23/01/2025

Động đất bất thường ở Kon Tum liên quan việc thủy điện tích nước ?

Động đất bất thường ở Kon Tum liên quan việc thủy điện tích nước ?

Động đất xảy ra ở H.Kon Plông (Kon Tum) có tần suất, cường độ gia tăng bất thường khi hồ thủy điện Thượng Kon Tum đi vào tích nước nhưng cần có nghiên cứu, quan trắc số liệu để đánh giá chính xác.

 

 

Thuỷ điện tích nước, động đất tăng vọt

Ngày 19.4, tại Hà Nội, ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng ban Ban Chỉ đạo (BCĐ) quốc gia về phòng chống thiên tai (PCTT), Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT (Bộ NN-PTNT), chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành T.Ư, các cấp chính quyền địa phương tỉnh Kon Tum nhằm đánh giá diễn biến động đất liên tục xảy ra ở Kon Tum trong những ngày qua.

Thông tin tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, cho biết từ năm 1903 – 2020, H.Kon Plông chỉ xảy ra 33 trận động đất với cường độ không mạnh. Nhưng từ năm 2021 đến ngày 18.4, số trận động đất xảy ra ở địa bàn này tăng bất thường với 169 vụ được ghi nhận. Đặc biệt những ngày gần đây có những trận động đất mạnh. Cụ thể, động đất xảy ra ngày 15.4 có cường độ 4,1 độ richter, ngày 18.4 có cường độ 4,5 độ richter.

Động đất bất thường ở Kon Tum liên quan việc thủy điện tích nước ? - ảnh 1
Thôn Đăk Tăng, xã Đăk Tăng, H.Kon Plông (Kon Tum), nơi người dân cảm nhận được sự rung lắc nhiều nhất của động đất trưa 18.4

Các trận động đất liên tiếp xảy ra từ tháng 3.2021 đến nay, cũng là thời điểm hồ thủy điện Thượng Kon Tum bắt đầu tích nước. Theo đánh giá sơ bộ, động đất ở Kon Tum có khả năng là động đất kích thích, giống như trường hợp thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam) trước đây, sau khi tích nước thì lập tức xảy ra động đất liên tiếp.

Ông Nguyễn Xuân Anh cho biết, ở khu vực H.Kon Plông đang có 3 trạm quan trắc nhưng cần thiết phải đặt thêm 2 trạm nữa để có dữ liệu quan trắc tốt hơn, đồng thời tiến hành nghiên cứu về hệ thống đứt gãy của khu vực có liên quan đến việc tích nước của các hồ. Bởi vì mực tích nước, tốc độ tích nước của các hồ đều liên quan đến hoạt động động đất, vì thế phải có thêm các dữ liệu quan trắc để đánh giá, so sánh.

Nhận định trong thời gian tới, ông Anh cho biết, Viện Vật lý địa cầu từng có nghiên cứu và mời tư vấn Nhật Bản đánh giá thì động đất ở H.Kon Plông khó vượt quá độ lớn 5,5 độ richter. “Chúng tôi nhận định sơ bộ, động đất khu vực thủy điện mạnh 5 – 5,5 độ richter nhưng phải dựa vào các số liệu quan trắc, nghiên cứu thì mới đánh giá chính xác được”, ông Nguyễn Xuân Anh nói.

 

Thuỷ điện thượng Kon Tum không được phép tích nước thêm

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Trần Quang Hoài cho rằng diễn biến động đất trên địa bàn tỉnh Kon Tum vừa qua là rất bất thường, đặc biệt đã ghi nhận trận động đất có cường độ lớn nhất trong lịch sử từ trước đến nay. Thời gian tới, động đất nếu tiếp tục gia tăng thì ảnh hưởng rất lớn đến an toàn các công trình, đặc biệt là hồ chứa xung yếu hiện đã tích đầy nước và nếu có sự cố xảy ra thì sẽ thành thảm họa. Với địa bàn H.Kon Plông, Viện Vật lý địa cầu có nhận định động đất mạnh nhất có thể tới 5,5 độ richter thì ngay từ lúc này UBND tỉnh Kon Tum và chính quyền địa phương cần chủ động xây dựng các phương án ứng phó, không để bị động, bất ngờ khi có tình huống xảy ra.

Ông Hoài cũng nhấn mạnh, nguyên nhân ban đầu được các nhà khoa học nhận định động đất có liên quan đến hoạt động tích nước của hồ thủy điện Thượng Kon Tum. “Ngay từ bây giờ, hồ thủy điện Thượng Kon Tum không được phép tích nước thêm, dù đang là mùa khô nhưng diễn biến thời tiết vừa qua cho thấy vẫn có khả năng xảy ra mưa trái mùa, nếu tích nước sẽ có nguy cơ kích hoạt động đất trong khu vực. Đây là yêu cầu bắt buộc”, ông Hoài nói.

