26/12/2024

Những đại công trình xẻ đồi, lấp sông khai thác đá lậu: Nhận diện những ‘ông trùm’…

Những đại công trình xẻ đồi, lấp sông khai thác đá lậu: Nhận diện những ‘ông trùm’…

Trong quá trình thâm nhập, PV Thanh Niên phát hiện một số “đầu nậu” thuộc dạng “ông trùm” trong việc khai thác đá lậu ở H.Bù Đăng (tỉnh Bình Phước) ngang nhiên tập kết, cưa xẻ đá ngay trong khu dân cư.

 

 

Tập kết, cưa xẻ đá ngay khu dân cư

Sau những chuyến bám theo xe chở đá vào các nhà máy cưa xẻ để gia công thành phẩm, chúng tôi ghi nhận, chỉ riêng khu vực xã Bom Bo có 2 nhà máy lớn chuyên cưa xẻ đá cây từ các mỏ khai thác trái phép trên địa bàn H.Bù Đăng. Trong đó, một nhà máy có diện tích khoảng 1.500 m2, không có bảng hiệu nằm phía sau trạm cân 80 tấn giáp với trạm xăng dầu nhượng quyền T.L (thuộc xã Bom Bo). Nhà máy này do ông M. làm chủ. Giới mua bán đá cây cho biết nhà máy của ông M. là một trong số nhà máy có công nghệ hiện đại nhất khu vực.

Những đại công trình xẻ đồi, lấp sông khai thác đá lậu: Nhận diện những 'ông trùm'... - ảnh 1
Một nhà máy cưa xẻ đá cây rộng trên 2.000 m2 tại Cụm công nghiệp Thuận An, H.Đắk Mil, Đắk Nông  THANH NIÊN

Cách nhà máy của ông M. khoảng 500 m có một nhà máy cũng quy mô không kém, với diện tích khoảng 1 ha, chiều dài phân xưởng hơn 100 m, phía trước làm khu trưng bày đá thành phẩm để bán. Được biết nhà máy này do một “ông trùm” tầm cỡ nhất khu vực tên P.V.H điều hành. Ngoài việc cưa xẻ đá tại chỗ, ông P.V.H còn là một “đầu nậu” chuyên khai thác đá liên huyện. Với lượng đá khai thác lớn mang về nhà máy của mình, ông P.V.H còn là nguồn cung cấp đá cho nhiều nhà máy từ Bình Phước, Đắk Nông, cưa xẻ, rồi xuất khẩu ra nước ngoài. Qua hình ảnh chúng tôi thu thập được, phía sau nhà máy của ông P.V.H tập kết hàng đống đá cây; bể chứa nước thải từ việc cưa xẻ đá. Đáng chú ý, phía trước nhà máy này để bảng hiệu cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng.

Những đại công trình xẻ đồi, lấp sông khai thác đá lậu: Nhận diện những 'ông trùm'... - ảnh 2
Một góc nhà máy cưa xẻ đá cây tại H.Đắk Mil, Đắk Nông  THANH NIÊN

Theo PV Thanh Niên xác minh, địa chỉ này là Công ty TNHH MTV sản xuất – thương mại, dịch vụ – xây dựng N.H (xã Bom Bo, H.Bù Đăng, Bình Phước). Công ty này có người đại diện pháp luật là ông P.H.B, giám đốc là ông P.V.H. Ngành nghề kinh doanh chính của công ty là “bán lẻ đồ ngũ kim, sơn, kính và thiết bị lắp đặt trong xây dựng trong các cửa hàng chuyên doanh; mua bán vật liệu xây dựng”…

“Ông nói gì trước thông tin cho rằng ông là người đứng sau việc khai thác đá và xẻ đá lậu tại khu vực này?”, PV Thanh Niên hỏi ông P.V.H qua điện thoại. Ông P.V.H nói công ty của ông ở xã Bom Bo chỉ kinh doanh về vật liệu xây dựng chứ không cưa xẻ đá hay khai thác đá cây trên địa bàn H.Bù Đăng (!?). Tuy nhiên, từ những chứng cứ mà chúng tôi đã thu thập được, công ty mua bán vật liệu xây dựng của ông P.V.H chính là “đại bản doanh” tập kết và trực tiếp cưa xẻ đá cây.

Những đại công trình xẻ đồi, lấp sông khai thác đá lậu: Nhận diện những 'ông trùm'... - ảnh 3
Đá cây được xẻ thành tấm tại một nhà máy trong Cụm công nghiệp Thuận An, H.Đắk Mil, Đắk Nông  THANH NIÊN

Siêu lợi nhuận

Chia sẻ với PV Thanh Niên, ông D. (người từng là “đầu nậu” khai thác đá) cho hay khai thác đá cây trái phép là siêu lợi nhuận. Mỗi chuyến xe nhập vào nhà máy cưa xẻ đá, “đầu nậu” có thể thu về cả trăm triệu đồng. “Đá cây được phân thành 3 loại tương ứng với 3 giá khác nhau theo kích thước, quy định của từng nhà máy. Đá loại 1 có đường kính trên 80 cm, chiều dài trên 2 m có giá 1,2 triệu đồng/tấn; đá loại 2 đường kính 60 – 80 cm, dài từ 1,5 – 2 m, giá 1 triệu đồng/tấn; đá loại 3 đường kính từ 40 – 60 cm, dài 1,2 – 1,5 m, giá 800.000 đồng/tấn.

