Ngạt thở vì ô nhiễm tại ‘thủ phủ’ phế liệu miền Bắc

Ngạt thở vì ô nhiễm tại ‘thủ phủ’ phế liệu miền Bắc

Nhiều năm trở lại dân thôn Xà Cầu, nơi được biết đến với cái tên “làng thu gom, tái chế rác thải nhựa”, bên cạnh nghề làm tăm hương truyền thống phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng.

 

 

 

Chúng tôi về thôn Xà Cầu (xã Quảng Phú Cầu, H.Ứng Hòa, Hà Nội) dưới cái nắng gay gắt của mùa hè, cảm nhận đầu tiên là sự ngột ngạt của không khí với bụi từ các bao tải phế thải mùn tre, nứa kết hợp với các loại mùi bốc lên từ những đống phế liệu tập kết ngổn ngang từ đường làng, ngõ xóm, bờ mương. Phế liệu chất thành từng đống lớn ở khắp nơi, chiếm hết lối đi, gây ách tắc giao thông, mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường.

Ngạt thở vì ô nhiễm tại ‘thủ phủ' phế liệu miền Bắc - ảnh 1
Rác thải nhựa tràn lan, trôi nổi trên con kênh Bắc Quảng Hoa gây ô nhiễm nguồn nước nhất là khi trời nắng, bốc lên mùi hôi thối  NGUYỆT QUỲNH

Bụi mù mịt, mùi bốc lên không ngửi được

Xã Quảng Phú Cầu có 6 thôn: Xà Cầu, Quảng Nguyên, Phú Lương Thượng, Phú Lương Hạ, Cầu Bầu, Đại Tú được công nhận là làng nghề truyền thống với nghề làm tăm hương. Nhờ có nghề truyền thống phát triển nên cuộc sống của nhân dân trong xã trở nên sung túc hơn.

Theo báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2022 của xã Quảng Phú Cầu, ngành nghề công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn xã đi vào ổn định, mặt hàng tăm hương thị trường tiêu thụ tăm nội địa và tăm xuất khẩu có bước khởi sắc sau đại dịch Covid-19 được kiểm soát.

Ước tính giá trị ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp 6 tháng đầu năm đạt 145 tỉ đồng, đạt 58% kế hoạch năm, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển của các làng nghề, nhiều năm qua, Quảng Phú Cầu phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải.

Ngạt thở vì ô nhiễm tại ‘thủ phủ' phế liệu miền Bắc - ảnh 2
Rác thải, phế liệu hầu hết được thu mua ở khắp nơi mang về tái chế. Phần không sử dụng được, người dân vứt bỏ bừa bãi khắp ngôi làng gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường  THẢO VÂN

Một người dân làm nghề tăm hương cho biết, trong quá trình sản xuất tăm hương, số lượng tre, nứa tiêu thụ mỗi ngày khoảng từ 300 đến 500 tấn nguyên liệu thì có đến 60 tấn rác thải là mùn tre, nứa. Lượng rác thải rất lớn và phần lớn chúng đều được tập kết trong làng, chất đống dọc đường đi và khu vực xung quanh.

“Bây giờ người ta ít làm thủ công. Mang sang đất Hưng Yên mới se, vùng này chủ yếu làm chân hương thôi. Ở đây nơi sản xuất ra tăm, chân hương bụi um lên. Vào cái xưởng người ta đang chẻ loại này, đã bụi mù mà mùi thì không thể ngửi nổi”, một người dân sống tại đây chia sẻ.

Ngạt thở vì ô nhiễm tại ‘thủ phủ' phế liệu miền Bắc - ảnh 3
Bụi bẩn từ mùn tre, nứa bao trùm không gian không đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động ở một cơ sở sản xuất tăm tại xóm 9, thôn Đạo Tú, xã Quảng Phú Cầu (H.Ứng Hòa, Hà Nội)

THẢO VÂN

 

Rác thải nhựa tràn lan từ “thủ phủ” phế liệu

Dù nghề truyền thống là sản xuất hương đen, thế nhưng từ nhiều năm nay thôn Xà Cầu, xã Quảng Phú Cầu (H.Ứng Hòa), nổi lên như một “thủ phủ” với nghề thu mua và sơ chế rác thải nhựa tại Hà Nội.

Theo ước tính, mỗi ngày lượng phế liệu được nhập về đây lên tới trăm tấn và sau khi phân loại, chúng sẽ được đưa vào các xưởng để tái chế. Và cũng từ “thủ phủ” này, mỗi ngày cũng có vài chục tấn nguyên liệu nhựa sau tái chế được phân phối đi khắp nơi.

