Chúa Nhật XI TN C 2022, Lễ Chúa Ba Ngôi: Tình yêu mang đặc tính Ba Ngôi
Chúa Nhật sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, Giáo Hội mừng lễ Chúa Ba Ngôi. Đây là mầu nhiệm cao cả và sâu xa nhất của Kitô giáo, mà không một tôn giáo nào khác biết đến. Mầu nhiệm này sẽ làm cho từng ngày ta sống, từng việc ta làm, từng đau khổ ta chịu luôn tràn ngập niềm vui, bình an, hy vọng và hạnh phúc.
Chúa Nhật XI TN C 2022, Lễ Chúa Ba Ngôi
Tình yêu mang đặc tính Ba Ngôi
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Lời mở
Chúa Nhật sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, Giáo Hội mừng lễ Chúa Ba Ngôi. Đây là mầu nhiệm cao cả và sâu xa nhất của Kitô giáo, mà không một tôn giáo nào khác biết đến. Mầu nhiệm này sẽ làm cho từng ngày ta sống, từng việc ta làm, từng đau khổ ta chịu luôn tràn ngập niềm vui, bình an, hy vọng và hạnh phúc “vì Chúa Cha đã đổ tình yêu của Ngài vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần mà Ngài ban cho chúng ta”, để ta sống và hành động như Đức Giêsu Kitô, Con của Ngài” (Rm 5,5).
Vì thế, chúng ta dành ít phút để suy niệm về mầu nhiệm này.
1. Mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi
Gọi là mầu nhiệm vì trí óc con người không thể suy thấu bằng lẽ thường tình hay bằng sức tự nhiên của tâm trí. Nhưng với ơn Chúa Thánh Thần ban cho mỗi người tín hữu chúng ta, dù lớn hay nhỏ, thông minh hay kém cỏi, đều có thể cảm nhận và thấu hiểu điều Đức Giêsu tỏ lộ cho chúng ta về bản thể kỳ diệu của Ba Ngôi. Vì thế, Người nói với ta hôm nay: “Khi nào Thần Khí Sự Thật đến, Ngài sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn” (Ga 16,13).
Hơn nữa, mầu nhiệm này còn dễ hiểu và cảm nhận nhờ Chúa Thánh Thần, vì Ngài là tình yêu nối kết Chúa Cha và Chúa Con lại với nhau, cũng như nối kết mọi người, mọi vật với Thiên Chúa, để tất cả cùng chia sẻ một sự sống sáng tạo của Chúa Cha, một ơn cứu độ toàn diện của Chúa Con và một sự thần hoá phi thường của Chúa Thánh Thần. Đây là ba đặc tính kỳ diệu của tình yêu mà không một tôn giáo nào có thể dạy ta như Kitô giáo.
2. Mầu nhiệm tình yêu
Thật vậy, tình yêu chân thật không bao giờ ích kỷ, đóng kín nơi mình, tự thoả mãn với mình, nhưng luôn hướng về đối tượng mình yêu để chia sẻ tất cả những gì mình có cho muôn loài như Chúa Cha. Từ tình yêu đó, Chúa Con đã sinh ra. Cũng nhờ tình yêu đó mà muôn loài, muôn vật được tạo thành như Bài đọc I diễn tả (x. Cv 8,22-31). Chỉ cần mở mắt, mở lòng là chúng ta sẽ thấy tình yêu đó chan hoà trong từng ngọn cỏ tươi xanh, từng cánh bướm muôn màu, hay từng con người cao quý. Bởi vì Chúa Cha đã chia sẻ cho tất cả chúng ta những gì gọi là chân thiện mỹ, hạnh phúc, bình an, niềm vui, hy vọng. Vì thế chúng ta cũng phải quảng đại chia sẻ cho mọi người, mọi vật nếu chúng ta thật lòng yêu thương họ.
Tuy nhiên, khi quỷ dữ cám dỗ con người, cắt đứt với nguồn tình yêu là Thiên Chúa, khiến con người và muôn loài phải tàn tạ, xấu xa, chết chóc, thì Chúa Con đã tình nguyện trở thành con người để chia sẻ với họ muôn nỗi khổ đau, để cứu giúp họ khỏi nghèo đói, bệnh tật, chết chóc bằng cuộc sống ở trần thế và cái chết tự nguyện trên thập giá. Nhờ đó muôn loài được hoà giải với Thiên Chúa nhờ cuộc cứu độ của Người. Vì thế, ngoài tính sáng tạo của Chúa Cha, tình yêu còn mang thêm đặc tính cứu độ của Chúa Con. Cứu độ chính là tự nguyện hy sinh cho nhau, chịu đựng lẫn nhau như thánh Phaolô nhắc nhở hôm nay: “Chúng ta còn tự hào khi gặp gian truân vì biết rằng ai gặp gian truân thì quen chịu đựng” (Rm 5,3).
Cuối cùng, tình yêu của con người phải mang đặc tính thứ ba: đặc tính thần hoá của Chúa Thánh Thần, nghĩa là tình yêu thay vì hạ thấp đối tượng mình yêu thành những vật sở hữu, tầm thường, thì phải nâng tất cả lên thành thánh thiện, thành Thiên Chúa. Rất nhiều người chúng ta khi yêu thương con người hay khi dùng những vật dụng thường ngày, ta để quên đặc tính này. Ta muốn họ là vật sở hữu của riêng ta để coi con người như một phương tiện thoả mãn cho tham vọng và dục vọng của mình, chứ không tôn trọng nhân phẩm cao quý của họ vì họ là con cái Thiên Chúa, dù họ là chồng, là vợ, là con cái của mình.
Rất nhiều khi ta ăn một bát cơm, uống một ly nước, mặc một bộ quần áo và ta nghĩ chúng là của mình nên muốn làm gì là tuỳ ý: ăn uống một nửa và ném phần thừa vào thùng rác cũng chẳng sao. Mặc bộ đồ này hay thay bộ khác cũng chẳng làm buồn lòng ai. Nhưng thực tế chúng là những ân phúc Chúa ban cho. Chúng rất buồn khi không được phục vụ cho xứng đáng. Cả tủ quần áo để không trong khi bao người đói rách quanh ta. Vì thế, tình yêu của ta cần phải mang đặc tính của Chúa Thánh Thần để thần hoá muôn loài.
Hôm nay suy niệm về mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa, chúng ta cảm nhận được sự hiện diện sống động của Ba Ngôi trong từng giây phút ta sống, từng sự vật quanh ta, từng con người ta gặp trên đường đời để ta cùng đi với muôn loài trên con đường sự thật giải phóng và sự sống thần kỳ là chính Chúa Giêsu Kitô.
Vì thế, mỗi lần làm dấu Thánh giá, ta muốn tự nhắc nhở mình về sự hiện diện đó để xin Ba Ngôi chúc lành cho mình, cho mọi người, mọi vật quanh mình.
Lời kết
Xin Chúa Ba Ngôi luôn giúp chúng con cảm nghiệm và thể hiện được tình yêu sáng tạo, cứu độ và thần hoá của Chúa. Amen.
HKK