26/12/2024

Sau 100 năm tìm kiếm, siêu hố đen của Dải Ngân hà chính thức lộ diện

Sau 100 năm tìm kiếm, siêu hố đen của Dải Ngân hà chính thức lộ diện

Mạng lưới kính viễn vọng Event Horizon (EHT) đã chụp được hình ảnh đầu tiên của Sagittarius A*, siêu hố đen được giới truyền thông mô tả là “gã khổng lồ dịu dàng” ở trung tâm Dải Ngân hà của chúng ta.

 

 

Sau 100 năm tìm kiếm, siêu hố đen của Dải Ngân hà chính thức lộ diện - ảnh 1
Hình ảnh đầu tiên của Sagittarius A*, siêu hố đen ở trung tâm Dải Ngân hà  EHT COLLABORATION/REUTERS

Bản thân siêu hố đen không thể được nhìn thấy hoặc quan sát trực tiếp vì không có bất kỳ ánh sáng hoặc vật chất nào có thể thoát khỏi lực hấp dẫn khủng khiếp của nó. Cái mà EHT ghi hình được là hình bóng của Sagittarius A*, dưới dạng quầng ánh sáng và vật chất đang xoáy cuồn cuộn với vận tốc gần bằng ánh sáng.

EHT là mạng lưới gồm 8 kính thiên văn vô tuyến trải dài từ Nam Cực đến Tây Ban Nha và Chile. Đây cũng là cỗ máy chụp được hình ảnh đầu tiên của một hố đen M87* ở thiên hà Messier 87 vào năm 2019.

Giáo sư Sera Markoff, nhà vật lý học thiên thể của Đại học Amsterdam (Hà Lan) và đồng chủ tịch Hội đồng Khoa học EHT, cho biết: “Hố đen của Dải Ngân hà là mục tiêu chính của chúng tôi, đó là siêu hố đen gần chúng ta nhất và là nguyên nhân chúng tôi bắt đầu mọi chuyện. 100 năm đã trôi qua kể từ khi giới khoa học tìm kiếm hố đen, và vì thế đây là thành tựu lớn lao về khía cạnh khoa học”.

Bức ảnh cung cấp chứng cứ thuyết phục, chứng minh rằng thật sự có hố đen ở lõi của Dải Ngân hà.

Dưới mắt thường, có vẻ như Sagittarius A* không khác gì so với M87*, nhưng đội ngũ EHT khẳng định chúng hoàn toàn khác biệt.

Theo giới chuyên gia, Sagittarius A* chỉ hấp thu một lượng nhỏ vật chất, khác với mô tả thông thường rằng hố đen là những “gã quái vật” đầy bạo lực và tham lam của vũ trụ. “Nếu Sagittarius A* là con người, có thể so sánh nó chỉ ăn một hạt gạo trong mỗi triệu năm”, theo tờ The Guardian dẫn lời chuyên gia Michael Johnson của Trung tâm Harvard-Smithsonian về Vật lý học Thiên thể.

Ngược lại, M87* là một trong những hố đen lớn nhất của vũ trụ, liên tục phóng ra những luồng ánh sáng và vật chất với tốc độ vũ bão và trên diện rộng.

“Sagittarius A* mang đến cho chúng ta hình ảnh của một trạng thái tiêu chuẩn hơn của các hố đen: yên lặng và thụ động”, theo ông Johnson.

Bất chấp ở khoảng cách 26.000 năm ánh sáng, tức gần trái đất nếu so về khía cạnh thiên văn, Sagittarius A* không hề dễ quan sát như vẫn tưởng. Đội ngũ EHT phải dành 5 năm phân tích dữ liệu thu thập được trong lúc quan sát các bầu trời đêm ở vài lục địa.

Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên ấn bản đặc biệt của chuyên san Astrophysical Journal Letters hôm 12.5.

HẠO NHIÊN

TNO