Ông Trang Văn Viễn, Phó chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu cho biết, hiện tại thôn Xà Cầu có khoảng 180 hộ dân làm nghề tái chế phế liệu. Nhờ kinh doanh phế liệu, đời sống kinh tế của người dân trong thôn được cải thiện rõ rệt. Nhiều hộ xây dựng nhà tầng khang trang, thậm chí cả biệt thự. Các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống cũng nhanh chóng phát triển theo.

Ngạt thở vì ô nhiễm tại ‘thủ phủ' phế liệu miền Bắc - ảnh 4
Không ít hộ vì thiếu đất làm nghề đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp để dựng lán xưởng, tập kết, tái chế phế liệu  NGUYỆT QUỲNH

Thu gom, tái chế phế liệu là một trong những nghề kinh doanh góp phần làm sạch môi trường, tận dụng được các sản phẩm từ rác thải, tiết kiệm nguồn tài nguyên; đồng thời tạo việc làm cho không ít lao động của địa phương. Tuy nhiên, với cách làm manh mún của người dân thì ngành nghề này trở thành mối nguy hại.

Chị Dung, làm nghề tái chế rác nhiều năm, tâm sự: “Đây là nghề làng và trở nên phổ biến từ hơn chục năm nay. Thu nhập tuy không cao nhưng không có nghề nào khác để làm nên đành phải tiếp tục làm nghề này. Ở đây số người mắc bệnh ung thư cũng nhiều nhưng cũng chưa chắc chỉ do nghề thu gom, tái chế phế liệu này.”

Dù hằng ngày phải tiếp xúc với rác thải, nhiều thứ hóa chất còn đọng lại trong chai lọ, cùng ruồi muỗi nhưng theo chị Dung về lâu về dài chắc sẽ ảnh hưởng nhưng hiện tại chị chưa cảm thấy sức khỏe của mình có vấn đề gì.

Ngạt thở vì ô nhiễm tại ‘thủ phủ' phế liệu miền Bắc - ảnh 5
Phế liệu từ nhựa được người dân phân loại thủ công  THẢO VÂN

Ông Đạt, chủ cửa hàng tạp hóa tại thôn Xà Cầu, cho rằng việc con kênh Bắc Quảng Hoa chảy qua làng đang ngày một ô nhiễm là do rác thải từ mùn tre, nứa, phế liệu chưa qua xử lý được xả trực tiếp ra kênh. “Rác thải nhựa người ta để thành một hàng, đầy phía sau đồng. Các bì trôi nổi trên sông, kênh, mương là người ta thải ra, vứt đi. Ngày xưa kênh này nước trong veo giờ rác đọng lại, mưa là tre, nhựa, xốp trôi lềnh bềnh”, ông Đạt nói.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Lương Hậu, Phó chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu, thừa nhận tình trạng ô nhiễm môi trường tại thôn Xà Cầu tuy nhiên cơ bản kiểm soát được. “UBND xã tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tìm các giải pháp để thu gom xử lý để giải quyết dứt điểm việc đổ, đốt rác thải phế liệu nhựa ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người dân. Từ đầu tháng 5 năm 2022, UBND xã đã ký hợp đồng với Công ty CP Môi trường công nghệ cao Hòa Bình thực hiện vận chuyển, xử lý rác thải phế liệu nhựa”, ông Nguyễn Lương Hậu cho biết.

Phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện mức sống của người dân là việc làm cần thiết tuy nhiên không vì thế mà xem nhẹ vấn đề ô nhiễm môi trường. Để phát triển làng nghề một cách bền vững thì thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý các hộ kinh doanh tái chế phế liệu ở thôn Xà Cầu về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong sản xuất kinh doanh; tích cực vận động người dân chủ động thực hiện sản xuất an toàn, có giải pháp giảm thiểu ô nhiễm từ khói, bụi, nguồn nước, không khí…

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện mở rộng 2 cụm công nghiệp Xà Cầu và Cầu Bầu trên địa bàn xã để phát triển sản xuất làng nghề gắn với cải tạo chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người lao động cũng như người dân địa phương.

Ngạt thở vì ô nhiễm tại ‘thủ phủ' phế liệu miền Bắc - ảnh 6
Hình ảnh rác thải nhựa xếp đống khắp trong nhà, ngoài sân, từ đường làng ngõ xóm cho đến trên cánh đồng không phải hiếm  NGUYỆT QUỲNH

 

NGUYỆT QUỲNH – THẢO VÂN

TNO