Theo ông D., bình quân mỗi xe tải chở khoảng 40 – 50 tấn, tương đương số tiền thu lợi bất chính khoảng 40 – 50 triệu đồng. Riêng xe đầu kéo chở khoảng 100 tấn đá cây, nên số tiền đá cũng trên dưới 100 triệu đồng.

Một ngày đầu tháng 5.2022, từ khu vực xã Đắk Nhau (H.Bù Đăng), chúng tôi bám theo 1 xe container chở đá cây di chuyển từ xã Đường 10 (H.Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) đến nơi tiêu thụ. Sau khoảng 7 giờ đồng hồ bám theo xe, chúng tôi lần tới Công ty TNHH N.T Đắk Nông (nằm trong Cụm công nghiệp Thuận An, H.Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông). Để tiếp cận bên trong nhà máy, chúng tôi vào vai người đi mua đá cây thành phẩm về sử dụng. Tại đây, một nữ nhân viên tên M. chào mời: “Đá cây sau khi cắt xẻ thành phẩm sẽ cho ra nhiều loại khác nhau, tùy vào kích thước từng loại sẽ có giá khác nhau. Đối với dòng đá xẻ có độ dày 5 cm thì bán theo mét khối, giá từ 17 – 18 triệu đồng/khối. Đá xẻ mỏng hơn thì bán theo mét vuông, dày từ 2 – 3 cm và đã ra quy cách thì có giá từ 400.000 – 470.000 đồng/m2, nhưng công ty chủ yếu xuất khẩu, chứ ít khi bán trong nước, khách hàng mua với số lượng lớn mới bán”.

 

Tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường

Trưa 6.5, tại nhà máy cưa xẻ đá lậu của ông H. (xã Bom Bo, H.Bù Đăng), xe máy xúc, xe ben chở đá vẫn hoạt động liên tục phía sau nhà máy. Đáng chú ý, kế đó là hồ chứa nước đục ngầu thải từ việc cưa xẻ đá trái phép tại nhà máy này.

Theo ghi nhận của nhóm PV Thanh Niên, hồ chứa có diện tích khoảng 200 m2, được đào sâu xuống, chia thành 3 ngăn có rãnh thông nhau. Chủ cơ sở lắp ống nhựa kích cỡ lớn, dẫn nước thải trực tiếp từ nhà máy ra hồ chứa này. Mỗi khi nước từ ống nhựa chảy ra, dòng nước trong bể lại thêm đục, mà hoàn toàn không có thiết bị xử lý nước.

Tại nhà máy cưa xẻ đá lậu của ông M. (xã Bom Bo) có 2 hồ chứa, mỗi hồ khoảng từ 100 – 200 m2 nằm sát nhau. Trong đó một hồ đang chứa nước có màu vàng đục, hồ còn lại nước màu trắng đục như màu bụi đá. Theo quan sát của chúng tôi, nhà máy này nằm cách tuyến đường liên xã khoảng 300 m nên rất khó phát hiện. Bể chứa nước thải ở nhà máy này thậm chí không có vách ngăn. Nước thải đục ngầu từ nhà máy dẫn qua ống nhựa trực tiếp chảy ra bể chứa rồi xả thẳng ra môi trường. Trao đổi với PV, một giám đốc của công ty chuyên xử lý nước thải cho nhiều dự án của doanh nghiệp nước ngoài ở các khu công nghiệp tại Việt Nam cho biết, đối với các nhà máy cưa xẻ đá tự nhiên thì khả năng ô nhiễm môi trường không cao nếu không sử dụng các chất phụ gia trong quá trình sản xuất, nhưng ngoài việc phải nằm xa khu dân cư, thì bắt buộc phải có giấy phép và phải thực hiện đánh giá tác động môi trường theo quy định. Vì đá tự nhiên nếu cưa xẻ và làm thành phẩm tại chỗ, ngoài việc nước thải còn phát ra tiếng ồn lớn trong quá trình cắt gọt và thải nhiều bụi đá. Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa thì nước thải trong quá trình cưa xẻ đá, sản xuất đá thành phẩm bắt buộc phải có hệ thống xử lý trước khi thải ra môi trường.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước chỉ đạo xử lý nghiêm vụ việc

Liên quan đến loạt bài điều tra Những đại công trình xẻ đồi, lấp sông khai thác đá lậu trên Thanh Niên số ra ngày 11, 12.5, ngày 12.5, UBND tỉnh Bình Phước đã có công văn khẩn chỉ đạo các đơn vị: Sở TN-MT, Công an tỉnh, UBND H.Bù Đăng và H.Bù Gia Mập kiểm tra, xử lý thông tin phản ánh trên Thanh Niên về việc khai thác khoáng sản trái phép.

“Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước yêu cầu Sở TN-MT chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, UBND H.Bù Đăng và UBND H.Bù Gia Mập khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin, báo cáo UBND tỉnh trong ngày 13.5.2022; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật (nếu phát hiện sai phạm)”, công văn của UBND tỉnh Bình Phước nêu rõ.

 

THANH NIÊN

TTO