28/12/2024

Ngân hàng Vatican báo cáo về các giao dịch đáng nghi ngờ

Ngân hàng Vatican báo cáo về các giao dịch đáng nghi ngờ

Trong Báo cáo thường niên năm 2021, Cơ quan Giám sát và Thông tin Tài chính của Vatican cho biết rằng vào năm 2021 Ngân hàng Vatican báo cáo các giao dịch tài chính bị đánh dấu là đáng nghi ngờ nhiều hơn so với năm trước. Cơ quan giám sát nhận định rằng đây là dấu hiệu cho thấy các chính sách nghiêm ngặt nhằm mục đích minh bạch hoạt động đang được áp dụng tốt.

Báo cáo thường niên năm 2021 của Cơ quan Giám sát và Thông tin Tài chính, được công bố ngày 13/6/2022, cho biết họ đã nhận được 104 báo cáo hoạt động đáng ngờ, 98 trong số đó đến từ Ngân hàng Vatican, và 5 báo cáo đến từ “các cơ quan chức năng của Toà Thánh / Quốc gia Thành Vatican.”

Vào năm 2020 có 89 báo cáo hoạt động đáng ngờ đã được đệ trình.

Báo cáo hàng năm cho biết: “Các báo cáo về hoạt động đáng ngờ nhận được vào năm 2021 xác nhận xu hướng tiếp tục, kể từ năm 2017, hướng đến các báo cáo chất lượng cao hơn, một phần là do các chỉ số bất thường được miêu tả chi tiết hơn và việc thực hiện phương pháp tiếp cận dựa trên rủi ro cách có ý thức hơn.”

  Việc cải thiện phương pháp hoạt động của Ngân hàng Vatican

Ngân hàng Vatican cho biết: “Xu hướng này cũng phản ánh sự ổn định và bình thường hóa của hệ thống báo cáo và tăng cường các biện pháp phòng ngừa.”

Trong cuộc phỏng vấn của Vatican News hôm 13/6/2022, ông Carmelo Barbagallo, một thanh tra tài chính người Ý dày dạn kinh nghiệm được, Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm lãnh đạo Cơ quan Giám sát và Thông tin Tài chính vào năm 2019, cho biết, việc đánh giá các hoạt động đáng ngờ là “một trong những nhiệm vụ quan trọng và nhạy cảm nhất được giao cho Cơ quan Giám sát và Thông tin Tài chính”.

Nhắc lại những phát hiện của báo cáo, ông Barbagallo nói rằng việc báo cáo về các hoạt động đáng ngờ là bằng chứng về “xu hướng chắc chắn của việc cải thiện” và ca ngợi Ngân hàng Vatican đã “ngày càng thực hiện có ý thức phương pháp tiếp cận dựa trên rủi ro” trong các giao dịch tài chính của mình.

Theo báo cáo, không có giao dịch nào trong số 104 giao dịch đáng ngờ có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc tài trợ khủng bố. Cơ quan tài chính đã đệ trình 21 báo cáo cho các công tố viên của Vatican để điều tra tội phạm tiềm năng, con số cao nhất trong 5 năm qua.

Đức Bênêđictô XVI đã thiết lập Cơ quan Giám sát và Thông tin Tài chính vào năm 2010 để đưa Vatican đạt tiêu chuẩn quốc tế trong việc ngăn chặn và chống lại nghi ngờ rửa tiền và tài trợ cho khủng bố. (Crux 13/06/2022)

Hồng Thuỷ

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2022-06/ngan-hang-vatican-co-quan-giam-sat-thong-tin-tai-chinh.html