Chúa Nhật, 12.06.2022
Chúa Ba Ngôi
Cả ba bài đọc hôm nay nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Ba Ngôi hiện diện ở đó trong suốt lịch sử nhân loại và vũ trụ. Ba Ngôi luôn ở đó để chúc lành cho họ. Ba ngôi hoạt động cùng nhau một cách hoàn hảo trong lịch sử cứu độ.
CHÚA BA NGÔI – LỄ TRỌNG
Cn 8,22-31 • Tv 8,4-5.6-7.8-9 (Đ. c.2a) • Rm 5,1-5 • Ga 16,12-15
Lời Chúa
✠ Bài trích Phúc Âm theo thánh Gioan
12 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. 13 Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. 14 Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em. 15 Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em.”
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ)
Suy niệm
Chúa Ba Ngôi
Hôm nay, Giáo hội mừng trọng thể lễ Chúa Ba Ngôi. Thuật ngữ Ba Ngôi là thuật ngữ Giáo hội dùng để diễn tả về Thiên Chúa, Đấng được Đức Giêsu mạc khải cho con người. Đức Giêsu nói đến Cha Ngài, nói về chính Ngài và nói về Thánh Thần tình yêu. Thánh Augustinô đã nhắc nhở các Kitô hữu rằng: Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm của Thiên Chúa và không ai có thể hiểu rõ và trọn vẹn được. Dầu vậy, thánh Gioan tông đồ cho chúng ta một dấu chỉ căn bản để bước gần tới mầu nhiệm này khi ngài dạy: “Thiên Chúa là Tình Yêu.”
Bài đọc I nói về Sự Khôn Ngoan được nhân cách hóa. Sự Khôn Ngoan vừa là Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, vừa giúp đỡ Thiên Chúa trong việc sáng tạo, và vừa là nhân chứng cho việc sáng tạo. Bài đọc I mời chúng ta nhận ra rằng chỉ duy Thiên Chúa mới có thể giải thích chính Ngài. Là những người tin, chúng ta chỉ chia sẻ hoặc tham dự vào sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa.
Thánh Phaolô nói với chúng ta trong bài đọc II rằng: “Thánh Thần là Đấng ban cho chúng ta lòng yêu mến Thiên Chúa.” Cùng với bài đọc I, thánh Phaolô giúp chúng ta biết phần nào về sự kết hợp của Ba Ngôi. Ba vị là một không phân chia, nhưng mỗi vị có công việc rõ ràng của riêng mình. Ba vị chia sẻ cùng một vinh quang như nhau vì cùng là một tình yêu không hề mâu thuẫn. Ba vị thánh thiện trọn hảo như nhau vì sự hiệp thông trọn vẹn trong cùng một bản thể.
Trong bài Phúc Âm, thánh Gioan cho thấy Đức Giêsu đang tâm sự cùng các môn đệ của Người rằng họ sẽ không thể hiểu được những gì Người đã và đang trải qua. Đức Giêsu mời các môn đệ của Người sẵn lòng với Thần Chân Lý. Sự sẵn lòng với Thần Chân Lý sẽ dẫn các môn đệ bước qua những gì thuộc về thế giới hữu hình, vượt lên những giới hạn vật lý, và tham dự vào một hiện thực lớn hơn những gì họ có thể sở hữu.
Cả ba bài đọc hôm nay nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Ba Ngôi hiện diện ở đó trong suốt lịch sử nhân loại và vũ trụ. Ba Ngôi luôn ở đó để chúc lành cho họ. Ba ngôi hoạt động cùng nhau một cách hoàn hảo trong lịch sử cứu độ. Chúng ta được mời gọi tham dự vào Sự Khôn Ngoan của Ba Ngôi để có được kinh nghiệm của sự hiệp thông, của sự quảng đại trong hiến dâng phục vụ, và của sự thánh thiện trong việc trở về. Món quà lớn nhất mà Giêsu để lại cho con người là cung cách nhận biết chính Thiên Chúa: biết Ngài là Cha của ta, biết ta có người Anh Cả (Trưởng Tử) với tên Giêsu, biết ta luôn có sự hướng dẫn bởi Thánh Thần tình yêu. Mừng lễ Chúa Ba Ngôi chính là việc mở món quà cứu độ để ta có thể thỏa mãn nỗi khao khát hiệp thông trọn vẹn, thỏa mãn lòng ước ao thánh thiện, và lấp đầy tâm hồn và cuộc sống với sự khôn ngoan thượng giới.
Xin cảm ơn Chúa về sự mạc khải này. Xin cảm ơn Giáo hội về tín điều này. Và xin cho con luôn hát lên cùng vịnh gia: “lạ lùng thay Danh Chúa khắp nơi hoàn cầu.”
Lm. Võ Trần Gia Định, AA
Nguồn: Sống Lời Chúa – Bayard Việt Nam