01/11/2024

Lập trường khác biệt của ĐTC và Toà Thánh về Thượng phụ Chính thống Nga và nước Nga

Lập trường khác biệt của ĐTC và Toà Thánh về Thượng phụ Chính thống Nga và nước Nga

So với nhiều Giáo hội Chính thống và cả một số vị lãnh đạo Công giáo, ĐTC Phanxicô và Toà Thánh có lập trường rất khác biệt.

Điện văn chúc mừng của ĐTC

Như một thí dụ gần đây nhất về sự khác biệt này là: hôm 24/5 vừa qua, ĐTC đã gửi sứ điệp chúc mừng Đức Thượng phụ Kirill Giáo chủ Chính thống Nga nhân lễ bổn mạng. Ngài viết:

“Lễ Thánh Cirillo, vị đại tông đồ của các dân tộc Slave, là dịp để tôi gửi đến Đức Thượng phụ những lời chào thăm và hứa cầu nguyện cho Đức Thượng Phụ và cho Giáo Hội được ủy thác cho Đức Thượng phụ săn sóc mục vụ. Trong những ngày này tôi cầu xin Chúa, Cha chúng ta trên trời, để Thánh Linh của Ngài đổi mới và củng cố chúng ta trong sứ vụ Tin Mừng, đặc biệt trong những nỗ lực của chúng ta để bảo vệ giá trị và phẩm giá của mỗi người.”

“Nhờ lời chuyển cầu của Thánh Bổn mạng trên thiên quốc, xin Thiên Chúa toàn năng và thương xót ban cho chúng ta hồng ân khôn ngoan của Ngài, để chúng ta luôn luôn là những người thợ khiêm tốn trong vườn nho của Chúa.”

Đức Thượng phụ Kirill năm nay 76 tuổi (1946), được bầu làm Giáo chủ Chính thống Nga cách đây 13 năm. Trong thời gian qua, báo chí Tây phương và cả Liên hiệp Âu châu đòi trừng phạt ngài vì vai trò trong chiến tranh của Nga tại Ucraina hiện nay, nhưng sự lên án này mạnh nhất từ phía một số Giáo hội Chính thống, bắt đầu là vị Giáo Chủ danh dự của Chính thống giáo.

Đức Thượng phụ Bartolomaios

Đức Thượng phụ Bartolomaios, Giáo chủ Chính thống Constantinople bên Thổ Nhĩ Kỳ, cũng là vị đứng đầu của Chính thống giáo, tuyên bố trong cuộc phỏng vấn hôm 24/5 vừa qua rằng:

“Đức Thượng phụ Chính thống Nga không lên án chiến tranh chống Ucraina. Tôi không biết làm sao ngài có thể biện minh cho lương tâm của mình, vì đã không làm như vậy và lịch sử sẽ phán xét ngài thế nào. Lẽ ra Đức Thượng phụ Kirill phải chống lại, phải phản ứng chống cuộc xâm lăng của Nga tại Ucraina và lên án chiến tranh như mọi vị Giáo chủ Chính thống đã làm. Nhưng ngài đã không làm. Hành động như thế có hại cho ngài và tôi rất tiếc.

“Giữa chúng tôi và ngài có thể có những khác biệt, trong đó có vấn đề nền độc lập của Giáo hội Chính thống tại Ucraina. Giáo hội Chính thống Nga vốn ham muốn được quyền tối thượng như Chính thống Constantinople và muốn hạ giá Toà Thượng phụ tại đây…

“Tôi mong đợi người anh em Kirill trong thời điểm lịch sử này. Thời điểm này đòi người anh em ấy hy sinh ngai Toà Thượng phụ của mình và nói thẳng với Tổng thống Putin: ‘Tôi không đồng ý với tổng thống, tôi từ chức và giã từ.’ Có thể là người anh em Kirill sẽ bị tù, tôi không biết Tổng thống Putin sẽ làm gì trong trường hợp Thượng phụ Chính thống Nga phản ứng chống lại kế hoạch của ông, nhưng đó là điều mà chúng tôi, cùng với các vị Giáo chủ Chính thống khác mong đợi”.

Hội đồng Giáo hội Chính thống Ucraina độc lập

Tại Ucraina, ngoài cộng đoàn Giáo hội Chính thống thuộc quyền Toà Thượng phụ Chính thống ở Mascơva, còn có cộng đoàn Chính thống Ucraina được Đức Thượng phụ Bartolomaios công nhận quyền độc lập (Tomos) từ đầu năm 2019.

Ngày 25/5 vừa qua, Hội đồng Giáo hội Chính thống Ucraina độc lập này đã nhóm họp tại Kiev dưới quyền chủ toạ của Đức TGM Giáo chủ Epifany. Thông cáo sau đó cho biết các GM tái khẳng định ý muốn và sẵn sàng đối thoại với Giáo hội Chính thống Nga ở Ucraina để tiến tới sự thống nhất cả hai thành một Giáo hội Chính thống Ucraina duy nhất tại nước này, dựa trên căn bản quyền độc lập được tòa Thượng phụ Chính thống Constantinople ban cấp.

Hội đồng Giám mục Chính thống Ucraina quyết định không nhắc đến tên và không cầu nguyện cho Đức Thượng phụ Kirill trong các thánh lễ nữa vì vị này đã chấp nhận cuộc tấn công của Nga chống Ucraina và cổ vũ ý thức hệ “Thế giới Nga”, một điều lạc giáo theo định nghĩa về chủ nghĩa “dân tộc – chủng tộc”.

