệp quan trọng nhất để chống lại biến thể mới giai đoạn này chính là triển khai nhanh việc tiêm mũi nhắc lại cho người dân, nhất là nhóm trên 18 tuổi có bệnh nền.

DƯƠNG LIỄU

XUÂN MAI
TTO