Nước sông Mê Kông thiếu hụt nghiêm trọng, đầu nguồn ĐBSCL thấp hơn 0,24 mét
Nước sông Mê Kông thiếu hụt nghiêm trọng, đầu nguồn ĐBSCL thấp hơn 0,24 mét
Dòng chảy sông Mê Kông trong tuần qua tiếp tục duy trì trạng thái thiếu hụt nghiêm trọng khoảng 55%. Mực nước sông tại Stung Treng (Campuchia) hiện thấp hơn mức trung bình lịch sử khoảng 1 mét. Vùng đầu nguồn sông Cửu Long, mực nước tại trạm Tân Châu trên sông Tiền thấp hơn trung bình nhiều năm đến 0,24 mét.
Theo Dự án MDM (giám sát hoạt động của các thủy điện Mê Kông), trong tuần qua các đập thủy điện thượng nguồn như: Hoàng Đăng, Công Quả Kiều, Nọa Trác Độ, Cảnh Hồng của Trung Quốc và Nam Ngum 1 (Lào) tiếp tục tích nước. Trong đó, đập Nọa Trác Độ giữ lại gần 394 triệu mét khối nước. Tổng lượng nước các con đập tích trữ hơn 858 triệu mét khối. Hoạt động tích nước của các đập thượng nguồn đang được thấy rõ tại Chiang Saen (Thái Lan). Đây là trạm đo nước ngay dưới chân đập Cảnh Hồng, đập thấp nhất trong chuỗi 11 đập thủy điện bậc thang của Trung Quốc trên dòng chính sông Mê Kông hay Trung Quốc vẫn gọi là sông Lan Thương.
Diễn biến mực nước lũ tại Tân Châu đến ngày 7.7 VIỆN QUY HOẠCH THỦY LỢI MIỀN NAM |
Theo Eyes on Earth ước tính, trong tuần qua dòng chảy tại đây tiếp tục duy trì trạng thái thiếu hụt khoảng 55%. Tuần trước đó, dòng chảy thiếu hụt đến gần 61%. Tuy nhiên, xuôi về hạ lưu, mực nước sông tại Stung Treng (Campuchia) hiện thấp hơn mức trung bình lịch sử khoảng 1 mét, tuần trước khoảng 0,7 mét. Dòng chảy thiếu hụt là do vùng đầu nguồn sông Mê Kông khô hạn và nhiệt độ trên trung bình. Nếu tình trạng này kéo dài, việc tích trữ nước của các con đập ởTrung Quốc sẽ kéo dài hơn trong mùa mưa.
Tại ĐBSCL, theo Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, trong tuần đầu tháng 7 (ngày 30.6 – 6.7), trên toàn lưu vực sông Mê Kông lượng mưa phổ biến từ 50 – 100 mm, một số khu vực hạ Lào và Campuchia lên đến trên 100 mm. Tuy nhiên tại khu vực ĐBSCL, lượng mưa khá thấp và phân bố không đồng đều, lượng mưa trên 60 mm chỉ tập trung ở một số nơi như Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang.
Mực nước sông Cửu Long chịu sự tác động trực tiếp từ Biển Hồ vì đây là hồ điều tiết nước tự nhiên cho vùng hạ lưu sông Mê Kông. Mực nước Biển Hồ tuần qua có xu thế giảm với cường suất trung bình 1,57 cm/ngày. Đến ngày 7.7, mực nước đạt 2,63 mét thấp hơn trung bình nhiều năm 0,3 mét. Tương đồng với xu thế mực nước, dung tích Biển Hồ tuần qua cũng giảm. Đến ngày 7.7, dung tích hồ đạt 5,24 tỉ mét khối thấp hơn trung bình nhiều năm 1,24 tỉ mét khối.
Tại vùng đầu nguồn sông Cửu Long, mực nước chịu ảnh hưởng bởi cả lũ thượng nguồn và thủy triều. Trong tuần qua, mực nước tại Tân Châu trên sông Tiền cao nhất là 1,37 mét, thấp hơn trung bình nhiều năm 0,24 mét. Tại Châu Đốc trên sông Hậu là 1,45 mét, thấp hơn trung bình nhiều năm 0,03 mét.
CHÍ NHÂN
TNO