23/11/2024

Trung Quốc thử nghiệm vắc xin chống biến thể Omicron

Trung Quốc thử nghiệm vắc xin chống biến thể Omicron

Công ty công nghệ sinh học Suzhou Abogen Biosciences (Trung Quốc) cho biết ngoài UAE, họ đã liên hệ với các cơ quan quản lý ở Trung Quốc và một số nước khác để thử nghiệm lâm sàng vắc xin chống lại Omicron và các dòng phụ của biến thể này.

 

 

Trung Quốc thử nghiệm vắc xin chống biến thể Omicron - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: REUTERS

Công ty công nghệ sinh học Suzhou Abogen Biosciences của Trung Quốc ngày 30-4 thông báo loại vắc xin ngừa COVID-19 tiềm năng do công ty này và đối tác là Walvax Biotechnology bào chế dựa trên công nghệ mRNA đã được chấp thuận thử nghiệm lâm sàng ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).

Hiện Abogen cùng các hãng dược phẩm Pfizer/BioNTech (của Mỹ và Đức) và Moderna (Mỹ) đang “chạy đua” trong nỗ lực thử nghiệm các loại vắc xin tiềm năng đặc hiệu, nhằm ngăn chặn Omicron – một biến thể của virus SARS-CoV-2 được các nhà khoa học đánh giá là có khả năng lây nhiễm cao và “né” được các kháng thể được tạo ra bởi các loại vắc xin sẵn có.

Theo Abogen, ngoài UAE, công ty này cũng đã liên hệ với các cơ quan quản lý ở Trung Quốc và một số quốc gia khác về việc thử nghiệm lâm sàng vắc xin chống lại Omicron và các dòng phụ của biến thể này.

Vắc xin mRNA do Abogen đồng phát triển cùng Walvax Biotechnology và được một tổ chức nghiên cứu do quân đội Trung Quốc hậu thuẫn cũng đang được thử nghiệm giai đoạn 3 ở Trung Quốc, Mexico và Indonesia.

Ngoài ra, Walvax Biotechnology cũng đang hợp tác với công ty khởi nghiệp RNACure (có trụ sở tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc) nhằm phát triển một vắc xin mRNA tiềm năng khác – tuy cũng nhắm mục tiêu vào biến thể Omicron, nhưng có công thức bào chế khác với loại hợp tác cùng Abogen.

Trước đó, hai loại vắc xin đặc hiệu chống Omicron của Sinopharm và Sinovac – vốn là các vắc xin bất hoạt hoặc tiêu diệt virus – đã được thử nghiệm lâm sàng tại khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) và Trung Quốc đại lục. UAE cũng đã phê duyệt các thử nghiệm lâm sàng đối với hai loại vắc xin bất hoạt đặc hiệu này.

Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đại lục đã tiêm ngừa COVID-19 cho hơn 88% trong số 1,4 tỉ người đủ điều kiện tiêm chủng tại nước này với các loại vắc xin không bào chế theo công nghệ mRNA.

Trung Quốc đã không chấp thuận sử dụng bất kỳ loại vắc xin nào do quốc gia khác bào chế, mặc dù dữ liệu thực tế cho thấy hai sản phẩm do Trung Quốc sản xuất được sử dụng nhiều nhất – của Sinopharm và Sinovac – có hiệu quả ngừa bệnh COVID-19 thấp hơn so với hai loại vắc xin mRNA của Pfizer/BioNTech và Moderna.

TTXVN
TTO