23/01/2025

Mùa khô nước sông Mekong cao bất thường: Tai hoạ cho cả lưu vực

Mùa khô nước sông Mekong cao bất thường: Tai hoạ cho cả lưu vực

Trung tâm Stimson mới đây đưa ra các bằng chứng cho thấy nước sông Mekong ở thời điểm bắt đầu mùa mưa năm nay cao hơn khoảng 1,4m so với mức trung bình trong hơn 100 năm qua do các đập thuỷ điện đầu nguồn xả nước.

Mùa khô nước sông Mekong cao bất thường: Tai họa cho cả lưu vực - Ảnh 1.

Một nhánh sông Mekong đoạn qua hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Các chuyên gia cho biết mực nước cao bất thường vào đầu mùa mưa năm nay tiềm ẩn những rủi ro cho hệ sinh thái và cả đời sống kinh tế của người dân ở lưu vực sông Mekong.

 

Nhiều tác động tiêu cực

Tại một hội thảo trực tuyến về mực nước sông Mekong do Trung tâm Stimson (một tổ chức nghiên cứu uy tín của Mỹ) tổ chức ngày 27-6, các chuyên gia dẫn dữ liệu cho biết lưu vực sông Mekong có lượng mưa cao hơn trung bình trong mùa khô vừa kết thúc.

Cụ thể, từ ngày 25-4 đến 1-5, hai đập thủy điện lớn nhất của Trung Quốc là Nọa Trát Độ và Tiểu Loan đã xả lượng nước ước tính khoảng 3,7 tỉ m3, tương đương gần 10% tổng lượng nước của 45 con đập lớn nhất, và khiến lượng nước ở hạ nguồn dâng cao.

Trong toàn tháng 5-2022, sông Mekong nhận thêm khoảng 6 tỉ m3 nước từ các đập thủy điện mà phần lớn là của Trung Quốc.

Tổng lưu lượng nước trên sông trong tháng 5-2022 là 22,8 tỉ m3, cao hơn lưu lượng mức trung bình khoảng 9 tỉ m3. Tháng 5-2022 là tháng dung tích dòng chảy của sông Mekong cao thứ 2 kể từ năm 1910.

Theo các chuyên gia, nước sông cao trong mùa khô đã và sẽ tiếp tục gây tác hại xấu cho hạ lưu trong đó có Đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam.

Tại Campuchia, khu dự trữ sinh quyển đất ngập nước Stung Treng vốn chỉ bị ngập trong vài tháng mùa mưa thì hiện nay việc xả nước trong mùa khô đã khiến khu vực này bị ngập nước hầu như quanh năm.

Tại hội thảo, chuyên gia Ian Baird (khoa địa lý, ĐH Wisconsin-Madison) kể người dân địa phương ở tỉnh Stung Treng nói với ông rằng 95% các loại cây bụi nhỏ gần sông đã chết do ngập úng.

Với những cây lớn hơn, tỉ lệ chết cũng đã gần 50%, đe dọa nghiêm trọng đến một hệ sinh thái độc đáo đã được quốc tế ghi nhận.

Chưa hết, cây chết còn tác động lớn đến các loài chim làm tổ trên cây và ảnh hưởng đến cá tra – loài cá ăn lá và quả rụng từ cây rừng trong rừng ngập mặn vào mùa mưa.

Chuyên gia Ian cho biết không có gì phải nghi ngờ về việc rừng ngập nước ở Stung Treng là do việc xả nước của đập thủy điện. Ông đề nghị cần giảm xả nước trong mùa khô để hạn chế bớt các tác động đến hệ sinh thái, nếu không, tác động đã xấu hiện nay sẽ trầm trọng hơn.

Trả lời Tuổi Trẻ về ảnh hưởng của việc các đập thủy điện trên sông Mekong xả nước vào mùa khô đối với Đồng bằng sông Cửu Long, thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long, cho biết việc các đập xả nước đột ngột trong mùa khô làm cho một số loài thủy sản bắt lầm tín hiệu của dòng sông khi tưởng đã đến mùa đẻ trứng, mùa di cư. Tôm cá sinh sản xong thì không phát triển được vì sự xả nước kết thúc. Đến mùa lũ thật thì tôm cá không còn trứng để sinh sản nữa.

