24/01/2025

Chúa Nhật VI PS C 2022: Từ tình yêu siêu nhiên đến bác ái

Tuần trước chúng ta đã tìm hiểu tình yêu cũ kỹ tự nhiên và tình yêu mới mẻ siêu nhiên được Chúa Giêsu Phục Sinh chia sẻ cho chúng ta. Tuy nhiên, tình yêu mới mẻ này còn phải được mở rộng và vươn cao hơn nữa để biến thành tình “bác ái”, thành “Caritas” vì nó mang đặc tính của chính Thiên Chúa Ba Ngôi và của Giáo Hội

Chúa Nhật VI PS C 2022

Từ tình yêu siêu nhiên đến bác ái

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Tuần trước chúng ta đã tìm hiểu tình yêu cũ kỹ tự nhiên và tình yêu mới mẻ siêu nhiên được Chúa Giêsu Phục Sinh chia sẻ cho chúng ta. Tuy nhiên, tình yêu mới mẻ này còn phải được mở rộng và vươn cao hơn nữa để biến thành tình “bác ái”, thành “Caritas” vì nó mang đặc tính của chính Thiên Chúa Ba Ngôi và của Giáo Hội, như Chúa Giêsu nói với chúng ta hôm nay: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. Đấng Bảo Trợ là Chúa Thánh Thần, mà Chúa Cha sai đến nhân danh Thầy, sẽ dạy anh em mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,23-26).

Vậy chúng ta tìm hiểu về tình bác ái là gì.

1. Yêu như Chúa Giêsu

Trước hết, tình bác ái là tình yêu của Chúa Giêsu để giúp ta yêu như Chúa Giêsu. Đức Giêsu đã dạy chúng ta rằng: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12). Vì Đấng Phục Sinh chia sẻ cho ta tình yêu của Người, khi thổi thần khí cho ta, nên từ đây tình yêu của ta luôn mang đặc tính của ba ngôi Thiên Chúa. Đó là tình yêu sáng tạo của Chúa Cha, tình yêu cứu độ của Chúa Con và tình yêu thần hoá của Chúa Thánh Thần. Chúng ta đã tìm hiểu ba đặc tính ấy trong năm trước.

Tình yêu này tuy ở trong con người để họ luôn rung động theo cảm giác, cảm xúc, cảm tình của con người, nhưng lại đưa họ mở ra với siêu việt và hướng tới vô biên, để không còn bị lệ thuộc vào đối tượng, vật chất, không gian và thời gian (x. ĐGH Bênêđictô XVI, Thông điệp Thiên Chúa là Tình yêu “Deus est Caritas”, số 8).

Đó là tình yêu của Đức Giêsu Phục Sinh khi sống lại từ cõi chết, hiện ra với các môn đệ ở bất cứ nơi đâu, vào bất cứ lúc nào, dù cửa nhà họ đều đóng kín. Đó cũng là tình yêu của các tông đồ chữa lành các bệnh nhân và cho kẻ chết sống lại ở bất cứ nơi nào. Đó là tình yêu của thánh Martinô Porres đã đưa ngài từ nước Peru ở Nam Mỹ vượt qua Đại Tây Dương trong nháy mắt để chữa lành cho một tù nhân ở châu Âu.

Tình yêu của chúng ta từ nay sẽ mở ra cho muôn loài muôn vật, để yêu từng người bằng tình yêu trọn vẹn, đồng thời cũng yêu mọi người mà không loại trừ ai, cả người lành cũng như kẻ dữ, người tốt cũng như kẻ xấu. Tình yêu của chúng ta tồn tại mãi theo năm tháng chứ không chỉ trăm năm, và nguyên vẹn dù ở bất cứ nơi nào chứ không phải “xa mặt cách lòng”. Tình yêu đó luôn phát triển vì Thiên Chúa vĩnh hằng cho ta được hoà nhập vào tình yêu của Ngài.

Dù có bị người tình phản bội, ta vẫn chung thuỷ cho đến chết vì hiểu rằng tình yêu của mình tồn tại mãi với Thiên Chúa. Có những lúc vì muốn trung thành với tình yêu ta sẽ gặp những thiệt thòi, mất mát, nhục nhã và thậm chí phải hy sinh cả mạng sống. Nhưng vì Thiên Chúa tình yêu nhìn thấu tất cả, nên Ngài sẽ ban thưởng cho tình yêu cứu độ của ta, giống như đã tôn vinh Chúa Giêsu.

Niềm xác tín này sẽ biến chúng ta thành những “nhà cách mạng bằng tình yêu” như ĐGH Phanxicô đã cổ vũ. Chỉ có tình yêu như thế mới vượt qua các giới hạn của cá nhân để xây dựng cộng đồng xã hội và thế giới. Khi yêu như thế, người tín hữu biến tình yêu siêu nhiên của họ thành tình “Bác ái”, thành “Caritas”, thành bản tính của Thiên Chúa như thánh Gioan đã định nghĩa: Deus est Caritas – Thiên Chúa là tình yêu”.

