19/11/2024

Chúa Nhật lễ Chúa Thăng Thiên 2022: Mở rộng Nước Trời

Hôm nay, Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, lên trời để đưa con người chúng ta đạt tới vinh quang tột đỉnh của công trình cứu độ. Đó là đem cho loài người và toàn thể vũ trụ sự viên mãn khi được chia sẻ sự sống trọn vẹn của Thiên Chúa trong tư cách là con cái của Ngài. Như vậy, Người đã hoàn tất công trình cứu độ cũng là việc xây dựng Nước Trời. Tuy nhiên, điều này lại đòi hỏi chúng ta nhận lãnh một sứ mệnh là mở rộng Nước Trời với Chúa Giêsu. Vì thế, chúng ta muốn tìm hiểu thêm về Nước Trời và sứ mệnh mở rộng nước đó.

Chúa Nhật lễ Chúa Thăng Thiên 2022

Mở rộng Nước Trời

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Hôm nay, Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, lên trời để đưa con người chúng ta đạt tới vinh quang tột đỉnh của công trình cứu độ. Đó là đem cho loài người và toàn thể vũ trụ sự viên mãn khi được chia sẻ sự sống trọn vẹn của Thiên Chúa trong tư cách là con cái của Ngài. Như vậy, Người đã hoàn tất công trình cứu độ cũng là việc xây dựng Nước Trời. Tuy nhiên, điều này lại đòi hỏi chúng ta nhận lãnh một sứ mệnh là mở rộng Nước Trời với Chúa Giêsu. Vì thế, chúng ta muốn tìm hiểu thêm về Nước Trời và sứ mệnh mở rộng nước đó.

1. Đức Giêsu hoàn thành việc xây dựng Nước Trời

Khi kể lại việc Đức Giêsu lên trời, Thánh Kinh mô tả thân hình Chúa Giêsu bay bổng lên cao, rồi có đám mây che Người khuất mắt các môn đệ. Còn Chúa Giêsu chỉ nói rằng: “Thầy đi lên Cha Thầy là Cha của anh em, lên Thiên Chúa của Thầy cũng là Thiên Chúa của anh em”.

Thánh Phaolô lại diễn tả việc lên trời như một cuộc giải phóng con người và vũ trụ, vì Đức Giêsu dẫn tất cả đạt tới sự viên mãn trọn vẹn, qua lời thư gửi tín hữu Ephesô: “Người đã lên cao, dẫn theo một đám tù, Người đã ban ân huệ cho loài người. Người đã lên nghĩa là gì, nếu không phải là Người đã xuống tận các vùng sâu thẳm dưới mặt đất?! Đấng đã xuống cũng chính là Đấng đã lên cao hơn mọi tầng trời để làm cho vũ trụ được viên mãn… Rồi con người chúng ta, vì là thân thể của Đức Kitô, chúng ta sẽ đạt tới sự hợp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô” (Ep 4,8-13).

Quả thật, người ta thường tưởng tượng trời là khoảng không gian vô tận, giống như một cái vòm ở trên đầu chúng ta. Lên trời là Chúa Giêsu đi vào trong cái vòm đó. Còn nếu người ta viết hoa từ “Trời” này, thì đó là muốn diễn tả vị thần linh tối cao, là Đấng Tạo Hoá dựng nên muôn loài, chi phối mọi sự như trong bản đồng dao các trẻ em thường hát: “Lạy Trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày, lấy đầy bát cơm, lấy rơm đun bếp”. Chúa Giêsu lên trời là về với Đấng Tạo Hoá và cũng là Cha của muôn loài.

Thật ra, Chúa Giêsu không đi vào khoảng không gian vô tận để lìa xa chúng ta. Nhưng lên trời là Người xoá bỏ mọi giới hạn ngăn cách giữa trời và đất, giữa thế giới siêu nhiên và tự nhiên, giữa Thiên Chúa vô cùng cao sang và loài thụ tạo vật chất bị cầm giữ bởi tội lỗi để hoà nhập tất cả thành Nước Trời là hiện thân của chính Người.

Khi Ngôi Lời Thiên Chúa trở thành con người, thành Đức Giêsu Nazareth, Người đã đưa trời hoà vào đất, đưa thiên tính vào trong nhân tính, đưa sự sống kỳ diệu phi thường của Thiên Chúa vào trong vũ trụ vạn vật để cứu độ tất cả. Tuy nhiên, sự cứu độ ấy chỉ hoàn thành khi Người tẩy xoá tội lỗi của con người và vũ trụ bằng máu và nước đã đổ ra trên thập giá, rồi chuyển hoá chúng vào con người mình bằng cuộc sống lại, để muôn loài không còn bị giới hạn bởi vật chất, không gian và thời gian. Với cuộc lên trời, Đức Giêsu Phục Sinh đưa tất cả đến trình diện với Chúa Cha là cha chung của muôn loài, như kết quả của cuộc giải phóng đám tù nhân khỏi mọi xiềng xích của tội lỗi và cái chết để chia sẻ trọn vẹn vinh quang và hạnh phúc với Thiên Chúa.

