23/12/2024

Đức TGM Welby: Kế hoạch tị nạn của Vương quốc Anh và Rwanda đối nghịch với bản chất của Thiên Chúa

Đức TGM Welby: Kế hoạch tị nạn của Vương quốc Anh và Rwanda đối nghịch với bản chất của Thiên Chúa

Người đứng đầu Giáo hội Anh giáo cho rằng chính phủ Anh có kế hoạch đẩy lùi người di cư và người xin tị nạn bằng cách đưa họ ra bên ngoài Vương quốc Anh. Đề xuất này cũng đã vấp phải sự chỉ trích từ các tổ chức nhân quyền và người tị nạn.

Đức TGM Canterbury đã lên tiếng phản đối một kế hoạch của chính phủ Anh nhằm từ chối hàng chục nghìn người di cư, xin tị nạn và gửi họ đến quốc gia Đông Phi Rwanda.

Trong bài giảng Lễ Phục Sinh của mình, Đức Tổng Giám mục Justin Welby đã phản ứng trước đề xuất được xem là thiếu sự quan tâm đến những người buộc phải di rời khỏi đất nước của chính họ. Ngài nói rằng có “những câu hỏi thuộc về đạo đức liên quan đến việc đẩy những người xin tị nạn sang một nước khác” và kế hoạch được công bố tuần trước của Thủ tướng Boris Johnson và Bộ trưởng Nội vụ Priti Pattel không thể chấp nhận trước sự phán xét của Thiên Chúa.

Ngài nói rằng với tư cách là một quốc gia được hình thành bởi các giá trị Kitô giáo, “việc giao khoán trách nhiệm của chúng ta, ngay cả cho một quốc gia đang tìm cách làm tốt việc này, như Rwanda, là điều đối nghịch với bản chất của Thiên Chúa”.

Hiệp định giữa Vương quốc Anh và Rwanda

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã công bố đề xuất này vào thứ Năm tuần trước, và nói rằng chính phủ đã đạt được một hiệp định với Rwanda, do đó ​​một số người đến Vương quốc Anh bất hợp pháp, như vượt biển, sẽ được gửi đến quốc gia Đông Phi, nơi đây đơn xin tị nạn của họ sẽ được xử lý.

Ông Johnson biện minh rằng, điều này sẽ hạn chế việc mạo hiểm tính mạng khi vượt qua eo biển Manche, đồng thời sẽ khiến các băng nhóm buôn người không hoạt động được nữa.

Chỉ riêng năm ngoái, hơn 28.000 người di cư đã vào Vương quốc Anh qua eo biển Manche. Hàng chục người đã chết khi cố vượt qua eo biển, trong đó vào tháng 11 có 27 người đã chết khi chiếc thuyền của họ bị lật.

Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm thực hiện thỏa thuận với Rwanda cho biết, Anh đã giải quyết cho hàng trăm nghìn người tị nạn từ khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, báo cáo lưu ý rằng thế giới đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng di cư toàn cầu trên quy mô chưa từng có và cần có sự thay đổi để khắc phục hệ thống tái định cư như hiện tại.

Lễ Phục sinh, thời gian của hy vọng và đổi mới

Phát biểu tại Nhà thờ Canterbury vào Chủ nhật, Đức Tổng Giám mục Welby nhấn mạnh Lễ Phục Sinh là “mùa của sự sống và hy vọng, của sự ăn năn và làm mới lại”.

Ngài nói thêm, sự phục sinh của Chúa Giêsu “đảm bảo với mỗi dân tộc, mỗi nạn nhân và những người sống sót rằng những bất công, tàn ác, những việc làm xấu xa và những thể chế vô nhân đạo của thế giới này sẽ không phải là tiếng nói cuối cùng”.

Phản ứng của người tị nạn và các nhóm nhân quyền

Một số tổ chức tị nạn và nhân quyền đã chỉ trích kế hoạch tị nạn, mô tả điều này là vô nhân đạo và lãng phí tiền thuế của người dân.

Trong một tuyên bố, Tổ chức phục vụ người Tị nạn của Dòng Tên (JRS) tại Vương quốc Anh nói rằng kế hoạch của chính phủ cho thấy “sự xem thường cách hèn nhát nhân tính và phẩm giá con người” vì kế hoạch này “quay lưng lại với những người đang tìm kiếm một nơi trú ẩn, khước từ họ mà không cần suy xét đến các ước muốn của họ”.

“Hơn nữa, kế hoạch này cắt đứt các tuyến đường dành cho người tị nạn đang cần tìm một nơi trú ẩn và định cư tại Anh. Họ bỏ qua mọi cảm thức bận tâm đến người tị nạn”, JRS tại Vương quốc Anh cho biết và gọi kế hoạch này là “tàn nhẫn và vô nhân”.

JRS tiếp tục phàn nàn về việc xây dựng các bức tường thay vì các cây cầu trước làn sóng di cư, đồng thời cầu nguyện cho “sự hoán cải khẩn thiết và thay đổi đường lối.” JRS nói: “Là những Kitô hữu, chúng ta phải cảm thấy kinh hoàng trước việc mất đi cảm thức chung về nhân loại”.

Cũng vậy, Cao uỷ Tị nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) đã bày tỏ sự phản đối về thoả thuận này, và nói rằng nó “trái với văn bản và tinh thần của Công ước về người tị nạn”.

Cơ quan tị nạn kêu gọi cả hai nước cùng suy xét lại kế hoạch trên và cảnh báo rằng các thỏa thuận hướng ra bên ngoài như thế này sẽ chỉ làm gia tăng rủi ro cho người tị nạn bởi vì họ sẽ tìm kiếm các con đường khác và gây thêm áp lực đối với các quốc gia nơi đầu tuyến.

Vatican News

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/world/news/2022-04/ke-hoach-ti-nan-cua-vuong-quoc-anh-va-rwanda.html