23/01/2025

Chúa Nhật lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống – C – 2022: Những con người đổi mới mặt địa cầu

Hôm nay là ngày rất trọng đại, ngày Giáo Hội chính thức được khai sinh với những tông đồ và tín hữu đầu tiên, vì Chúa Thánh Thần hiện xuống “đã làm cho hết thảy chư dân được nhận biết Thiên Chúa và liên kết mọi ngôn ngữ khác biệt lại để họ tuyên xưng cùng một đức tin” (x. Kinh Tiền Tụng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống). Rồi từ những con người này Chúa đã đổi mới các dân tộc, “đổi mới mặt địa cầu”.

Chúa Nhật lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống – C – 2022

Những con người đổi mới mặt địa cầu

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Hôm nay là ngày rất trọng đại, ngày Giáo Hội chính thức được khai sinh với những tông đồ và tín hữu đầu tiên, vì Chúa Thánh Thần hiện xuống “đã làm cho hết thảy chư dân được nhận biết Thiên Chúa và liên kết mọi ngôn ngữ khác biệt lại để họ tuyên xưng cùng một đức tin” (x. Kinh Tiền Tụng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống). Rồi từ những con người này Chúa đã đổi mới các dân tộc, “đổi mới mặt địa cầu”.

Hôm nay chúng ta cùng nhìn lại quãng đường lịch sử của Giáo Hội để thấy mình đang cần được đổi mới như thế nào và xin Chúa Thánh Thần đến đổi mới tình trạng Giáo Hội và xã hội, từ việc đổi mới của mỗi người chúng ta.

1. Cuộc đổi mới kỳ diệu

Chúng ta thấy cuộc đổi mới này bắt đầu khi Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với các môn đệ: “Người thổi hơi trên các ông và bảo: anh em hãy nhận lấy Thánh Thần, anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha, anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20, 22-23).

Thánh Thần là Ngôi Thứ Ba Thiên Chúa, được Chúa Giêsu Phục Sinh ban tặng cho ta để biến đổi ta từ những con người tầm thường, yếu đuối trở thành phi thường, thành Thiên Chúa như Người. Tại sao? Tại vì quyền năng tha tội chỉ dành cho một mình Thiên Chúa, bây giờ khi nhận được Thánh Thần, chúng ta có tất cả quyền năng, thậm chí cả quyền tha tội giống như Chúa Giêsu.

Khi các tông đồ và các môn đệ nhận được Thánh Thần, họ trở thành những con người mới: mạnh mẽ, can đảm, đầy quyền năng, như Bài đọc I (x. Cv 2,1-11) diễn tả. Thánh Thần đã đến với họ như một làn gió mạnh ùa vào đầy nhà, các hình lưỡi lửa xuất hiện trên đầu mỗi người khiến họ, thay vì sợ hãi bất động, đã mở tung cánh cửa để loan báo Tin Mừng về Đức Giêsu cho muôn người thuộc đủ mọi dân tộc đang tề tựu lại ở Giêrusalem lúc đó. Với những quyền năng và ân sủng do Thánh Thần ban, họ chữa lành những người bệnh tật, giải phóng những người bị ma quỷ kiềm chế, cho người chết được sống lại và làm cho những dân tộc chia rẽ được hợp nhất với nhau (x. Cv 2,5). Họ thật sự đã biến đổi thế giới.

Chúa Nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống | Tổng Giáo Phận Hà Nội

Sau 3 thế kỷ đầu dù bị bách hại dã man, các Kitô hữu vẫn thở được Thần Khí của Chúa Phục Sinh để biến đổi thế giới. Vào năm 313, hoàng đế Constantine của đế quốc Rôma, qua đạo luật Milan, đã chính thức công nhận Kitô giáo là tôn giáo thật sự. Nhờ đó, các dân tộc ở nhiều nơi trên thế giới tin vào Đức Giêsu và nền văn hoá Kitô giáo đã lan tràn khắp đế quốc Rôma. Những dân tộc xa lạ với nhau đã đoàn kết thành một khối, dưới quyền lãnh đạo về đức tin và luân lý của đức giáo hoàng ở Rôma. Ngài trở thành biểu tượng cho đức tin, và có quyền trao vương miện tượng trưng quyền lực cho các vua chúa của tất cả các dân tộc. Khi các vua chúa này tin phục Chúa Giêsu thì các dân tộc của họ không còn bị chiến tranh, xung đột, rối loạn tàn phá để tất cả cùng chung tay xây dựng Nước Trời. Chúng ta có thể nói nền văn hoá Kitô giáo đã hợp nhất hầu hết các nước trên thế giới vào thời đó.

2. Cuộc đổi mới bị ngừng lại

Tuy nhiên, những tín hữu Kitô đã dần dần quên thở Thần Khí của Chúa Giêsu. Rồi vì không thở được Thần Khí nên họ cũng không còn phát huy được những năng lực kỳ diệu của Thánh Thần. Chính khi quên thở Thần Khí, dòng máu đen tội lỗi, do bị những tham vọng và dục vọng chi phối, bắt đầu tác hại trên từng cá nhân. Từ đó tạo nên những hậu quả tai hại trên các dân tộc và làm cho mặt địa cầu này không còn bình an, tốt đẹp như thời trước.