Lễ Chúa lên trời - Năm B | Tổng Giáo Phận Hà Nội Chúa Giêsu lên trời là Người trở về với Chúa Cha, hoà nhập trọn vẹn với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, đón nhận vinh quang tột đỉnh mà Chúa Cha dành cho người con yêu dấu của mình (x. Ep 4,17-23). Chúa Giêsu mang theo nhân tính đã được Người đón nhận, biến đổi, thần hoá sau cái chết và cuộc sống lại để chia sẻ cho loài người và vũ trụ vinh quang đó. Vì tin và yêu Chúa Giêsu nên chúng ta được hoà nhập thành những chi thể trong thân thể nhiệm mầu của Người, còn Người là đầu và là thủ lĩnh của chúng ta.

Vì thế, hôm nay Người lên trời là để đưa chúng ta vào trong tình trạng sống trọn vẹn và hoàn hảo của Thiên Chúa (x. GLHTCG, số 659-666). Nhờ đó ta cảm nghiệm được niềm vui, hạnh phúc, quyền năng và tất cả những ân huệ cao quý mà Chúa Giêsu muốn chia sẻ cho ta là con cái của Chúa Cha trong sự hợp nhất với Chúa Thánh Thần (x. GLHTCG, số 1023-1029). Đây cũng là tình trạng “thiên đường” của những ai sống trong Nước Trời.

2. Sứ mệnh xây dựng Nước Trời

Như thế, Nước Trời không phải là một nơi chốn nào đó mà ta lầm lẫn với “nước thiên đàng”. Đó là một thực thể mà ta có thể cảm nghiệm được phần nào ngay trong đời sống trần thế, trước khi được thể hiện trọn vẹn sau cái chết của mỗi người hay của vũ trụ sau khi tận thế, để không còn bị lệ thuộc vào vật chất, không gian và thời gian.

Đó là Nước Trời được Chúa Giêsu xây dựng trong chính con người mình, được biểu lộ qua Giáo Hội, được hoàn tất cho vũ trụ khi tận thế. Đó cũng là “nước của sự thật và sự sống, của sự thánh thiện và ân sủng, của công bằng, tình yêu và bình an” mà mỗi người chúng ta có sứ mệnh xây dựng trong đời sống của mình (x. CĐ. Vaticanô II, Hiến chế Tín lý Lumen Gentium, số 36; Kinh Tiền tụng lễ Chúa Giêsu là Vua Vũ trụ). Xây dựng Nước Trời chính là đem các yếu tố đó vào đời sống còn bất toàn, bất an, bất công, đói khổ, thù hận, chiến tranh, tội luỵ ở trần gian. Như thế, xây dựng Nước Trời cũng chính là nội dung của công trình cứu độ.

Chúa Giêsu muốn chúng ta tiếp tục công trình cứu độ của Người, nên giao phó cho chúng ta sứ mệnh ấy kèm theo những ân huệ lớn lao của Chúa Thánh Thần. Vì thế, Người sai môn đệ đi rao giảng cho muôn dân và làm chứng về Người (x. Lc 24,47-48). Người nhắc nhở chúng ta: “Chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa để nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống” (x. Lc 24,49; Cv 1,4-5) là Chúa Thánh Thần để làm chứng nhân của Chúa Giêsu cho đến tận cùng trái đất (Cv 1,8).

Dù được đưa lên trời, nhưng dưới đất Chúa Giêsu vẫn còn phải chịu mọi nỗi khổ cực, mà chúng ta đang cảm nhận, vì chúng ta là những chi thể của Người. Vì thế Người đã nói từ trên cao với thánh Phaolô trên đường vào thành Damas rằng: “Saolô, Saolô, tại sao ngươi bắt bớ Ta?”. Hoặc nói với những người trong cuộc phán xét chung rằng: “Xưa Ta đói các ngươi đã cho ta ăn, Ta khát đã cho uống, Ta trần truồng đã cho mặc, Ta bị tù đày các ngươi đã viếng thăm Ta…” (Mt 25,35-36).

Chiêm ngưỡng Chúa Giêsu lên trời không phải là chúng ta nhìn theo một bóng hình nào đó “ở cõi trên”, mà ta cần được các thiên thần đánh thức khỏi những mơ mộng hão huyền để nhìn vào đời sống thực tế của cộng đồng xã hội quanh ta với bao con người đau khổ, nghèo đói, tật bệnh, tội lỗi đang cần cứu giúp (x. Cv 1,11). Ta phải hành động cụ thể và hữu hiệu để làm cho Đức Giêsu thể hiện được ơn cứu độ của Người và đó cũng là mở rộng Nước Trời cho con người thời đại hôm nay.

Tôi xin chia sẻ với anh chị em niềm vui của tôi, vì ngày hôm qua tôi ở Buôn Ma Thuột, gặp Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản để can thiệp cho một tu đoàn. Rồi Chúa cho tôi gặp lại các em đã được chúng tôi giúp cai nghiện ma tuý cách đây 17 năm, thuộc khoá Phục Sinh 7 ở xã Tóc Tiên, Bà Rịa. Các em đã trưởng thành, lập gia đình, có việc làm ổn định. Tôi hiểu rằng Chúa Giêsu Phục Sinh đã cứu chữa các em này.

Lời kết

Vì vậy, chúng ta hãy tin tưởng và gắn bó với Chúa Giêsu để mở rộng Nước Trời cho mọi người mọi vật quanh ta. Chúng ta hãy thiết tha cầu nguyện với Mẹ Maria và mẹ Giáo Hội trong tuần lễ đặc biệt này để Chúa Thánh Thần biến đổi ta thành chứng nhân cho Chúa Giêsu Phục Sinh.

HKK