Ông Hoài lưu ý, động đất liên tục xảy ra ở Kon Tum trong những ngày qua sẽ có tác động đến các công trình hồ, đập xung quanh. Theo đó, BCĐ quốc gia về PCTT yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan chức năng, đơn vị quản lý các công trình hồ, đập phải tổng kiểm tra, rà soát chất lượng của các công trình hồ thủy lợi, đập thủy điện để kịp thời phát hiện các sự cố, dấu hiệu nguy hiểm nếu có từ tác động của các trận động đất, để kịp thời sửa chữa cũng như sẵn sàng phương án ứng phó trong mùa mưa lũ sắp tới.

Động đất bất thường ở Kon Tum liên quan việc thủy điện tích nước ? - ảnh 2
Công trình thủy điện Thượng Kon Tum khi tích nước  ĐỨC NHẬT

Người dân lo lắng

Xã Đăk Tăng (H.Kon Plông) nằm sát bên lòng hồ thủy điện Thượng Kon Tum. Đây là nơi người dân cảm nhận được sự rung lắc nhiều nhất của động đất. Một ngày sau trận động đất mạnh 4,5 độ richter (xảy ra trưa 18.4), PV Thanh Niên trở lại xã Đăk Tăng để ghi nhận những lo lắng người dân sống trong vùng đất động.

Bà Y Xuân (49 tuổi, ở thôn Đăk Tăng, xã Đăk Tăng) cho biết, trước đây gia đình bà nằm trong diện di dời do ảnh hưởng của lòng hồ thủy điện Thượng Kon Tum. Năm 2016 gia đình bà chuyển lên khu tái định cư Đăk Tăng, xã Đăk Tăng. Tưởng sẽ được ổn định cuộc sống, nhưng khoảng một năm nay bà Xuân cảm nhận sự rung lắc do động đất, nền nhà của bà xuất hiện vết nứt dài hơn 1 m.

“Mấy hôm nay nhà tôi rung liên tục. Đêm cũng không dám ngủ vì sợ nhà sập, ảnh hưởng đến tính mạng. Ban ngày lên rừng làm, thấy đất dưới chân rung chuyển, cây cối cũng rung theo, chúng tôi sợ cây đổ rồi mất mạng”, bà Xuân nói.

Tại xã Đăk Nên (H.Kon Plông) cũng thường ghi nhận tình trạng rung lắc nhà cửa, động đất. Thầy Hà Minh Tuệ, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Đăk Nên (xã Đăk Nên), cho biết từ khoảng tháng 4.2021 đến nay, trên địa bàn thường xuyên xảy ra động đất, làm rung lắc các phòng học. Từ đầu năm 2022 đến nay, các trận rung lắc xảy ra ngày một nhiều.

“Lâu nay cứ rung lắc liên tục, như một vụ nổ gì đó. Còn hôm 18.4 thì nó rung lâu hơn. Nhà trường và phụ huynh mong muốn chính quyền địa phương tìm hiểu rõ nguyên nhân và có phương án xử lý, để giáo viên và học sinh yên tâm”, thầy Tuệ cho hay.

Theo Ban Chỉ huy PCTT – TKCN – Phòng thủ dân sự H.Kon Plông, từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn xảy ra 169 trận động đất. Riêng từ năm 2022 đến nay, huyện này ghi nhận 53 trận động đất. Các trận động đất có cấp độ rủi ro thiên tai từ cấp 0 đến cấp 1, có độ lớn chủ yếu dưới 4,5 độ richter. Riêng trận động đất xảy ra lúc 12 giờ 54 ngày 18.4 là 4,5 độ richter được đánh giá là mạnh nhất từ trước tới nay ở huyện này. Nhiều tiếng nổ lớn làm nhà cửa, cây cối rung chuyển khiến người dân hoảng sợ. Dư chấn của trận động đất trưa 18.4 còn lan sang các địa phương lân cận như Gia Lai, Đắk Lắk, Bình Định…

Do ảnh hưởng của các trận động đất, 4 phòng ở bán trú của học sinh và 1 phòng ở của giáo viên tại Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Đăk Nên bị nứt. Còn tại Trường tiểu học Đăk Ring, vách tường phòng hiệu trưởng và các phòng học có nhiều vết nứt, từ 1 – 3 mm.

Chiều 19.4, ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, cho biết trong ngày này, tỉnh Kon Tum đã dự họp với BCĐ quốc gia về PCTT về hiện tượng động đất bất thường, liên tục xảy ra trong những ngày qua tại Kon Tum. Từ báo cáo tổng hợp, sắp tới sẽ có các đoàn đi khảo sát. Sau khi có kết quả mới công bố nguyên nhân cụ thể. Tỉnh đang chỉ đạo các ngành, các địa phương bám sát tình hình thực tiễn để có phản ứng kịp thời.

PHAN HẬU – ĐỨC NHẬT

TNO