 

Tìm giải pháp phù hợp với mỗi địa phương

Bên cạnh sự kiện của Trung tâm Stimson, ngày 28-6 Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM tổ chức một tọa đàm về giải pháp bảo vệ sông Mekong với sự tham gia của các chuyên gia Mỹ và Việt Nam.

Mở đầu buổi thảo luận, tiến sĩ Văn Phạm Đăng Trí, viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu thuộc Trường đại học Cần Thơ (Viện DRAGON), chỉ ra khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng, trong đó có tác động do con người như suy giảm đa dạng sinh học, ô nhiễm, sụt lún…

Ngoài ra, Đồng bằng sông Cửu Long cũng chịu ảnh hưởng từ hoạt động khai thác nước từ thượng nguồn, tác động của nước biển dâng và biến đổi khí hậu.

Ông Trí cho rằng để hỗ trợ sự phát triển thịnh vượng và bền vững của Đồng bằng sông Cửu Long, cần có định hướng của Chính phủ.

Định hướng này đã có và thể hiện qua nghị quyết 120 và các hoạt động cụ thể. Để giải quyết các thách thức của đồng bằng một cách tốt nhất, cần có sự tham gia của nhà khoa học với những nghiên cứu mang tính căn cơ.

Ông Trí nhấn mạnh điều quan trọng là nghiên cứu khoa học này sau đó phải được truyền thông, phổ biến và ứng dụng tại địa phương. Ông kể một cách làm hiện nay của Trường đại học Cần Thơ là ký hợp tác với các địa phương và mời gọi các doanh nghiệp cùng tham gia để hỗ trợ sự phát triển của địa phương.

Với các vấn đề như sụt lún đất, khai thác cát… gây tác động nghiêm trọng đến Đồng bằng sông Cửu Long, theo ông Trí, cần được thảo luận rộng rãi với sự tham gia của các sở, ban ngành liên quan và người dân để đi đến những giải pháp thực tiễn và phù hợp.

Chẳng hạn, không thể nói người dân ngừng khai thác nước ngầm khi mà một số địa phương hiện chưa có nước sạch.

Ông Matthew E. Anderson, nhà khoa học về sinh học của Cơ quan khảo sát địa chất Hoa Kỳ, đồng tình với những ý kiến của ông Trí.

Ông Anderson cho biết tùy theo đặc điểm kinh tế của địa phương – dựa vào trồng trọt, chăn nuôi… – mà sự phụ thuộc vào nước ngầm của các địa phương là khác nhau.

Mức độ dễ tổn thương và khả năng thích ứng của người dân tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có trình độ học vấn, sự hỗ trợ thích ứng của các tổ chức xã hội, ban ngành. Ở Việt Nam và Campuchia, nhìn chung khả năng thích ứng và thay đổi của người dân còn thấp.

Tại tọa đàm, các chuyên gia đều đồng tình rằng những giải pháp cho sông Mekong phải là những giải pháp đa ngành, đa phương, giữa các quốc gia, tổ chức trong nước, trong khu vực và quốc tế, bên cạnh những giải pháp song phương.

 

Cần trao đổi thông tin khi xả nước

Ông Brian Eyler, giám đốc chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Stimson, cho rằng sự minh bạch và trao đổi thông tin là giải pháp tốt nhất. Trung Quốc nên có thông báo rõ ràng khi nào sẽ xả nước để khu vực hạ nguồn chuẩn bị ứng phó.

Theo ông Eyler, các nước ở hạ nguồn cũng cần có các hệ thống cảnh báo sớm, theo dõi mực nước của các hồ chứa để đưa ra cảnh báo sớm cho người dân. Hiện nay, hệ thống cảnh báo miễn phí Mekong Dam Monitor Alert có thể có dữ liệu để cảnh báo trước 24 giờ.

HỒNG VÂN – MINH TRÍ
TTO