23/01/2025

Mặt trời liên tục ‘gây hấn’ với Trái đất

Mặt trời liên tục ‘gây hấn’ với Trái đất

Các nhà thiên văn học thế giới gần đây đã phải ‘vò đầu bứt tai’ khi những cơn bão Mặt trời ‘có khả năng gây rối loạn’ liên tục hướng vào Trái đất và một cơn bão địa từ nữa lại có thể đến vào ngày 29-6.

Mặt trời liên tục gây hấn với Trái đất - Ảnh 1.

Mặt trời liên tục tấn công Trái đất trong vài tuần qua – Ảnh: ISTOCK

Trong vài tuần qua, bề mặt Mặt trời đã có một số hoạt động tấn công Trái đất liên tục, theo trang tin LiveScience.

Vết đen Mặt trời AR3038 hướng về Trái đất và được các nhà khoa học dự đoán sẽ chết. Tuy nhiên, vết đen này đã trở nên lớn hơn và hiện có kích thước gấp 3 lần Trái đất.

Các nhà thiên văn học đã chờ đợi xung lửa Mặt trời phun ra từ vết đen này. Song, thay vào đó là một vụ phóng khối lượng đăng quang (CME) vào ngày 25-6 và suốt ngày 26-6.

CME mạnh hơn nhiều so với một xung lửa, vì nó chứa một lượng lớn plasma (khí ion hóa) và từ trường.

Cơn bão CME này bất ngờ xảy ra trùng với đỉnh của sự liên kết 5 hành tinh, bao gồm sao Thủy, sao Kim, sao Hỏa, sao Mộc và sao Thổ xếp hàng trên bầu trời theo thứ tự thẳng hàng (điều này đã không xảy ra kể từ năm 1864).

Vấn đề duy nhất là CME phóng ra không phải từ vết đen AR3038. Các nhà khoa học không biết liệu vết đen khổng lồ trên Mặt trời và cơn bão Mặt trời có liên hệ với nhau hay không.

Không giống như các xung lửa Mặt trời có thể gây mất điện vô tuyến trong thời gian ngắn, CME có thể gây ra sự cố mất điện lớn, vì lực từ trong vụ phun trào sẽ tương tác với từ trường của chính Trái đất.

Cơn bão CME phun trào trên bề mặt Mặt trời có thể mất vài ngày để chạm vào Trái đất. Vì vậy, một vụ phun trào khác nhận thấy trên bề mặt Mặt trời vào ngày 26-6 có thể chạm tới Trái đất vào ngày 28-6 hoặc ngày 29-6, các nhà thiên văn học nói với tuần báo Newsweek.

Theo trang Spaceweather, các chuyên gia hiện cho rằng cơn bão địa từ đến từ một vùng tương tác đồng luân phiên (CIR) của Mặt trời. CIR là “vùng chuyển tiếp giữa các luồng gió Mặt trời chuyển động chậm và chuyển động nhanh”. Những vùng này tạo ra sự tích tụ plasma và có thể đột ngột tạo ra các sóng xung kích tương tự như CME nhưng không tạo ra vết đen – điều này khiến chúng khó phát hiện hơn nhiều trên bề mặt Mặt trời.

Bão Mặt trời thổi vào Trái đất vào ngày 25 và 26-6 đạt đỉnh điểm vào khoảng 2,52 triệu km/giờ,  phù hợp với các CIR khác trong quá khứ, theo Spaceweather.

GIA MINH
TTO