Chúa Nhật IV PS C 2022: Nghe được tiếng Người
Hôm nay là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, Giáo Hội mời gọi chúng ta nghe được tiếng Chúa kêu gọi để đi theo Chúa Giêsu trên suốt đường đời của mình.
Chúa Nhật IV PS C 2022
Nghe được tiếng Người
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Lời mở
Hôm nay là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, Giáo Hội mời gọi chúng ta nghe được tiếng Chúa kêu gọi để đi theo Chúa Giêsu trên suốt đường đời của mình. Đức Giêsu nói với người Do Thái qua bài Tin Mừng: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi” (Ga 10,27). Vì thế, chúng ta cùng suy niệm về khả năng nghe và nhận biết tiếng Chúa.
1. Khả năng nghe của con người
Rất nhiều người trong chúng ta ít quan tâm đến khả năng nghe của con người nên không biết phát triển nó. Trái lại, ta còn lạm dụng nó nên đã gây nên những thiệt hại lớn lao cho mình và cho người khác.
Những khám phá của y học gần đây cho ta biết rằng từ tháng thứ 7, thai nhi trong bụng mẹ đã biết nhận ra những âm thanh quen thuộc và biểu lộ cảm giác về những âm thanh quanh nó và cả về tình trạng vui, buồn, căng thẳng hay thư giãn của người mẹ. Nếu người mẹ nghỉ ngơi, an lạc thì bào thai cũng an hoà. Nếu người mẹ lo lắng thì bào thai cũng đáp ứng với tình trạng đó (x. Bs Alice Roberts, Atlas Giải phẫn Cơ thể Người, NXB Y Học, 2015, tr.402).
Con người chúng ta biết nghe sớm hơn biết nói, một đứa trẻ sơ sinh bắt đầu hiểu các từ ngắn gọn và các mệnh lệnh căn bản như “bú”, “ngủ”, “ngoan”, “nằm” từ rất sớm, trước khi đứa trẻ biết nói. Mãi đến khi được một tuổi rưỡi, trẻ mới bắt đầu biết nói. Cha mẹ và người chăm sóc trẻ càng nói chuyện nhiều thì đứa trẻ càng phát triển về âm thanh và ngôn ngữ. Sự phát triển này là yếu tố sống còn cho khả năng tương tác với những người xung quanh đứa trẻ, cũng như giúp đứa trẻ phát triển sự hiểu biết về thế giới, phát triển các kỹ năng suy nghĩ, lý luận và giải quyết vấn đề.
Tuy nhiên, rất nhiều người chúng ta đã lạm dụng khả năng nghe của con người. Trung bình trẻ sơ sinh khóc từ 1-3 tiếng mỗi ngày. Khóc là để giúp chúng làm nở lồng phổi và các hoạt động của cơ thể còn non yếu. Nhưng người lớn chúng ta lại sợ chúng khóc và không muốn chúng khóc. Chúng ta ngắt tiếng khóc bằng cách đung đưa một vật cử động trước mắt chúng hay mở nhạc, bóp kèn để chúng chú ý. Rất nhiều người bật tivi, mở iphone, ipad cho chúng xem và nghe để cắt cơn khóc.
Đây là việc làm rất tai hại cho đứa trẻ, vì tai và mắt chúng phải thu nhận cả hàng tỉ dữ liệu âm thanh và hình ảnh vô nghĩa rồi chứa trong bộ nhớ non nớt của chúng, khiến chúng mất khả năng nói, nghe và hiểu biết, dù chúng không phải là những đứa trẻ có hội chứng tự kỷ. Chiều hôm qua, 7/5/2022, tôi đã gặp hai gia đình dẫn con đến tôi: một cháu hơn 3 tuổi, một cháu 10 tuổi. Cả hai không biết nói, dù lúc sinh ra cho đến một tuổi rưỡi các cháu là những đứa trẻ bình thường.
Người lớn chúng ta ngày nay còn lạm dụng khả năng nghe này hơn nữa. Chúng ta biết tai là một cấu trúc phức tạp, nắm giữ nhiều vai trò, bao gồm chuyển đổi các sóng âm thanh mà ta nghe thấy với biên độ dài ngắn và tần số cao thấp khác nhau, thành các xung động thần kinh, để được dẫn truyền đến vùng vỏ não thính giác, xác định vị trí âm thanh, cảm nhận được sự cân bằng và tư thế của thân thể. Vùng vỏ não thính giác ở quanh tai ta lại chuyển những xung động thần kinh này lên vùng vỏ não ngôn ngữ thành các từ ngữ với những ý nghĩa của mỗi từ và chứa vào trong bộ nhớ của ta.
