27/12/2024

Chuyên gia Hàn Quốc nói đậu mùa khỉ không liên quan vắc xin AstraZeneca

Chuyên gia Hàn Quốc nói đậu mùa khỉ không liên quan vắc xin AstraZeneca

Sự xuất hiện gần đây của hàng trăm ca đậu mùa khỉ trên thế giới làm phát sinh nhiều thông tin sai trên mạng, phần lớn giống như các thuyết âm mưu xuất hiện hồi đầu đại dịch COVID-19.

 

 

Chuyên gia Hàn Quốc nói đậu mùa khỉ không liên quan vắc xin AstraZeneca - Ảnh 1.

Tiêm vắc xin COVID-19 của Hãng AstraZeneca tại Úc – Ảnh: REUTERS

Theo Hãng tin AFP, các bài phát tán trên mạng xã hội gần đây có những thông tin sai sự thật về các ca đậu mùa khỉ được ghi nhận bên ngoài châu Phi.

Trong số đó có thông tin cho rằng đậu mùa khỉ là một “tác dụng phụ” của vắc xin COVID-19 của Hãng AstraZeneca. Tuyên bố này liên quan đến thực tế rằng vắc xin AstraZeneca sử dụng vector adenovirus của tinh tinh.

Tuy nhiên các chuyên gia y tế cho biết điều này không có cơ sở thực tế, một phần vì các virus thuộc các họ khác nhau: poxvirus gây đậu mùa khỉ, còn adenovirus được dùng bào chế vắc xin AstraZeneca.

Giáo sư Eom Jung Shik, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y khoa Gil thuộc ĐH Gachon (Hàn Quốc), cho biết vắc xin AstraZeneca “không thể tạo ra virus mới trong cơ thể người và gây ra căn bệnh như đậu mùa khỉ”.

Adenovirus được sử dụng như vector vắc xin. Điều này có nghĩa nó chỉ là một phương tiện để vận chuyển các chỉ dẫn di truyền tới cơ thể để sản xuất protein gai tương tự gai của virus SARS-CoV-2. Tương tự như các vắc xin vector virus khác, adenovirus của tinh tinh đã được vô hiệu hóa để không gây hại cho người.

Giáo sư Yoo Jin Hong, nhà dịch tễ học tại ĐH Công giáo Hàn Quốc, cho biết thông tin sai về AstraZeneca “dường như xuất phát từ ý nghĩ tinh tinh có liên quan đến khỉ, nhưng đây là tin đồn rất thiếu hiểu biết và không có cơ sở thực tế”.

Đậu mùa khỉ được đặt tên như vậy bởi vì nó được phát hiện lần đầu trong một đàn khỉ đang được nghiên cứu vì các mục đích khoa học vào năm 1958. Tuy nhiên, chúng không phải là những con vật duy nhất mắc căn bệnh này.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các loài gặm nhấm cũng thường có các ổ bệnh đậu mùa khỉ.

Ngoài ra cũng có thông tin sai về việc Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ gần đây đã phê duyệt vắc xin đậu mùa khỉ mới của Hãng dược Pfizer. Thông tin này sai, bởi vì vắc xin duy nhất ngừa đậu mùa khỉ tại Mỹ được FDA phê duyệt năm 2019, và Pfizer không sản xuất vắc xin này.

Theo WHO, từ ngày 13-5 đến 2-6, đã có 780 ca đậu mùa khỉ được ghi nhận tại 27 quốc gia trên thế giới, nơi căn bệnh này không phải bệnh đặc hữu.

ANH THƯ
TTO