23/01/2025

Mưa lũ, thiên tai cuối năm sẽ phức tạp, dị thường

Mưa lũ, thiên tai cuối năm sẽ phức tạp, dị thường

Mùa mưa năm nay đến sớm và có những diễn biến phức tạp, dị thường. Dự báo lũ, ngập lụt xảy ra với tần suất cao hơn so với trung bình nhiều năm, cũng như so với mùa mưa lũ năm 2021.

 

 

Đó là chia sẻ từ ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN-MT), với Thanh Niên khi nhận định về xu thế, diễn biến thiên tai trong năm 2022.

Mưa lũ, thiên tai cuối năm sẽ phức tạp, dị thường - ảnh 1
 Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, Tổng cục Khí tượng thủy văn NVCC

Đề phòng mưa lớn cực đoan

Trong tháng 4, miền Trung có mưa lớn trái mùa hiếm gặp dị thường, dự báo mùa mưa năm nay diễn biến ra sao, thưa ông?

Ông Mai Văn Khiêm: Đợt mưa lớn xảy ở Trung bộ từ ngày 31.3 – 3.4 vừa qua là do ảnh hưởng của vùng xoáy thấp di chuyển từ khu vực giữa Biển Đông vào đất liền và nhiễu động gió đông trên cao, sau còn có thêm tác động của không khí lạnh.

Qua các dữ liệu quan trắc, chúng tôi đánh giá đây là đợt mưa lớn trái mùa hiếm gặp ở khu vực Nam Trung bộ, nhất là trong tháng 3. Đặc biệt, trong ngày 31.3, một số nơi như A Lưới (Thừa Thiên-Huế) đã có mưa 256 mm; Quảng Ngãi là 218 mm; An Nhơn (Bình Định) là 136 mm; Quy Nhơn (Bình Định) là 178 mm. Đây đều là lượng mưa 24 giờ cao kỷ lục tại các khu vực này trong cùng kỳ tháng 3.

Dự báo mùa mưa năm nay bắt đầu sớm hơn ở khu vực Bắc bộ, Tây nguyên và Nam bộ. Cụ thể, trong các tháng mùa mưa bão, Bắc bộ dự báo mưa nhiều, cao hơn lượng mưa trung bình nhiều năm và đề phòng các đợt mưa lớn có khả năng xảy ra từ khoảng tháng 6 – 8. Đặc biệt ở Trung bộ, dự báo tổng lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm và khả năng sẽ xuất hiện các đợt mưa lớn gây lũ và ngập lụt xảy ra trong các tháng cuối năm, cụ thể là tháng 10 – 11.

Mưa lũ, thiên tai cuối năm sẽ phức tạp, dị thường - ảnh 2
Sạt lở trên quốc lộ 28B (đoạn qua Bình Thuận) do mưa lớn  THÀNH CÔNG

Bão ít hơn nhưng lũ nhiều, diễn biến phức tạp

Dự báo năm nay sẽ có bao nhiêu cơn bão, áp thấp nhiệt đới xuất hiện trên Biển Đông có thể ảnh hưởng đến thời tiết nước ta?

Đa số cơn bão, áp thấp nhiệt đới đi vào Biển Đông và ảnh hưởng đến thời tiết nước ta đều xuất phát từ vùng biển tây bắc Thái Bình Dương. Đáng lưu ý, mùa bão trên khu vực tây bắc Thái Bình Dương xuất hiện sớm. Trung bình ngày xuất hiện bão đầu tiên trên tây bắc Thái Bình Dương là 14.4. Nhưng năm nay, tây bắc Thái Bình Dương đã ghi nhận cơn bão đầu tiên, sớm nhất là bão Malaska ngày 6.4, kế tiếp là cơn bão Megi ngày 9.4.

Nhận định của chúng tôi là từ tháng 5 đến tháng 11 có khoảng 10 – 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông. Trong đó, khoảng 4 – 6 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới có khả năng ảnh hưởng đến đất liền nước ta. Đáng lưu ý trong năm La Nina thì cần cảnh giác, nguy cơ sẽ xuất hiện những cơn bão mạnh, nguy hiểm và diễn biến rất phức tạp.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo gì về lũ, ngập lụt trong những tháng tới?

 

Mưa lớn gây sạt lở đá xuống quốc lộ 28B

Rạng sáng 1.5, sau cơn mưa lớn kéo dài suốt đêm, đất đá trên núi đổ xuống quốc lộ 28B, đoạn qua Km 41+100 thuộc xã Phan Lâm, H.Bắc Bình (Bình Thuận), khiến giao thông qua khu vực này bị gián đoạn. Đến chiều tối cùng ngày, khối lượng đá bị sạt lở xuống đường mới được di dời xong.

Trận mưa lớn vào đêm 30.4 kéo dài đến sáng 1.5 cũng làm cho quốc lộ 28, đoạn qua H.Hàm Thuận Bắc nối với Di Linh (Lâm Đồng), ngập nước nặng. Cụ thể, tại đoạn đi qua xã Hàm Chính, nước ngập sâu và tràn qua đường chảy xiết gây khó khăn cho người lưu thông. Nhiều người bị nước cuốn trôi ngã ra đường, hỏng xe máy.

Quế Hà

Nhận định chung về lũ và ngập lụt trong năm nay ở nhiều khu vực xấp xỉ trung bình nhiều năm và cao hơn năm 2021. Cụ thể, dự báo đỉnh lũ năm nay trên các sông ở Bắc bộ phổ biến ở mức báo động (BĐ) 1 – BĐ2, cao hơn đỉnh lũ năm 2021, riêng các sông suối nhỏ từ BĐ2 – BĐ3. Các đợt lũ lớn phổ biến tập trung vào nửa cuối mùa lũ (tháng 8).

Còn tại Trung bộ, Tây nguyên, lũ trên các sông ở khu vực Bắc Trung bộ, Tây nguyên khả năng đến sớm hơn trung bình nhiều năm. Ở khu vực Trung Trung bộ, Nam Trung bộ xuất hiện tương đương trung bình nhiều năm. Trong đó, đỉnh lũ năm 2022, tại hạ lưu các sông chính từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh ở mức BĐ1 – BĐ2, xấp xỉ và cao hơn năm 2021. Các sông từ Quảng Bình đến Bình Thuận và khu vực Tây nguyên đỉnh lũ ở mức BĐ2 – BĐ3, có sông trên BĐ3, tương đương đỉnh lũ trung bình nhiều năm.

Ở Nam bộ, mùa lũ 2022 trên sông Mê Kông khả năng đến sớm hơn so với trung bình nhiều năm nhưng chưa có dấu hiệu xuất hiện lũ lớn ở đồng bằng sông Cửu Long. Dự báo đỉnh lũ năm 2022 ở đầu nguồn sông Cửu Long ở mức BĐ1 và trên BĐ1, thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,3 – 0,5 m.

PHAN HẬU

TNO