23/01/2025

Khách sạn trong không gian của hai trạm Voyager và Pioneer ra sao?

Khách sạn trong không gian của hai trạm Voyager và Pioneer ra sao?

Dự án của Công ty Vũ trụ Orbital Assembly (Mỹ) sẽ gồm 2 trạm vũ trụ làm khách sạn đón khách du lịch. Trạm Voyager dự kiến ​​có sức chứa 400 người và trạm Pioneer 28 người.

 

 

Khách sạn trong không gian của hai trạm Voyager và Pioneer ra sao? - Ảnh 1.

Mô hình các trạm khách sạn vũ trụ đang quay quanh Trái đất – Ảnh: ORBITAL ASSEMBLY

Trạm Voyager dự kiến ​​có sức chứa 400 người, mở cửa vào năm 2027, và trạm Pioneer chứa 28 người, có thể hoạt động sớm vào năm 2025.

Công ty Orbital Assembly cho biết, dự án nhằm thiết lập một “công viên kinh doanh” không gian, nơi tập trung các văn phòng làm việc cũng như khách sạn.

Ông Tim Alatorre, giám đốc điều hành của Orbital Assembly, nói với Đài CNN: “Mục tiêu của công ty luôn hướng tới một lượng lớn người có thể sống, làm việc và phát triển trong không gian”.

Khách sạn trong không gian của hai trạm Voyager và Pioneer ra sao? - Ảnh 2.

Các ô cửa của khách sạn vũ trụ nhìn từ không gian – Ảnh: ORBITAL ASSEMBLY

Không gian văn phòng và cơ sở nghiên cứu cũng sẽ được cho thuê trên cả trạm Pioneer và trạm Voyager.

Công ty Orbital Assembly cho biết cả hai trạm giống như một bánh xe quay xung quanh Trái đất.

Khách sạn trong không gian của hai trạm Voyager và Pioneer ra sao? - Ảnh 3.

Nhà hàng trên khách sạn vũ trụ – Ảnh: ORBITAL ASSEMBLY

Gần trung tâm của trạm sẽ không có trọng lực nhân tạo. Tuy nhiên, khi khách di chuyển xuống bên ngoài trạm, họ sẽ có cảm giác trọng lực tăng lên.

Nội thất bên trong của mỗi trạm không khác với những khách sạn hạng sang trên Trái đất, nhưng có khung cảnh không gian tuyệt vời.

Khách sạn trong không gian của hai trạm Voyager và Pioneer ra sao? - Ảnh 4.

Nội thất phòng ngủ của một trạm khách sạn vũ trụ – Ảnh: ORBITAL ASSEMBLY

Trạm Vũ trụ quốc tế ISS từng đón khách du lịch, bao gồm cả nhà du lịch vũ trụ đầu tiên trên thế giới Dennis Tito vào năm 2001. Tuy nhiên theo ông Alatorre, trạm ISS chủ yếu là nơi làm việc và nghiên cứu. Trong khi khách sạn vũ trụ của Orbital Assembly đáp ứng một ngách khác của thị trường, đó là khách du lịch.

“Chuyến đi sẽ không giống như khách đang đến một nhà máy hay đến một cơ sở nghiên cứu. Thay vào đó, du khách sẽ có trải nghiệm như đi vào một giấc mơ khoa học viễn tưởng”, ông Alatorre nói.

Khách sạn trong không gian của hai trạm Voyager và Pioneer ra sao? - Ảnh 5.

Phòng làm việc trong khách sạn vũ trụ – Ảnh: ORBITAL ASSEMBLY

Vừa qua, khi các tỉ phú “bơm” tiền vào không gian, dư luận cũng có một phản ứng dữ dội ngày càng tăng đối với du lịch vũ trụ. Với nhiều người, họ cho rằng số tiền này có thể được chi tiêu hiệu quả hơn trên Trái đất.

Đáp lại lời chỉ trích này, ông Alatorre cho rằng “rất nhiều công nghệ thay đổi cuộc sống” bắt nguồn từ việc khám phá không gian, chẳng hạn như hệ thống định vị toàn cầu GPS.

Theo ông Alatorre, mặc dù thực tế giá vé vào vũ trụ hiện rất đắt đỏ, nhưng du lịch vũ trụ sẽ không chỉ dành cho các tỉ phú.

“Chúng tôi đang làm mọi thứ có thể để khiến cho mọi người đều có thể tiếp cận được với không gian, không chỉ những người giàu có” – ông nói.

Khách sạn trong không gian của hai trạm Voyager và Pioneer ra sao? - Ảnh 6.

Phòng tập thể thao, bóng rổ trong trạm khách sạn vũ trụ – Ảnh: ORBITAL ASSEMBLY

Ông Jeffrey A. Hoffman, cựu phi hành gia NASA, nói với Đài CNN: “Du lịch vũ trụ là hoạt động thú vị, nhưng rào cản lớn là mức độ an toàn cho du khách. Chẳng hạn như việc tiếp xúc với bức xạ không gian lâu ngày sẽ nguy hiểm cho sức khỏe của họ”.

Ông Alatorre cho biết bức xạ không gian sẽ không ảnh hưởng đến du khách vì họ ở ngắn ngày, nhưng sẽ là một vấn đề đối với những người làm việc lâu dài tại các khách sạn này. Công ty cũng đang tìm các giải pháp khắc phục.

GIA MINH
TTO