2. Vậy tình bác ái của Công giáo là gì?

Bác ái là “yêu rộng”. Tình yêu này được người tín hữu diễn tả trong mọi lĩnh vực của đời sống cộng đồng như chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá. Đây không còn là một hành vi mang tính cá nhân, thực hiện trong quan hệ riêng tư, để đáp ứng một nhu cầu nào đó “tại đây” và “lúc này”, giống như việc từ thiện ta giúp cho người nghèo khổ có bát cơm, manh áo.

Nhưng tình yêu đó phải đưa họ đi xa hơn, trải rộng hơn trong mọi quan hệ của con người, trong cộng đồng chính trị và xã hội. Nó đòi hỏi họ phải biết liên kết với nhau để tổ chức và xây dựng các cơ cấu mới, để thay đổi các trung gian nguy hại hay xoá bỏ những nhân tố đã gây ra các cảnh túng thiếu, bất an trong xã hội. Ví dụ: họ phải liên kết với nhau để thiết lập những công ty, xí nghiệp mới biết sản xuất tốt hơn, không tàn phá môi trường, tham gia các công đoàn, nghiệp đoàn, hiệp hội để bảo vệ quyền lợi cho người lao động, người nhập cư, người tiêu dùng (x. TLHTXHCG, số 207-208). Có như thế ta mới hy vọng xây dựng được “nền văn minh tình yêu” cho dân tộc và nhân loại.

Như thế, tính bác ái này luôn mang tính cách tập thể, cộng đồng vì nó không còn phải là của cá nhân người tín hữu dành cho một ai đó, nhưng là của toàn thể cộng đồng tín hữu mở ra cho muôn người, muôn vật, trong tư cách là Giáo Hội, là hiền thê của Chúa Giêsu.

Bài đọc I hôm nay (x. Cv 15,1-29) nói về cộng đồng phục sinh được quy tụ gồm người Do Thái và các lương dân sống gắn bó và yêu thương nhau. Họ vượt qua những luật lệ trói buộc của đạo Do Thái với các nghi thức phụng tự và phép cắt bì, để sống theo điều răn yêu thương của Chúa Giêsu.

Bài đọc II (x. Kh 21,10-23) giải thích cho chúng ta tính cách cộng đồng rộng lớn vì Giáo Hội giống như là “thành thánh Giêrusalem mới từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống”. Thành rất rộng để có thể chứa muôn người từ khắp tứ phương thiên hạ đổ về. Mỗi hướng Đông-Tây-Nam-Bắc có tới 3 cửa mở rộng cho muôn dân tộc. Trong thành không có đền thờ vì Thiên Chúa và Đức Giêsu Phục Sinh là đền thờ của thành. Điều này có nghĩa là cộng đồng phục sinh gắn bó trực tiếp với Thiên Chúa, vượt qua các lễ nghi và phụng tự trần thế. Họ trực tiếp được chiêm ngưỡng Thiên Chúa và hoà nhập trọn vẹn với Đức Giêsu. Những con người này không cần mặt trăng, mặt trời chiếu sáng, vì họ phản chiếu ánh vinh quang của Thiên Chúa. Như thế, tình bác ái phải nối kết tất cả chúng ta với nhau, cũng như với toàn thể nhân loại và vũ trụ.

Hơn nữa, tình yêu hay tình bác ái Kitô giáo phải đưa chúng ta tới chỗ tố cáo những bất công, đề nghị những biện pháp sửa đổi và dấn thân vào những dự án văn hoá và xã hội. Tình yêu này thúc đẩy sự hoạt động tích cực của tất cả những ai thành thật coi trọng ích lợi của con người đều muốn góp phần của mình vào đó (x. TLHTXHCG, số 6).

Cuối cùng, chúng ta cần ghi nhớ rằng “tình bác ái này không phải chỉ là cảm xúc, nhưng là một nhân đức, một năng lực thủ đắc được bằng huấn luyện (x. Docat, câu 16). Người tín hữu trong bao năm qua từng nghĩ rằng: tình yêu hay đức ái là ân huệ của riêng Thiên Chúa, nên mình chỉ cần cầu nguyện là nhận được, chứ không cần đào tạo, huấn luyện cho mình hay cho người khác. Giáo huấn Xã hội của Giáo hội Công giáo nhắc nhở rằng: người tín hữu phải tự đào luyện mình để tình yêu của họ ngày một trong sáng, quảng đại hơn trong mọi lĩnh vực và mọi quan hệ xã hội. Khi liên kết với nhau để thể hiện tình bác ái xã hội này, họ có thể gặp những thất bại, căng thẳng, xung đột nên cần phải học hỏi, đào luyện mới có thể thành công.

Lời kết

Vì thế, Đức Giêsu nói với ta rằng: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần, mà Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em”.

Lạy Chúa là Cha rất nhân từ, xin hãy đổ tình yêu vào lòng chúng con nhờ Thánh Thần Cha ban cho chúng con. Amen.

HKK