23/01/2025

TGM của Addis Ababa: Hy vọng vào các cuộc đàm phán hoà bình tại Ethiopia

TGM của Addis Ababa: Hy vọng vào các cuộc đàm phán hoà bình tại Ethiopia

Đức Hồng y Berhaneyesus Souraphiel, người Ethiopia, hy vọng rằng các cuộc đàm phán đang diễn ra sẽ giúp chấm dứt cuộc nội chiến ở Tigray. Đồng thời ngài bày tỏ mối bận tâm trước các cuộc khủng hoảng nhân đạo rất nghiêm trọng đã đang xảy ra ở Ethiopia.

Đức Thánh Cha Phanxicô liên tục mời gọi thế giới nhìn đến “những cuộc chiến bị quên lãng”, chẳng hạn như cuộc chiến đang diễn ra tại Ethiopia trong nhiều tháng nay. Trong cuộc phỏng vấn với Vatican News, Đức Hồng y Berhaneyesus Souraphiel, Tổng Giám mục của Tổng Giáo phận Addis Ababa, người đứng đầu Giáo hội Ethiopia, trích dẫn lời của Đức Thánh Cha, đã nói về cuộc khủng hoảng nhân đạo đang ảnh hưởng đến quốc gia Ethiopia do nội chiến và nạn đói. Đức hồng y cầu nguyện cho “các cuộc đàm phán đang diễn ra sẽ dẫn tới một nền hoà bình lâu dài”.

Cần một sự hỗ trợ nhân đạo tức thì

Thực tế, “chiến tranh và nạn đói” đang dẫn Ethiopia đến một cuộc khủng hoảng và có nguy cơ không thể quay trở lại. Mọi chuyện bắt đầu từ 4/11/2020, ngày xảy ra cuộc xung đột giữa Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray (TPLF) và quân đội Ethiopia. Đức Hồng y Souraphiel nói rằng tình hình tại đây vẫn nghiêm trọng dẫu cho đã có những cải thiện khi các cuộc đàm phán đã bắt đầu. Hiện có hơn 2 triệu người phải di dời, hàng nghìn người thiệt mạng do hậu quả của cuộc xung đột, và hàng triệu người Ethiopia đang cần được hỗ trợ nhân đạo.

Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha

Đức hồng y nhắc lại những lời kêu gọi hoà bình và chống chiến tranh gần đây, trong đó ngài đề cập đến lời kêu gọi của Đức Thánh Cha khi ban phép lành Urbi et Orbi trong dịp Lễ Giáng Sinh năm 2021. Đức Thánh Cha đã cầu xin Thiên Chúa “giúp đất nước này tìm ra con đường hoà giải và hoà bình thông qua các cuộc đàm phán cởi mở, trong đó đặt nhu cầu của người dân lên hàng đầu”. Một lần gần đây, vào ngày 27 tháng 2, sau khi đọc Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha đã kêu gọi thế giới nhớ đến “những cuộc chiến có nguy cơ bị quên lãng”. Bên cạnh cuộc chiến tại Ucraina, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người đừng quên “những cuộc chiến đang diễn ra ở những nơi khác trên thế giới, như ở Yemen, ở Syria và ở Ethiopia. Hãy làm cho tiếng ầm vang vũ khí im lặng! Thiên Chúa ở với những ai xây dựng hoà bình, không phải với những kẻ sử dụng bạo lực”.

Theo Đức Hồng y, những lời kêu gọi của Đức Thánh Cha “có một giá trị lớn”. Ngài nnói: “Chúng tôi cảm ơn Đức Thánh Cha vì đã nhớ đến Ethiopia, nơi đang diễn ra những cuộc xung đột và nội chiến. Chúng tôi rất biết ơn sự quan tâm và lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha trước tình trạng đất nước Ethiopia.”

Tình hình hiện tại của Ethiopia

Theo Đức Hồng y, hiện tại, không có chiến tranh hay giao tranh như trước đây vài tháng. Bây giờ mọi sự đã bắt đầu đỡ hơn vì các cuộc đàm phán đang được tiếp tục giữa chính phủ liên bang và chính quyền khu vực, cơ quan chính quyền. Chúng tôi hy vọng rằng cuộc đàm phán đang diễn ra này sẽ dẫn đến một nền hoà bình lâu dài. Tuy nhiên, bất cứ khi nào có chiến tranh và xung đột, chính dân thường là người phải chịu thiệt hại lớn nhất. Không chỉ những người dân vùng Tigray chịu thiệt hại trong các cuộc xung đột, nhưng điều này cũng lan ra phía ngoài vùng Tigray, đến các vùng lân cận khác như Amhara và Afar. Mọi người đang ở tạm tại những khu vực di dời, chịu đói khát và ảnh hưởng từ sự xung đột này.

Cần sự hỗ trợ từ các tổ chức bên ngoài

Theo Đức Hồng y, “tình hình nhân đạo ở Tigray ngày càng trở nên tồi tệ hơn, vì hành lang nhân đạo được Liên Hiệp Quốc, chính phủ, và các cơ quan khác vận hành để cung cấp lương thực vào đất nước đôi khi bị chặn lại và chúng tôi không biết ai đứng đằng sau những hành động ấy”. Điều này đã khiến cho nỗi khổ của người dân ngày càng gia tăng. Đức Hồng y cho biết thêm: “Với tư cách là Hội đồng Giám mục Công giáo Ethiopia, chúng tôi đưa ra lời kêu gọi hỗ trợ từ mạng lưới Công giáo trên thế giới, đặc biệt qua Caritas Quốc tế. Hai tuần trước, chúng tôi đã xin tiền để hỗ trợ cho những người đang cần sự giúp đỡ, không chỉ ở Tigray, mà còn ở các vùng lân cận. Hạn hán cũng trở nên tồi tệ hơn do biến đổi khí hậu. Có thể nói rằng, chúng tôi đang có một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn và mọi người đều cần được hỗ trợ.” Cuối cùng, Đức Hồng y hy vọng rằng “sự viện trợ sẽ không thiếu hụt để tình trạng hiện tại sẽ không trở thành một nạn đói”.

Vatican News

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/world/news/2022-04/tong-giam-muc-ethiopia.html