23/12/2024

Câu chuyện của một nữ tu Syria: Hành trình ánh sáng giữa bóng đêm chiến tranh

Câu chuyện của một nữ tu Syria: Hành trình ánh sáng giữa bóng đêm chiến tranh

Một nữ đan sĩ sống ở Syria giải thích cách chị và cộng đoàn của chị loan báo “một lời hy vọng” trong “đêm đen” của chiến tranh không chỉ bằng lời nói mà còn bằng “những cử chỉ rất đơn giản hàng ngày mà các phương tiện truyền thông không thể truyền tải”.

“Tôi tên là Deema, tôi là người Syria, đến từ thành phố Homs, một thành phố ở trung tâm của nước Syria bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh. Tôi thuộc về một cộng đoàn chiêm niệm có tên al-Khalil, nghĩa là “bạn của Chúa”, được Cha Paolo Dall’Oglio S.J cùng với Cha Jacques Mourad thành lập tại đan viện Công giáo Syria San Mosè Abissino vào năm 1991. Chúng tôi không có tin tức về cha Paolo kể từ khi ngài bị nhóm Nhà nước Hồi giáo ISIS bắt cóc vào tháng 7 năm 2013. Cha Jacques cũng bị nhóm ISIS bắt cóc năm ngoái và được thả vài tháng sau đó.

Cầu nguyện, lao động và đón tiếp

Để mô tả cuộc sống tu viện của chúng tôi, tôi muốn nói rằng nó dựa trên ba ưu tiên và một viễn tượng. Ưu tiên đầu tiên là cầu nguyện, vì nó được viết trong nội quy của chúng tôi “chúng tôi đến đan viện để cầu nguyện và cầu nguyện không ngừng, vì lý do này, việc giao tiếp liên tục, có ý thức và sâu sắc với Thiên Chúa là mục tiêu, quyền lợi và nhiệm vụ của chúng tôi”. Cuộc sống của chúng tôi cũng là một cuộc đời lao động chân tay, được xem và sống như việc tuân theo lệnh truyền được ban cho con người là chăm sóc trái đất và do đó cùng tham gia vào việc tạo dựng. Tuy nhiên, ưu tiên thứ ba là lòng hiếu khách được truyền cảm hứng bởi Tổ phụ Abraham, người đã đón tiếp Thiên Chúa vào lều của mình. Chúng tôi nhìn thấy Chúa trong mỗi người đến thăm chúng tôi. Sự chào đón này tìm thấy ý nghĩa sâu sắc nhất của nó khi chúng tôi có thể chào đón người khác trong lời cầu nguyện của mình.

Đối thoại Hồi giáo-Kitô giáo

Viễn tượng mà cuộc sống của chúng tôi mở ra là ơn gọi đối thoại Hồi giáo-Kitô giáo. Chúng tôi đặc biệt mong muốn dâng mình, trong tư cách cá nhân, cho tình yêu của Chúa Giêsu Kitô dành cho người Hồi giáo, và trong tư cách cộng đoàn, cho thế giới Hồi giáo (Umma). Trên thực tế, chúng tôi muốn cống hiến cuộc sống của mình để làm cho men Phúc âm luôn hiện diện trong xã hội Hồi giáo đa số và điều này, như nội quy của cộng đoàn, “theo tinh thần phân định, hy vọng và lòng bác ái có khả năng biến đổi những đau khổ của ngày hôm qua và ngày nay để hiểu biết lẫn nhau và yêu thương nhau trong sự quan tâm và tôn trọng lẫn nhau”. Trong thời kỳ chiến tranh, ơn gọi đối thoại của chúng tôi có vẻ điên rồ nhưng chúng tôi trải nghiệm, ngày này qua ngày khác, rằng đó có thể là con đường, tôi muốn nói là lối thoát duy nhất để hướng tới một thế giới hoà bình.

Trợ giúp người dân trong chiến tranh

Đan viện của chúng tôi đã là một điểm đến cho nhiều khách hành hương, những người mong muốn, ngoài việc thoả mãn sự tò mò về văn hoá, thoả mãn cơn khát tâm linh của họ. Chiến tranh đã ảnh hưởng đến phong trào này và chúng tôi đã nghe thấy lời kêu gọi đi xuống thành phố để giúp đỡ những người khó khăn. Vào năm 2013, cộng đoàn đã tổ chức Lễ Giáng Sinh tại một nơi ở dưới lòng đất, sau khi khu phố Kitô giáo ở thành phố Nebek, thành phố gần đan viện nhất bị phá huỷ. Sau đó, một cuộc trùng tu rộng lớn các ngôi nhà đã bắt đầu nhờ vào sự nhiệt tình của nhiều cộng tác viên và lòng hảo tâm của nhiều bạn bè rải rác trên khắp thế giới. Cũng trong năm đó, nhiều gia đình Hồi giáo đã tìm thấy nơi ẩn náu trong Tu viện Mar Elian, một tu viện ở thành phố Qaryatyan, được giao phó cho cộng đoàn từ năm 2000. Cũng tại đây, nhờ sự liên đới của nhiều người, chúng tôi đã có thể giúp những gia đình này khôi phục lại nhà cửa của họ và trở về.

