23/11/2024

Tiến sĩ Việt phân lập gien kháng bệnh gỉ sắt ở ngũ cốc

Tiến sĩ Việt phân lập gien kháng bệnh gỉ sắt ở ngũ cốc

Tiến sĩ Hoan Dinh, nhà khoa học Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản, vừa công bố một phát hiện về gien giúp lúa mì và lúa mạch chống lại bệnh gỉ sắt do nấm, căn bệnh khiến sản lượng lương thực toàn cầu sụt giảm ít nhất 10%.

 

 

 

Nghiên cứu được đăng trên chuyên san Nature Communications tháng trước là một thành tựu đột phá, theo The Guardian.

Bài viết cho hay tiến sĩ Hoan Dinh đã tìm ra và xác định trình tự của một gien chịu trách nhiệm về tính kháng bệnh gỉ sắt ở lúa mạch từ bộ gien gồm 5 triệu cặp bazơ. “Khi tôi tìm thấy gien này, tôi đã lo sợ mình làm gì sai vì chuyện này quá bất thường. Phần lớn các gien kháng bệnh thuộc một họ gien khác”, nhà nghiên cứu nói với tờ báo Anh.

Tiến sĩ Việt phân lập gien kháng bệnh gỉ sắt ở ngũ cốc - ảnh 1
Tiến sĩ Hoan Dinh  HOAN DINH/USYD

Giáo sư Robert Park, người hướng dẫn của tiến sĩ Hoan Dinh tại Đại học Sydney (Úc), nói nỗ lực bền bỉ của học trò ông đã được đền đáp. Theo GS Park, thế giới đã xác định được 28 gien kháng bệnh gỉ sắt ở lúa mạch nhưng cho đến nay mới chỉ có 4 gien được phân lập. Trong đó, 3 gien được phân lập bởi Viện Giống cây trồng thuộc Đại học Sydney, bao gồm công trình mới nhất của tiến sĩ Hoan Dinh.

Gien mà tiến sĩ Hoan Dinh phân lập từng được biết đến và sử dụng ở Úc để bảo vệ lúa mạch chống lại bệnh gỉ sắt, nhưng đã bị đánh bại bởi một loại mầm bệnh mới vào năm 2009. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn muốn tìm hiểu cách thức hoạt động của gien này, xem liệu có thể chỉnh sửa trình tự của gien để nó có tác dụng kháng bệnh trở lại hay không.

Xuất thân là con nhà nông, tiến sĩ Hoan Dinh nói việc chứng kiến nỗi vất vả của ba mẹ và những nông dân khác trên đồng ruộng thời thơ ấu đã thôi thúc anh theo học ngành nông nghiệp. Anh từng giành được học bổng AusAID của Úc, lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Sydney và hiện đang làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại Nhật Bản.

 

 LAM VŨ

TNO