23/01/2025

Vi khuẩn lao có thể tồn tại trong cơ thể người nhiễm suốt đời

Vi khuẩn lao có thể tồn tại trong cơ thể người nhiễm suốt đời

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố đánh giá tác động ngắn hạn của đại dịch Covid-19 lên số ca tử vong do lao. Kết quả cho thấy, tử vong do lao tăng đáng kể trong năm 2020.

 

 

WHO dự báo số người mắc lao có thể tăng thêm 1 triệu ca mỗi năm trong giai đoạn 2020 – 2025.

WHO cũng khuyến cáo đầu tư nhiều hơn vào việc chẩn đoán, điều trị dự phòng và chăm sóc bệnh nhân lao sẽ cứu sống thêm hàng triệu người.

 

Bệnh lao có thể gặp ở tất cả các bộ phận

Theo Chương trình chống lao quốc gia, tại Việt Nam, dịch Covid-19 làm gián đoạn hoạt động khám chữa bệnh nhiều nhất kể từ đầu năm 2020. Do đó, việc phát hiện bệnh nhân mới, công tác điều trị, đảm bảo tuân thủ điều trị thông qua hỗ trợ, giám sát, bệnh nhân lao tái khám, lĩnh thuốc… đã không được thực hiện một cách chính xác và đầy đủ.

Vi khuẩn lao có thể tồn tại trong cơ thể người nhiễm suốt đời - ảnh 1

Chương trình chống lao quốc gia đã có công văn đề nghị các địa phương củng cố hệ thống y tế phòng chống lao tại tất cả các tuyến (tỉnh, huyện, xã) song song với kế hoạch ứng phó với dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là tuyệt đối không chuyển đổi công năng điều trị Covid-19 vượt quá 50% số giường điều trị của các bệnh viện chuyên khoa.

Lao là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn mycobacterium tuberculosis gây nên. Bệnh lao có thể gặp ở tất cả các bộ phận của cơ thể như lao màng phổi, lao hạch bạch huyết, lao màng não, lao xương khớp, lao màng bụng, lao hệ sinh dịch – tiết niệu, lao ruột… Trong đó, lao phổi là thể lao phổ biến nhất (chiếm 80 – 85% tổng số ca bệnh) và là nguồn lây chính cho người xung quanh, theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội.

Các triệu chứng nghi ngờ của bệnh lao phổi: ho kéo dài trên 2 tuần (ho khan, ho có đờm, ho ra máu) là triệu chứng nghi mắc quan trọng nhất; gầy sút, kém ăn, mệt mỏi; sốt nhẹ về chiều; ra mồ hôi trộm ban đêm; đau ngực, đôi khi khó thở.

Lao phổi là bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Người bị lây bệnh do hít phải không khí có chứa vi khuẩn lao, do người mắc lao phổi giai đoạn tiến triển ho, khạc, hắt hơi ra môi trường.

 

Phân biệt người nhiễm lao và người bệnh lao

Không phải ai hít phải vi khuẩn lao cũng trở thành người bệnh lao. Do đó, có trường hợp người mang vi khuẩn lao nhưng không có dấu hiệu của bệnh – được gọi là người nhiễm lao.

Ở người nhiễm lao, vi khuẩn lao không sinh trưởng được do có sự khống chế của hệ thống miễn dịch, nó tồn tại trong cơ thể người nhiễm dưới dạng không hoạt động, nên người nhiễm lao không có khả năng truyền bệnh cho người khác.

Đáng lưu ý, vi khuẩn lao có thể tồn tại trong cơ thể người nhiễm suốt đời dưới dạng không hoạt động, nhưng chúng cũng có thể trở thành vi khuẩn lao hoạt động, gây bệnh lao, khi sức đề kháng người nhiễm lao suy giảm.

Khả năng người nhiễm lao trở thành người bệnh lao phụ thuộc vào 2 yếu tố: mức độ nhiễm nhiều hay ít (số lượng vi khuẩn hít phải) và sức đề kháng của cơ thể.

Những yếu tố thuận lợi để lao nhiễm tiến triển thành lao bệnh thường gặp ở những người suy dinh dưỡng, người sống ở không gian chật hẹp, thông khí không đầy đủ, người nghiện rượu, hút thuốc lá, đái tháo đường, AIDS và người nhiễm chủng vi khuẩn lao kháng thuốc.

 

Lưu ý cho người bệnh lao

Người bệnh lao phổi phải tuân thủ điều trị theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để tránh nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng; khả năng lây bệnh sẽ giảm mạnh khi người bệnh được điều trị từ 2 – 4 tuần.

Người bệnh lao phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác; khi ho, hắt hơi, phải che miệng.

Môi trường nơi ở của người bệnh cần đảm bảo vệ sinh: thông khí tự nhiên, tận dụng ánh nắng mặt trời càng nhiều càng tốt vì vi khuẩn lao dễ bị mất khả năng gây bệnh dưới ánh nắng mặt trời; thường xuyên phơi nắng đồ dùng cá nhân, chiếu, chăn, màn… dưới nắng mặt trời.

Lao hiện vẫn là một trong những căn bệnh truyền nhiễm gây tử vong cao trên thế giới. Mỗi ngày có hơn 4.100 người chết do bệnh lao và gần 28.000 người mắc. Kể từ năm 2000, với những nỗ lực toàn cầu nhằm chống lại bệnh lao, ước tính khoảng 66 triệu người đã được chữa khỏi. Tại VN, chấm dứt bệnh lao nghĩa là tránh đi cái chết không đáng có của hơn 10.000 người một năm và hàng trăm ngàn gia đình không phải lo lắng vì có người mắc lao.

Để phòng lao, cần thực hiện tiêm phòng bệnh lao cho trẻ sơ sinh. Trường hợp có các triệu chứng nghi mắc lao, cần đi khám sớm để phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.

(Nguồn: WHO)

LIÊN CHÂU

TNO