Nước sông Mekong cao bất thường giữa mùa khô, ĐBSCL chịu tác động gì?
Nước sông Mekong cao bất thường giữa mùa khô, ĐBSCL chịu tác động gì?
Nước sông Mekong dâng cao bất thường trong mùa khô do các đập thuỷ điện trên sông Mekong tăng xả. Việc này giúp Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giảm hạn mặn nhưng về lâu dài có nhiều tác động tiêu cực.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, tổng lượng dòng chảy từ tháng 1 đến tháng 2-2022, dòng chảy trên sông Mekong biến đổi chậm, từ đầu tháng 3 dòng chảy trên sông Mekong tăng mạnh do đập thủy điện ở Trung Quốc tăng xả.
Nước cao hơn trung bình 20%
Trong 15 ngày đầu tháng 4, lượng dòng chảy về đầu nguồn sông Cửu Long có xu thế tăng dần và ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Dự báo, 15 ngày cuối tháng 4, lượng dòng chảy về đầu nguồn sông Cửu Long có xu thế tăng dần và ở mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 15 – 20%. Tổng lượng dòng chảy về đầu nguồn sông Cửu Long từ tháng 4 đến tháng 6 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 20 – 30%.
Theo Văn phòng thường trực Ủy ban sông Mekong, dự báo mực nước ngày lớn nhất tại trạm Tân Châu trong tháng 4 có khả năng sẽ dao động trong khoảng từ 1,2m đến 1,5m, cao hơn cùng kỳ năm 2021. Tổng lưu lượng trong tháng qua hai trạm Tân Châu và Châu Đốc có thể sẽ dao động quanh mức 5.500m3/s. Tổng lượng dòng chảy tháng qua hai trạm này được nhận định sẽ ở mức từ 12,6 đến 14,3 tỉ m3, tương đương trung bình nhiều năm và lớn hơn cùng kỳ năm 2021 khoảng 25%.
Viện Khoa học thủy lợi miền Nam (Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, Bộ NN&PTNT) dự báo dòng chảy bình quân về ĐBSCL từ tháng 4 đến cuối mùa khô ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, do ảnh hưởng của xả nước gia tăng từ thủy điện Trung Quốc và hạ lưu vực Mekong. Điều này sẽ có tác động tích cực đến giảm xâm nhập mặn ở các tháng 4 và 5 nếu không có gì bất thường từ vận hành giảm xả nước ở các thủy điện.
Bốn nguy cơ
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 20-4, ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái vùng ĐBSCL, nhận định nước sông Mekong trong mùa khô năm 2022 cao hơn bình thường do các đập thủy điện trên sông Mekong tích nước nhiều trong mùa mưa năm 2021. Cuối mùa nước năm 2021 thì 45 đập đã gần đầy nước. Đến mùa khô năm 2022, các đập thủy điện trên lưu vực xả nước để phát điện làm cho dòng chảy mùa khô trên sông Mekong cao hơn bình thường.
Theo ông Thiện, tác động tích cực trước mắt là làm giảm hạn mặn cho ĐBSCL. Tuy nhiên, tác động tiêu cực rất nhiều, ảnh hưởng lâu dài, khó thấy hơn.
Thứ nhất, việc xả lũ trong mùa khô làm cho dòng chảy lũ bị yếu đi, không còn đủ sức mạnh để tải phù sa, cát về ĐBSCL nữa. Chúng ta biết phù sa, cát về ĐBSCL chủ yếu là nhờ dòng nước mạnh vào tháng 7, 8, 9. Nay vì các đập tích nước thì dòng nước không còn đủ mạnh nữa. Việc thiếu phù sa gây nguy cơ sạt lở ở ĐBSCL ngày càng gia tăng gây tổn thất về sạt lở, mất nhà cửa, tài sản, tính mạng của người dân ngày càng trầm trọng hơn.
Thứ hai, việc tích nước mùa lũ làm biến mất mùa lũ, đất đai bạc màu, biến mất nguồn thủy sản tự nhiên mùa lũ.
Thứ ba, việc xả lũ trong mùa khô từng đợt làm cho mực nước biến động bất thường, làm hệ sinh thái bị rối loạn.
Thứ tư, việc xả nước giúp đẩy hạn mặn cho ĐBSCL nhưng làm cho người dân ở ĐBSCL không yên với việc xả bất thường.
“Người ta dễ lầm tưởng thủy điện có tác dụng tốt cho đồng bằng, trong khi thực tế về lâu dài tác hại rất nghiêm trọng nên cần nhìn bức tranh cho đầy đủ” – ông Thiện nói.
Kiểm tra độ mặn trước khi tưới
Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, nguồn nước cho sản xuất ở mùa kiệt năm nay hiện ở mức thuận lợi hơn so với năm 2020 – 2021. Xâm nhập mặn ở tháng 4 có xu thế giảm dần. Tuy vậy, các khu vực ven biển, cửa sông vẫn còn ảnh hưởng của xâm nhập mặn, nhất là vào những ngày triều cao.
“Để phòng tránh các thiệt hại do hạn mặn gây ra, các địa phương cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý chuyên ngành về lịch mùa vụ, cơ cấu cây trồng, các vùng cách biển 30 – 35km nên chờ nguồn nước ngọt trên sông ổn định hoặc mưa diện rộng mới xuống giống vụ hè thu tiếp theo. Đồng thời phối hợp với các đơn vị quản lý và khai thác công trình thủy lợi, cập nhật lịch vận hành, tranh thủ lấy ngọt (khi độ mặn ngoài sông cho phép) để tích trữ nước ao, ruộng, mương liếp. Đặc biệt, khi tưới cho cây trồng, nhất là khu vực trồng cây ăn quả (Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng…) cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn trước khi tưới” – đại diện Viện Khoa học thủy lợi miền Nam khuyến cáo.