43% con sông trên thế giới chứa các loại dược phẩm nguy hiểm
43% con sông trên thế giới chứa các loại dược phẩm nguy hiểm
Một nghiên cứu mới ở Anh đã chỉ ra gần một nửa số con sông trên Trái đất bị ô nhiễm các loại dược phẩm nguy hiểm.
Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy 23 thành phần hoạt tính từ dược phẩm vượt quá nồng độ “an toàn”, ở 43,5% trong số 1.052 mẫu nước được lấy ở các con sông thuộc 104 quốc gia. Chúng bao gồm cả những thành phần trong thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng histamine, chất kích thích, benzos và thuốc giảm đau, theo báo New York Post.
Các con sông ở Pakistan, Bolivia và Ethiopia là một trong những nơi bị ô nhiễm nặng nhất. Các con sông ở Iceland, Na Uy và rừng nhiệt đới Amazon là nơi ít bị ô nhiễm bởi các loại thuốc này nhất.
Đồng tác giả của nghiên cứu, nhà nghiên cứu Alejandra Bouzas-Monroy tại Đại học York (Anh) cho biết: “Các phát hiện của chúng tôi cho thấy tỉ lệ rất cao các con sông trên thế giới đang bị đe dọa do ô nhiễm dược phẩm”.
Nghiên cứu mới này được công bố trên tạp chí Environmental Toxicology and Chemistry.
Ông Bouzas-Monroy, người đã phân tích các mẫu rải rác khắp châu Âu, Bắc Mỹ, Úc, châu Á và châu Phi, cho biết đây “thực sự là đánh giá toàn cầu đầu tiên”.
Theo Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS), dược phẩm có mặt ở sông, hồ và suối theo một số cách như: từ các cơ sở sản xuất dược phẩm thải ra, các trang trại, nơi vật nuôi thường xuyên được cho dùng thuốc để ngăn ngừa bệnh tật, và những người đào thải các loại thuốc mà cơ thể họ không chuyển hóa.
USGS đã tiến hành nghiên cứu lớn đầu tiên về chủ đề này vào năm 2002, phát hiện ra 7 hóa chất khác nhau trong ít nhất một nửa số dòng sông được thử nghiệm; 34% dòng sông có chứa 10 hoặc nhiều hơn các chất kể trên.
Vào năm 2019, USGS cũng đã kiểm tra 1.120 giếng và suối trên khắp nước Mỹ, phát hiện chúng cũng chứa nhiều loại thuốc, trong đó nhiều nhất là carbamazepine (thuốc chống co giật), sulfamethoxazole (thuốc kháng sinh), meprobamate (thuốc an thần) và hydrocortisone (thuốc kháng histamine).
Chưa rõ hậu quả sức khỏe của con người trong việc tiếp xúc lâu dài với các loại thuốc ở mức độ thấp là gì. Tuy nhiên, nạn nhân đầu tiên là cá và các sinh vật sống dưới nước, các quá trình sinh học của chúng có thể bị gián đoạn bởi lượng lớn thuốc của con người thải ra.
Trong khi đó, các nhà khoa học quan tâm đến sự dư thừa kháng sinh trong môi trường. Họ cảnh báo nó góp phần vào việc hình thành một “siêu vi khuẩn” đề kháng kháng sinh.
“Sự gia tăng vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh là một tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu, có thể giết chết 10 triệu người vào năm 2050”, theo Liên Hiệp Quốc.