25/12/2024

Trung Quốc tiến gần hơn đến việc xây dựng căn cứ khoa học trên Mặt trăng

Trung Quốc tiến gần hơn đến việc xây dựng căn cứ khoa học trên Mặt trăng

Bắc Kinh lên kế hoạch phóng 3 tàu thăm dò lên Mặt trăng nhằm thực hiện dự án xây dựng căn cứ khoa học tại đây. Động thái mới nhất này đánh dấu sự tăng tốc của Trung Quốc trong cuộc chạy đua lên không gian với Mỹ.

 

Trung Quốc tiến gần hơn đến việc xây dựng căn cứ khoa học trên Mặt trăng - Ảnh 1.

Tàu thăm dò Mặt trăng Chang’e-5 – Ảnh: CGTN

Bắc Kinh gần đây đã công bố một loạt dự án khám phá Mặt trăng đầy tham vọng, bao gồm việc xây dựng một căn cứ để các nhà khoa học trú ngụ, theo báo Asia Times.

Phó giám đốc Cục Không gian quốc gia Trung Quốc (CNSA), ông Wu Yanhua, cho biết Trung Quốc sẽ bắt đầu giai đoạn thứ tư của chương trình thăm dò Mặt trăng trong năm 2022.

Mục tiêu chính của giai đoạn này là tiến hành khám phá khoa học tại cực Nam của Mặt trăng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng vĩnh viễn một cơ sở khoa học lưu trú được trên Mặt trăng.

Chương trình thăm dò Mặt Trăng được chia thành 3 giai đoạn: Giai đoạn đầu – “Quay quanh Mặt trăng”, giai đoạn hai – “Hạ cánh xuống Mặt trăng” và giai đoạn ba – “Quay trở lại từ Mặt trăng”.

Tuyên bố của ông Wu cho thấy giai đoạn thứ tư của chương trình thăm dò Mặt trăng của Trung Quốc có thể được mô tả là “ở trên Mặt trăng”.

Chương trình thăm dò Mặt trăng nhằm phục vụ dự án căn cứ khoa học trên Mặt trăng của Trung Quốc, gồm 3 bước.

Bước 1, Trung Quốc dự kiến sẽ phóng 3 tàu thăm dò Mặt trăng: Chang’e-6, Chang’e-7 và Chang’e-8 trước năm 2030.

Tàu Chang’e-6 sẽ thu thập các mẫu từ phía xa của Mặt trăng, trong khi Chang’e-7 sẽ tìm kiếm nước và các tài nguyên khác ở cực Nam của Mặt trăng. Cuối cùng, tàu Chang’e-8 sẽ được sử dụng để kiểm tra việc sử dụng tài nguyên tại chỗ và công nghệ in 3D.

Bước 2 của dự án sẽ xây dựng trạm khoa học trên Mặt trăng.

Bước 3 sẽ tập trung vào các hoạt động tại trạm nhằm cung cấp điều kiện tốt cho các nhà khoa học toàn cầu đến nghiên cứu.

Ngoài ra, Trung Quốc đang có kế hoạch thiết lập một chòm vệ tinh xung quanh Mặt trăng cho các mục đích liên lạc và điều hướng.

Trung Quốc cũng vừa khánh thành một trung tâm hợp tác quốc tế về dữ liệu và ứng dụng vệ tinh thuộc CNSA, và một trung tâm dữ liệu – ứng dụng cho chòm vệ tinh viễn thám của các nước BRICS (bao gồm các nền kinh tế lớn mới nổi: Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi).

Với kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ tiểu hành tinh, CNSA dự kiến vào năm 2025-2026 sẽ  thử nghiệm bằng cách phóng vệ tinh giám sát và làm chệch hướng một tiểu hành tinh để tránh việc nó va vào Trái đất.

Vào tháng 1, Trung Quốc và Nga đã công bố kế hoạch thiết lập căn cứ chung trên Mặt trăng vào năm 2027 – sớm hơn 8 năm so với kế hoạch ban đầu.

Tu chính án Wolf năm 2011 cấm NASA hợp tác không gian với Trung Quốc nếu không có sự chấp thuận đặc biệt của Quốc hội Mỹ. Do đó, Trung Quốc bị loại khỏi Artemis – chương trình do Mỹ đứng đầu nhằm thiết lập sự hiện diện lâu dài trên Mặt trăng.

Nga đã từ chối tham gia Artemis và nói rằng chương trình này quá tập trung vào Mỹ.

Nga cũng quyết định rút khỏi Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) do các lệnh trừng phạt áp đặt đối với chiến dịch quân sự của Nga vào Ukraine, cắt đứt một trong số ít con đường còn lại cho hợp tác Mỹ – Nga.

GIA MINH
TTO