Nhìn vào thế giới hôm nay, chúng ta thấy tình trạng hỗn loạn, sợ hãi, mất bình an giống như các môn đệ trải nghiệm vào buổi sáng ngày Chúa Phục Sinh, sau khi nghe tin báo rằng ngôi mộ chôn Đức Giêsu trống rỗng. Chúa Giêsu đã hiện ra và nói với các môn đệ: “Bình an cho anh em“. Rồi Người thổi Thần khí của sự thật và sự sống, của tình yêu và ân sủng cho họ. Ở Âu Châu, Mỹ Châu đang có những cuộc đối đầu căng thẳng sau khi nước Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ucraina ngày 24/2/2022. Cả thế giới đang phải khốn khổ vì giá xăng dầu, giá lương thực, lạm phát tăng cao. Mỗi ngày các bên tham chiến tốn hàng tỉ mỹ kim bom đạn chỉ để giết hại và phá huỷ nhà cửa, cơ sở, phương tiện mà cả đời người tốn công xây dựng, trong khi hàng trăm triệu người khác đang đói khổ.

Ở Á Châu, Trung Quốc lợi dụng việc đối đầu căng thẳng đó để bành trướng thế lực: các cuộc tập trận với hàng không mẫu hạm và máy bay phản lực mới mẻ để phô diễn sức mạnh quân sự, khiến cho các nước: Ấn Độ, Úc Châu, Nhật Bản, Hàn Quốc vội vã liên kết với nhau để chống lại. Còn các nước nhỏ ở Đông Nam Á, bị Trung Quốc xâm lấn, lấy mất những hòn đảo như đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, bãi cạn Scarborough của Philippines và vạch đường Lưỡi Bò xâm phạm chủ quyền nhiều nước khác. Những sự kiện đó nói lên rằng thế giới không còn sống trong tinh thần hoà bình của Chúa Giêsu và rất cần người tín hữu Kitô đổi mới mặt địa cầu, nhờ thở được Thần Khí của Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu Phục Sinh ban bình an cho con người, nhưng hoà bình không phải là không có chiến tranh hay quân bình sức mạnh của các vũ khí huỷ diệt. Hoà bình là kết quả của lòng tin và tình yêu mà con người nhận ra Chúa là người Cha chung của nhân loại và mọi người là anh chị em của nhau, để sống trong tình huynh đệ và chia sẻ cho nhau những ơn lành của Chúa. Điều này ta chỉ đạt được nhờ Chúa Thánh Thần.

Nhìn vào Giáo hội Công giáo hôm nay, ta cũng thấy sự hỗn loạn, bất động trong các cộng đồng tín hữu. Từ thế kỷ XIII đến XIX, trong các ngành khoa học và giáo dục đại học, người ta còn dùng tiếng Latinh như tiếng nói chung của gia đình nhân loại. Thời đó nhiều nước lấy Thánh Kinh, nhất là Tân Ước, như tiêu chuẩn hành xử cho mọi hoạt động xã hội. Các vua chúa, tổng thống, thủ tướng, thẩn phán và các viên chức chính quyền đặt tay trên cuốn Thánh Kinh để thề hứa sẽ hành động chính trực, công minh. Nhưng từ thế kỷ XX trở đi, người ta cổ vũ tinh thần ái quốc và chủ nghĩa dân tộc, xoá bỏ những ảnh hưởng của Kitô giáo và nền văn hoá Kitô giáo khỏi cộng đồng xã hội. Mỗi dân tộc, mỗi đảng phái chính trị, mỗi cộng đồng, thậm chí mỗi cá nhân, hành động theo đường lối của riêng mình dẫn đến những xung đột và chia rẽ trên khắp thế giới.

Tình trạng đó một phần bắt nguồn từ chính tín hữu Kitô chúng ta dường như đang bất động, hay thụ động trước những xung đột, chia rẽ của thế giới. Chúng ta không còn tập thở Thần Khí của Chúa Kitô để biến đổi dòng máu đen tội lỗi thành dòng máu đỏ tinh tuyền của Người. Vì thế, chúng ta không thể “dùng tiếng nói của mình mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa” (Cv 2,11) như các Tông đồ và môn đệ Chúa Giêsu sau khi Chúa Thánh Thần hiện xuống. Thậm chí nhiều người khi tham dự thánh lễ cũng không mở miệng để cùng đọc kinh chung và ca hát với cộng đồng. Họ giống như một người đi xem ca kịch, với thái độ rất thụ động, thì làm sao cảm nghiệm được sự sống kỳ diệu của Thiên Chúa?! Anh chị em thử cùng cất cao lời kinh, tiếng hát rồi lắng nghe bằng đôi tai và mở lòng để cảm nghiệm xem. Anh chị em sẽ thấy chúng ta có chung một sự sống kỳ điệu như thế nào vì tất cả “chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất” (1Cr 12,13).

Lời kết

Chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể biến đổi thế giới khi biến đổi mỗi người chúng ta. Vì thế, từng môn đệ của Chúa Giêsu đang được mời gọi để đo lại mức độ thở Thần Khí của mình!