Hội đồng Giám mục Chính thống Ucraina cũng yêu cầu Đức TGM Giáo Chủ Epifaniy thỉnh cầu Đức Thượng phụ Bartomaios, Giáo chủ chung của Chính thống giáo, cùng với các vị Giáo chủ Chính thống ở các địa phương, đưa Thượng phụ Kirill ra xét xử và truất phế ngai giáo chủ vì đang tuyên truyền lạc thuyết “dân tộc – chủng tộc” dựa trên ý thức hệ “Thế giới Nga” cũng như tạo nên sự ly giáo trong Giáo Hội, nhất là qua việc thiết lập “Giáo phận Nga” tại Phi châu, tại các miền thuộc quyền tài phán của Toà Thượng phụ Chính thống Alessandria bên Ai Cập”.

Phản ứng của Đức TGM Hilarion

Đứng trước những lập trường lên án Thượng phụ Chính thống Nga, Đức TGM Hilarion, Chủ tịch Hội đồng ngoại vụ Toà Thượng phụ Chính thống Mascơva, tiếp tục bác bỏ mọi phê bình từ các phía về lập trường của Giáo Hội này trong cuộc chiến tranh gây hấn của Nga tại Ucraina và những lời cáo buộc cho Giáo hội Chính thống Nga đồng trách nhiệm vì ủng hộ cuộc tấn công của Tổng thống Putin.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Truyền hình ORF của Áo truyền đi tối thứ ba 24/5 vừa qua, Đức TGM Hilarion nói: “Giáo hội Chính thống Nga không thể có trách nhiệm về những quyết định chính trị và những gì quân đội Nga làm. Giáo Hội chỉ có khí giới là cầu nguyện… Khi ‘chiến dịch quân sự’ ở Ucraina bắt đầu, tất cả các nhà thờ Chính thống Nga đều cầu nguyện, với sự chúc lành của Đức Thượng phụ Kirill, cho sự tái lập hoà bình.”

Về những quan điểm khác nhau liên quan đến chiến tranh Ucraina, Đức TGM Hilarion, nhấn mạnh: “Bây giờ có hai nguồn tin tức: chúng ta nghe một tin theo quan điểm của Nga, và cũng tin đó chúng ta nghe ở Tây phương, hoàn toàn khác hẳn. Vì thế hai bên phải cố gắng hiểu nhau, nếu không cuộc xung đột sẽ trầm trọng hơn và có thể trở thành một cuộc xung đột toàn cầu: vì thế giới chúng ta đã trở thành một thùng thuốc nổ.”

Đức Tổng GM Chủ tịch HĐGM Ba Lan

Mới đây, từ phía Công giáo Ba Lan cũng nêu lên quan điểm của mình. Tuyên bố hôm 23/5 với hãng tin Công giáo Kai của Ba Lan, sau cuộc viếng thăm Ucraina trở về, Đức TGM Stanislaw Gadecki, Chủ tịch HĐGM Ba Lan, nói: “Tôi nghĩ Vatican cần xét lại lập trường “thơ ngây và không tưởng” của mình đối với chiến tranh tại Ucraina. Trong tình trạng chiến tranh hiện nay, Vatican cần ủng hộ Ucraina trên mọi cấp độ và đừng để những ý tưởng không tưởng hướng dẫn.”

Lập trường của Toà Thánh

Cho đến nay, lập trường của Toà Thánh là lên án những hành vi tàn ác, nhưng vẫn mở ngỏ con đường đối thoại và tôn trọng những đối nghịch. Cho đến ngày 13 tháng 5 vừa qua, đã 43 lần ngài lên án sự tàn ác của chiến tranh ở Ucraina, và cổ vũ sự đối thoại, tha thứ, hoà giải và đạt đến một nền hoà bình đích thực, đặc biệt giữa hai dân tộc Nga và Ucraina, mặc dù lập trường của ngài gặp sự chống đối của nhiều người, kể cả một số trong hàng ngũ Công Giáo. Họ muốn ngài công khai nêu đích danh tổng thống Nga Vladimir Putin như một kẻ gây hấn, tấn công, và cả Đức Thượng phụ Kirill, Giáo chủ Chính thống Nga, mà họ cho là người ủng hộ chính sách của Putin.

Trước viễn tượng chiến tranh tại Ucraina sẽ kéo dài nhiều năm, trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật Lễ Lá, 10/4, ĐTC đã nói:

“Ngày hôm nay có chiến tranh và người ta muốn chiến thắng theo kiểu thế gian. Tại sao không để cho Thiên Chúa chiến thắng. Hãy từ bỏ khí giới, ngưng chiến để đạt tới hoà bình qua một cuộc thương thuyết thực sự, sẵn sàng chịu vài hy sinh vì thiện ích của dân chúng. Thực vậy, sẽ là chiến thắng nào nếu đó là chiến thắng cắm cờ trên đống gạch vụn. Không gì là không có thể đối với Thiên Chúa.”

Như Cha Antonio Spadaro, dòng Tên, Chủ nhiệm tạp chí Civiltà Cattolica (Văn minh Công giáo) của Dòng Tên ở Ý, giải thích: “ĐTC Phanxicô là một vị mục tử chứ không phải là một nhà chính trị. Ngài hành động theo tinh thần Tin Mừng, là hoà giải kể cả không có hy vọng hữu hình trong cuộc chiến tranh gây hấn mà ngài gọi là ‘một tội phạm thánh’.”

G. Trần Đức Anh, OP

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2022-05/lap-truong-khac-biet-cua-dtc-va-toa-thanh-ve-chinh-thong-nga.html