23/01/2025

WHO tìm giải pháp cho vắc xin đậu mùa khỉ

WHO tìm giải pháp cho vắc xin đậu mùa khỉ

Hiện đã có một số loại vắc xin phòng bệnh đậu mùa cũng mang lại khả năng bảo vệ ở mức độ nhất định chống bệnh đậu mùa khỉ.

 

 

Ca bệnh tiếp tục tăng

Theo đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại VN, trong đợt bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ gần đây, từ ca bệnh đầu tiên phát hiện tại Anh ngày 13.5.2022, đến ngày 26.5, tổng cộng trên thế giới có 257 trường hợp được xác nhận trong phòng thí nghiệm và khoảng 120 trường hợp nghi ngờ đã được các nước báo cáo cho WHO. Không có trường hợp tử vong.

Theo đánh giá của WHO, đậu mùa khỉ đang tiến triển nhanh và dự báo sẽ có thêm nhiều trường hợp được xác định ở các quốc gia vốn không lưu hành bệnh.

Về vắc xin phòng đậu mùa khỉ, WHO cho hay một loại vắc xin mới hơn đã được phát triển để phòng bệnh đậu mùa (MVA-BN – còn gọi là Imvamune, Imvanex hoặc Jynneos) đã được phê duyệt vào năm 2019 để sử dụng trong phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ và hiện chưa được phổ biến rộng rãi. WHO hiện đang làm việc với nhà sản xuất để nâng cao khả năng tiếp cận.

Những người đã được tiêm phòng bệnh đậu mùa trước đây cũng sẽ có khả năng bảo vệ ở mức độ nhất định chống bệnh đậu mùa khỉ.

Tuy nhiên, vắc xin gốc phòng bệnh đậu mùa hiện không còn được cung cấp cho công chúng, và những người dưới nhóm tuổi 40 – 50 hầu như chưa được tiêm phòng do công tác tiêm phòng bệnh đậu mùa đã chấm dứt vào năm 1980 sau khi bệnh này trở thành bệnh đầu tiên được thanh toán. Sau chiến dịch tiêm chủng vắc xin đậu mùa kéo dài từ thế kỷ 19 đến thế kỷ 20, WHO chứng nhận đã tiêu diệt dứt điểm bệnh đậu mùa vào năm 1979. Một số nhân viên phòng xét nghiệm hoặc cán bộ y tế có thể đã được tiêm phòng bằng một loại vắc xin đậu mùa được sản xuất gần đây hơn.

WHO tìm giải pháp cho vắc xin đậu mùa khỉ - ảnh 1
Hình ảnh từ kính hiển vi điện tử cho thấy các hạt vi rút đậu mùa khỉ thu được từ mẫu da người liên quan đợt bùng phát dịch năm 2003  REUTERS

Thuốc mới phê duyệt

Về điều trị, WHO cho biết triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ thường tự hết mà không cần điều trị. Điều quan trọng là cần chăm sóc nốt ban bằng cách để chúng tự khô nếu có thể hoặc băng lại bằng gạc ẩm để bảo vệ vùng bị tổn thương nếu cần thiết. Tránh chạm vào bất cứ chỗ đau nào trong miệng hoặc mắt.

Có thể súc miệng và nhỏ mắt với điều kiện là tránh sử dụng sản phẩm có chứa cortisone. Globulin miễn dịch ở người (Vaccinia Immune Globulin – VIG) được khuyến cáo sử dụng trong các ca bệnh nghiêm trọng.

Một loại thuốc kháng vi rút được phát triển để điều trị bệnh đậu mùa (tecovirimat, có tên thương mại là TPOXX) cũng đã được phê duyệt để điều trị bệnh đậu mùa khỉ vào năm 2022.

WHO tìm giải pháp cho vắc xin đậu mùa khỉ - ảnh 2

Xu hướng lây lan chưa từng ghi nhận

Theo WHO, từ năm 1970, các ca bệnh bệnh đậu mùa khỉ ở người đã được báo cáo tại 11 quốc gia châu Phi: Benin, Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa dân chủ Congo, Cộng hòa Congo, Gabon, Bờ biển Ngà, Liberia, Nigeria, Sierra Leone và Nam Sudan. Thỉnh thoảng xảy ra ca bệnh ở các nước không có bệnh lưu hành. Các ca bệnh này thông thường được báo cáo ở những người đã di chuyển đến các nước có lưu hành bệnh.

 

Cần làm gì nếu nghĩ rằng mình có thể bị bệnh đậu mùa khỉ?

Nếu bạn nghĩ rằng bạn đang có triệu chứng hoặc đã tiếp xúc gần với một người mắc bệnh đậu mùa khỉ, hãy liên hệ với cán bộ y tế để xin tư vấn, xét nghiệm và được chăm sóc y tế. Nếu có thể, hãy tự cách ly và tránh tiếp xúc gần với người khác. Hãy rửa tay thường xuyên và thực hiện các bước liệt kê đã nêu ở phần phòng bệnh nhằm bảo vệ người khác khỏi nhiễm bệnh.

(Nguồn: WHO)

Thế nhưng kể từ tháng 5 năm nay, nhiều ca bệnh đậu mùa khỉ được ghi nhận ở một số nước không có bệnh lưu hành, nhiều trường hợp báo cáo chưa từng di chuyển đến các nước có lưu hành bệnh. Điều này không phải là điển hình của các xu hướng trước đây của bệnh đậu mùa khỉ. WHO đang làm việc với các nước bị ảnh hưởng để tăng cường giám sát, đồng thời cung cấp hướng dẫn về việc ngăn chặn sự lây lan của bệnh và cách chăm sóc người nhiễm bệnh.

 

Phòng bệnh đậu mùa khỉ

Có thể giảm nguy cơ cho chính mình bằng cách hạn chế tiếp xúc với người đã có nghi ngờ hoặc khẳng định mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Nếu bạn cần phải tiếp xúc vật lý với một người mắc bệnh đậu mùa khỉ do bạn là cán bộ y tế hoặc người sống cùng, khuyến khích người nhiễm bệnh tự cách ly và che vùng tổn thương da (ví dụ, mặc quần áo che lên chỗ có nốt ban); đeo khẩu trang khi tiếp xúc, khi xử lý quần áo hoặc ga gối nếu người đó không tự làm được…

Tránh tiếp xúc da với da bất cứ khi nào có thể và sử dụng găng tay dùng một lần nếu bạn tiếp xúc trực tiếp với vùng da bị tổn thương.

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước hoặc sát khuẩn tay bằng dung dịch sát khuẩn tay có chứa cồn, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với người nhiễm bệnh, quần áo, ga giường, khăn và các vật dụng khác của họ, các bề mặt mà họ đã tiếp xúc hoặc có khả năng đã tiếp xúc với nốt ban hay chất tiết đường hô hấp của họ (dụng cụ, bát đĩa…).

Giặt quần áo, khăn, ga giường… của người đó bằng nước ấm và bột giặt. Làm sạch và khử khuẩn bất cứ bề mặt nào đã bị nhiễm bẩn. Tiêu hủy chất thải bị nhiễm bẩn (ví dụ, băng gạc) một cách phù hợp.

(Nguồn: Bộ Y tế, WHO)

LIÊN CHÂU

TNO