Sông Tô Lịch lại ‘bốc mùi’ nồng nặc
Sông Tô Lịch lại ‘bốc mùi’ nồng nặc
Hà Nội chuyển mùa, tiết trời nắng nóng hơn khiến sông Tô Lịch lại bốc mùi hôi nồng nặc.
Mùi hôi thối vẫn còn rất nặng nề
Chảy qua qua nhiều quận nội thành Hà Nội, với chiều dài khoảng 14 km, bắt đầu từ phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy), đổ ra sông Nhuệ đoạn xã Hữu Hòa, H.Thanh Trì, Tô Lịch là một dòng sông quan trọng trong đời sống của người dân và mang đầy tính lịch sử. Tuy nhiên, mỗi ngày dòng sông này phải nhận trực tiếp hơn 160.000 m3 nước thải sinh hoạt của hàng triệu cư dân thành phố.
Sông Tô Lịch nơi thoát nước chính cả thủ đô MAIKHEUN BOUALAPHANH |
Với sự mong muốn làm sạch và cải tạo dòng sông Tô Lịch để hết ô nhiễm và trở thành công viên lịch sử – văn hóa – tâm linh, Hà Nội đã nỗ lực tìm ra nhiều giải pháp khác nhau để làm sạch nước, hay các đề xuất thu gom nước thải sinh hoạt xử lý tại nguồn trước khi cho chảy ra sông.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng đã đề xuất các phương án làm sạch như dùng công nghệ Nano-Bioreactor của Nhật Bản, cải tạo thành giao thông thủy kết hợp du lịch… nhưng các giải pháp xử lý đều chưa được như kỳ vọng, dòng sông vẫn bị ô nhiễm nặng.
Khảo sát của Thanh Niên trong những ngày đầu tháng 5, khi trời nắng, khí hậu nóng hơn dòng sông Tô Lịch đen ngòm, bốc lên mùi hôi nồng nặc. Ông Nguyễn Tiên Tân (đường Nguyễn Ngọc Vũ, Trung Hòa, Q.Cầu Giấy) cho biết: “Hiện nay, vấn đề rác nhựa đã đỡ hơi trước rồi nhưng mùi hôi thối còn nặng nề. Chúng tôi giờ đây chỉ mong khắc phục hết mùi hôi thối là dân chúng tôi thấy tốt lắm rồi”.
Bà Hiền, người bán bánh giò trên đường Nguyễn Khang cũng chia sẻ: “Ô nhiễm trên sông đã gây ảnh hưởng khá nhiều đến gia đình tôi. Cụ thể, vào những ngày nắng và có gió, mùi hôi thối bốc lên từ sông khiến cho mọi người rất khó chịu. Tôi và dân ở đây cũng tin tưởng và hy vọng với dự án biến nước bẩn sông Tô Lịch thành công viên lịch sử – văn hóa – tâm linh sẽ cho mọi thứ tốt hơn.”
Dọc 2 bên đường người dân tập thể dục buổi sáng gần như tắc thở. Theo anh N.X.V nhà tại Q.Ba Đình, sáng nào anh cũng đạp xe từ đầu Hoàng Quốc Việt đến hết đường Láng, nhiều đoàn rác thải đọng lại thành từng mảng lớn. Mùi hôi bốc lên không thể nào chịu được.
Nguyên nhân ô nhiễm sông Tô lịch phần lớn là những nước thải sinh hoạt chưa có hệ thống xử lí tập trung mà xả trực tiếp ra sông. Ngoài ra vẫn có một số người dân còn vứt các loại rác xuống dòng sông như túi ni lông, chai nhựa, thùng xốp…
Nước thải thoát ra toàn màu đen và bốc mùi hôi thối MAIKHEUN BOUALAPHANH |
Phải xử lý nước thải đầu nguồn
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức cho biết, qua giám sát các điểm nóng về ô nhiễm môi trường nước tập trung trên các lưu vực sông ở khu vực phía Bắc, tình trạng ô nhiễm qua các đợt quan trắc trong năm chưa có dấu hiệu được cải thiện. Điển hình như ô nhiễm trên các sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Sét… tại Hà Nội chủ yếu nhiễm hữu cơ.
Báo cáo mới nhất của Sở TN-MT Hà Nội cho thấy, lượng nước thải từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt hàng ngày tại Thủ đô vào khoảng 300.000 tấn. Đây cũng là tác nhân chính gây nên ô nhiễm môi trường nước trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, lượng nước thải sinh hoạt được xử lý trước khi xả ra môi trường chỉ chiếm khoảng 10% (tương đương 35.000 – 40.000 trên tổng 350.000 – 400.000 m3 nước thải qua xử lý).
Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Môi trường Và Cộng đồng (CECR), có tới 80/120 dòng sông, ao hồ của Hà Nội bị ô nhiễm. Trong số đó, 71% hồ có giá trị BOD5 >15mg/l vượt quá tiêu chuẩn cho phép (BOD5 là lượng oxy cần thiết để oxy hóa hết các chất hữu cơ và sinh hóa do vi khuẩn gây ra, với thời gian xử lý nước là 5 ngày ở điều kiện nhiệt độ là 20°C)…
Rác thải ứ đọng trên sông MAIKHEUN BOUALAPHANH |
TS. Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và Thích nghi biến đổi khí hậu cho rằng, giải pháp căn cơ cho vấn đề ô nhiễm sông, hồ ở Hà Nội là phải xử lý được nguồn nước thải. “Hầu hết các sông, hồ ở Hà Nội ô nhiễm là do nguồn nước thải đổ thẳng vào, nếu chính quyền quyết tâm xử lý ô nhiễm thì phải xử lý được nguồn nước thải, nếu không sẽ không có cách nào giải quyết triệt để được”, TS. Đào Trọng Tứ khẳng định.
Theo ông Tứ, nhiều nước trên thế giới đặt nặng vấn đề xử lý nước thải đầu nguồn. Các gia đình đều có hệ thống xử lý nước thải, sau đó mới đổ ra sông, hồ. “Nếu Hà Nội đặt quyết tâm xử lý ô nhiễm thì về lâu dài phải áp dụng các biện pháp “cứng rắn” như nhiều nước trên thế giới đã thực hiện, như xử lý nước thải từ đầu nguồn các gia đình, công ty…”, TS. Đào Trọng Tứ nhấn mạnh.
Gần đây, giải pháp nạo vét lòng sông để biến bùn thải sông Tô Lịch thành nguyên liệu, nhiên liệu cho sản xuất xi măng cũng đang được đặt ra, nhưng do vướng cơ chế nên vẫn chưa được thực hiện. Các chuyên gia cho rằng, chính quyền Hà Nội nên có kế hoạch căn cơ để giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm lòng sông, ô nhiễm mùi tại các sông, hồ của thành phố nói chung, sông Tô Lịch nói riêng.
TNO