Thắp lên ngọn nến hy vọng

Sau khoảng thời gian chiến tranh căng thẳng này, tiếp theo là một khoảng thời gian tương đối yên hàn, một giai đoạn mà chúng tôi bắt đầu nghĩ về tương lai. Thật ra, chúng tôi cảm thấy rằng điều đó là thích hợp, nhưng cũng cần thiết “công bố một lời hy vọng trong đêm đen này, hãy thắp lên một ngọn nến thay vì nguyền rủa bóng đêm”, trích bức thư được cộng đoàn đan sĩ viết cho buổi canh thức Giáng Sinh mà tôi vừa kể với bạn. Nghĩ về tương lai có nghĩa là nghĩ về trẻ em và những người trẻ tuổi. Từ thời điểm đó cho đến ngày hôm nay, chúng tôi đã hỗ trợ một trường mẫu giáo ở thành phố Nebek, chúng tôi đã thành lập một trường dạy nhạc cho trẻ em và thanh thiếu niên của hai giáo xứ của thành phố và đã giúp một số thanh niên trong trường đại học của họ học tập hoặc làm việc.

Một vài tin tức người ta nghe được về tình hình Syria trên tin tức Ý gần đây đã nhường chỗ cho những tin khác, tiếc là luôn luôn là về chiến tranh. Nỗi đau vô cùng sâu sắc thấm vào trái tim người Syria và cuộc khủng hoảng vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay. Nếu tôi viết những lời này chỉ vì tôi muốn làm chứng rằng, bất chấp mọi thứ, hy vọng nảy sinh từ những cử chỉ, những cử chỉ rất đơn giản hằng ngày mà các phương tiện truyền thông không thể truyền tải, hoặc thậm chí cố ý không truyền tải.

Lòng thương xót của Thiên Chúa

Trong suốt những năm chiến tranh, chúng tôi đã có thể chạm đến lòng thương xót của Chúa được thể hiện qua lòng nhân ái và tình liên đới lẫn nhau giữa anh em. Tham dự một số Thánh lễ trong thành phố, nhìn thấy những người trẻ tuổi, Kitô hữu và người Hồi giáo phục vụ những người nghèo cách nhiệt tình và vui vẻ, tham dự các buổi cầu nguyện đọc Kinh Mân Côi trong các ngôi nhà trong khi chiến tranh đang diễn ra ở ngoài cổng, nghe một dàn hợp xướng trẻ em, biết rằng nhiều người bạn Hồi giáo lo lắng cho chúng tôi và cầu nguyện cho hoà bình và tố cáo tất cả các loại bạo lực, lắng nghe lời cầu nguyện của rất nhiều bạn bè trên khắp thế giới… Tất cả những điều này đã làm nảy sinh một tia hy vọng le lói. Đôi khi, thực tế là chỉ cần thấy những người dân đơn sơ tiếp tục sống, tin vào Chúa và hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn là đủ để lấy lại hơi thở và tiếp tục đi trên con đường hẹp của hy vọng.

Bước vào vòng tròn của tình yêu

Đối với những gì có liên quan đến tôi, và tôi nghĩ rằng tôi không chỉ đại diện cho bản thân mình trong vấn đề này mà còn cho cộng đoàn của tôi và nhiều người Syria, trong những năm gần đây, tôi đã đấu tranh để duy trì hy vọng vào con người cũng như vào khả năng làm điều tốt và lựa chọn con đường bất bạo động. Tôi tin tưởng vào khả năng của con người mở lòng đón nhận ân sủng của Chúa. Đức Thánh Cha Phanxicô dạy chúng ta trong Evangelii Gaudium, rằng “chúng ta trở nên con người trọn vẹn hơn khi chúng ta sống đúng căn tính của mình, khi chúng ta để Chúa dẫn dắt chúng ta ra khỏi chính mình để đạt đến con người thật nhất của mình”. Cố gắng nhân đạo hơn trong thời chiến tranh cho phép chúng ta bước vào vòng tròn không có giới hạn của Tình yêu, điều có khả năng thay đổi thế giới và làm cho hạt giống của Vương quốc nở rộ trên trái đất này, bây giờ và không phải trong tương lai xa. Tôi có thể tự tin nói lớn rằng một số người Syria đã bước vào vòng kết nối này!

Deema Fayyad (được Giuditta Bonsangue ghi lại)

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2022-07/cau-chuyen-nu-tu-syria-deema.html