Nhiều người không để yên cho não nghỉ ngơi mà nghe đủ thứ âm nhạc, những lời hội thoại trong các chương trình truyền hình, phim ảnh, những lời tục tĩu, chửi rủa, những câu nói hài hước nhảm nhí rẻ tiền… Tất cả những âm thanh đó đều được ghi nhận và chứa vào bộ nhớ trong não của con người. Do đó kho tàng âm thanh của họ đầy những lời nói tiêu cực, trong khi những lời thanh cao, tích cực chứa đựng sự thật và những giá trị tinh thần cao quý lại rất ít và bị vùi lấp trong mớ âm thanh hỗn độn kia. Vì thế, chúng ta từ nay nên dành nhiều thời gian hơn để nghe và đọc những lời hay, ý đẹp của con người, nhất là lời Chúa.
2. Khả năng nghe và nhận biết tiếng Chúa
Nếu chúng ta tìm hiểu khả năng nghe và nhật biết tiếng nói của con người, ta càng thấy kỳ diệu hơn nữa. Làm sao những xung động điện trong các dây thần kinh ở bộ não, lại chuyển hoá thành những tư tưởng cao đẹp hay xấu xa trong tinh thần của con người? Đây là cả một mầu nhiệm mà cho đến nay các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra.
Chỉ có Chúa là tinh thần tuyệt đối, mới giải thích được mầu nhiệm này vì Ngài đã dựng nên con người theo hình ảnh mình và ban cho họ tinh thần. Chỉ có Ngài mới nói cho con người và ban ơn cho họ nhận ra được tiếng nói của Ngài trong vạn vật, trong các biến cố của đời sống và lịch sử, trong lương tâm ngay chính của con người cũng như trong Thánh Kinh là phương tiện Chúa dùng để nói với họ.
Vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã nói với con người chúng ta qua chính Người Con một của Ngài là Đức Giêsu Kitô, khi cho Ngôi Lời Thiên Chúa làm người. Vì thế, Đức Giêsu là lời cụ thể của Thiên Chúa: lời sự thật và sự sống, để tất cả những ai nghe được tiếng của Người đều có thể đón nhận được sự thật và sự sống của chính Thiên Chúa. Đức Giêsu đã chứng minh mình là Lời đó qua toàn thể đời sống, qua lời giảng dạy đầy uy quyền, qua những phép lạ và nhất là qua cái chết và cuộc sống lại của Người, để những ai tin vào Người sẽ nghe được tiếng của Thiên Chúa.
Đức Giêsu nói với chúng ta hôm nay: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời. Không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi. Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10,27-30).
Quả thật, chúng ta là chiên của Đức Giêsu vì chúng ta tin vào Người. Chiên của Người thì nghe được tiếng Người vì Người ban cho ta khả năng nghe và nhận ra được tiếng của Người. Người nói với ta rằng: “Trước khi ngươi được hình thành trong lòng mẹ, ta đã biết ngươi. Trước khi ngươi lọt lòng mẹ, ta đã hiến thánh ngươi”. Người ban cho ta những ân huệ của Chúa Thánh Thần để giúp ta nghe được tiếng Chúa và bước theo con đường sự thật và sự sống.
Tuy nhiên nhiều tín hữu ngày nay đã lạm dụng khả năng nghe của mình để thu nhận vào tâm trí mình quá nhiều những âm thanh hỗn độn của tiền bạc, những lời dối trá của ma quỷ khi chiều theo những tham vọng, dục vọng, mê tín khiến cho những tiếng nói chân thực của Chúa bị lấn át và chìm sâu trong khối âm thanh hỗn độn đó.
Ngay cả việc đọc kinh hay khẩu niệm của họ cũng tràn ngập những lời vô nghĩa vì họ không đưa được những tâm tình đạo đức vào trong lời kinh. Họ không biết ngừng đọc để tạo ra những giây phút thinh lặng và lắng nghe được tiếng Chúa nói với mình. Vì thế, họ cần phải thay đổi cách đọc kinh này để biến thành giờ cầu nguyện hay tâm niệm thật sự: vừa nói chuyện với Chúa vừa biết lắng nghe Chúa nói với mình.
Lời kết
Hôm nay, nhân dịp tìm hiểu về khả năng nghe của con người, chúng ta nên dành ít thời gian mỗi ngày tìm sự thinh lặng cho tâm hồn để ta có thể nghe được lời nói chân thành của con người, cũng như nghe được tiếng nói sống động của Thiên Chúa. Amen.
HKK