ĐHY Tagle: Các giáo phận truyền giáo cần được hỗ trợ liên quan đến những biện pháp ngăn ngừa lạm dụng
ĐHY Tagle: Các giáo phận truyền giáo cần được hỗ trợ liên quan đến những biện pháp ngăn ngừa lạm dụng
Trong cuộc phỏng vấn với Đài Truyền hình Pháp, Tổng trưởng Bộ Loan báo Tin Mừng cho các Dân tộc, ĐHY Tagle cho biết Bộ Loan báo Tin Mừng đang làm việc để “theo sát” các HĐGM về các biện pháp ngăn ngừa lạm dụng.
ĐHY Tagle nói: “Có thể trong các Giáo hội địa phương lâu năm, HĐGM sẽ dễ dàng thành lập các ủy ban hơn, bởi vì khi đó họ đã có những người được đào tạo.”
“Và đó là nơi chúng tôi sẽ cần đến để hỗ trợ cho các Giáo hội địa phương còn non trẻ vì trong số đó có những Giáo hội chỉ đang phát triển… Họ cần các nhà tâm lý học. Họ cần những người thông thạo giáo luật.”
ĐHY nói thêm: “Và đó cũng là nơi mà Giáo hội hoàn vũ sẽ giúp đỡ lẫn nhau. Những người có chuyên môn có thể giúp hình thành nguồn nhân lực ở những nơi khác trên thế giới.”
ĐHY Tagle nói rằng ngài đã nhận thấy sự cần thiết phải hỗ trợ các Giáo phận đang phát triển mà không có nhiều nhân sự sau khi Bộ Loan báo Tin Mừng cho các Dân tộc theo dõi và yêu cầu các HĐGM đệ trình những gì họ đã chuẩn bị để bắt đầu viết các quy định phù hợp với những gì đã được yêu cầu trong tự sắc “Anh em là ánh sáng muôn dân” (Vos estis lux mundi) theo như yêu cầu của ĐTC.
Tháng trước, ĐTC cũng yêu cầu Uỷ ban Giáo hoàng về Bảo vệ Trẻ vị thành niên đưa ra một báo cáo thường niên về những gì Giáo hội Công giáo đang làm trên toàn thế giới để ngăn ngừa việc lạm dụng trẻ vị thành niên và những người trưởng thành dễ bị tổn thương.
Đức Hồng y Tagle đã phát biểu trong cuộc phỏng vấn kéo dài 30 phút với Đài Truyền hình KTO và được đăng trên YouTube.
Trong cuộc phỏng vấn, Đức Hồng y cũng đề cập đến các vấn đề nghèo đói, chiến tranh tại Ucraina, và việc phong chân phước cho Pauline Jaricot mà ngài đã chủ sự vào ngày 22/5.
Khi được hỏi về xu hướng dễ xúc động và rơi nước mắt trong các bài phát biểu của mình, ĐHY Tagle trả lời: “Chà, tôi đoán là bạn biết đấy, rơi nước mắt là một phần của kinh nghiệm con người. Khi yêu, người ta rơi nước mắt. Khi hạnh phúc, họ rơi nước mắt. Khi đau khổ, họ rơi nước mắt. Vì vậy, nước mắt là một trong những ngôn ngữ có thể nói về nhiều tình huống của con người, bạn biết điều đó.”
ĐHY nói thêm: “Tôi không biết có phải mình đang xúc động hay không, nhưng tôi đoán trong một vài hoàn cảnh, tôi để mình bị đánh động… Nhưng không phải lúc nào tôi cũng khóc… Đôi khi tôi cũng cười.”
Văn Cương, SJ
Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2022-05/dhy-tagle-cac-giao-phan-can-duoc-ho-tro-ngan-ngua-lam-dung.html