Một gia đình người Nga và một gia đình Ucraina cùng vác Thánh Giá tại Đấu trường Colosseo
Một gia đình người Nga và một gia đình Ucraina cùng vác Thánh Giá tại Đấu trường Colosseo
Cuộc chiến ở Ucraina ngày nay là một “đường thập giá” nơi tiếng kêu đau thương của những nạn nhân và người tị nạn, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em, thách thức trái tim của mỗi người, đặc biệt là của những người có thể và phải thúc đẩy hoà bình.
Vatican News có cuộc trò chuện với Irina, y tá người Ucraina làm việc tại Trung tâm Chăm sóc Giảm đau có tên “Cùng nhau Chăm sóc” của Bệnh viện Đại học Đa khoa Campus Bio-Medico ở Roma, và với Albina, sinh viên người Nga, tại Khoa Điều dưỡng của Đại học Campus Bio-Medico. Tiếng nói của họ, hàng ngày gần gũi với những người đau khổ, thể hiện cùng một niềm hy vọng về hoà bình. Thế giới cần hoà bình và tình yêu.
Sau đây là chia sẻ của sinh viên Albina
** Albina thân mến, cuộc chiến ở Ucraina là một bi kịch mà ngày nay cũng mang lại đau thương sâu đậm cho nước Nga. Ngoài nỗi đau vô cùng đối với người dân Ucraina bị ảnh hưởng bởi bom đạn còn phải kể đến nhiều binh sĩ Nga, thường còn rất trẻ, chết do hậu quả của cuộc xung đột. Nỗi đau của những bà mẹ, của cả gia đình. Người dân Ucraina đang đau khổ, người dân Nga đang đau khổ. Cả nhân loại đang phải hứng chịu cuộc chiến này…
– Người ta thậm chí không thể tưởng tượng có bao nhiêu mối quan hệ gia đình giữa hai dân tộc Ucraina và Nga: có rất nhiều người Nga sống ở Ucraina và có rất nhiều người Ucraina sống ở Nga. Đó là một bi kịch ảnh hưởng đến cả hai dân tộc. Tôi chắc chắn rằng cả người dân Nga và người dân Ucraina đều không muốn cuộc chiến này. Mọi người đều muốn một cuộc sống bình thường.
** Albina, bạn đến Ý vào năm 1998 và ngày nay bạn là sinh viên năm thứ ba của Khóa Điều dưỡng tại Đại học Campus Bio-Medico của Roma. Tình bạn của bạn với Irina, một y tá người Ucraina, bền chặt hơn bất kỳ lối lý luận gây chia rẽ nào mà chiến tranh muốn áp đặt. Ngay cả hai dân tộc Ucraina và Nga, bất chấp chiến tranh, vẫn là những dân tộc anh em…
– Chúng tôi đã gặp nhau trong thời gian thực tập, vào năm ngoái, tại Trung tâm Chăm sóc Giảm nhẹ “Cùng nhau Chăm sóc” của Tổ chức Bệnh viện Đại học Bio-Medico Campus ở Roma. Tôi cảm thấy sự hỗ trợ tuyệt vời từ chị ấy. Ngay bây giờ, dân tộc của Irina cần sự hỗ trợ này. Với một người bạn của tôi, cũng là người Ucraina, chúng tôi đã gửi viện trợ cho các gia đình khó khăn ngay cả trước chiến tranh. Hiện chúng tôi đang tổ chức một trường mẫu giáo để giúp đỡ các gia đình tị nạn ở Ucraina. Ngay bây giờ, nhiều y tá chăm sóc giảm nhẹ và đồng nghiệp của khóa học đang giúp thúc đẩy việc thu thập đồ dùng học tập, nhu yếu phẩm cơ bản. Điều này cũng nhấn mạnh rằng cuộc sống của mỗi người quý giá như thế nào đối với các nhân viên chăm sóc sức khoẻ [như] chúng tôi. Lòng nhân đạo của khoa này là không có giới hạn. Và những biểu hiện của tình người mạnh mẽ hơn nhiều so với bất kỳ cuộc chiến nào.
** Trong khóa đào tạo của bạn tại Bio-Medico Campus, bạn chăm sóc những người đau yếu nhất. Đức Thánh Cha Phanxicô thường tố cáo nền văn hoá vứt bỏ vốn đặt những người dễ bị tổn thương nhất ở bên lề. Ngược lại, ví dụ như sự cam kết của các nhân viên y tế các bạn cho thấy, chúng ta luôn có thể chăm sóc người khác, ngay cả khi thương tật và bệnh tật dường như lấy đi tất cả hy vọng…
Chúng tôi cần giúp đỡ tất cả mọi người không phân biệt quốc gia và màu da. Đặc biệt ở khu chăm sóc giảm nhẹ có rất nhiều ý nghĩa trong cuộc sống. Bệnh nhân của chúng tôi dạy chúng tôi rất nhiều. Trung tâm chăm sóc giảm nhẹ này nhằm đảm bảo chất lượng chăm sóc tốt hơn cho bệnh nhân ở giai đoạn nặng của bệnh. Người ta có thể nghĩ rằng trong giai đoạn cuối không có gì để làm nữa. Ngược lại, có rất nhiều việc phải làm: nỗi đau có thể được xoa dịu bằng cách khôi phục phẩm giá cho con người, lấy con người làm trọng tâm. Bộ môn này dạy chúng ta rất nhiều điều về giá trị sống của con người.
** Trong thời khắc gay cấn mà châu Âu đang trải qua này, bạn đã nói một câu: “Tôi là người Nga và tôi yêu Ucraina.” Lý tưởng nhất là cụm từ này có thể được người dân Nga nói với tất cả người dân Ucraina…
– Họ là hai quốc gia anh em và tôi tin rằng trong một tương lai không xa, tình bằng hữu và tình yêu giữa hai dân tộc sẽ được thể hiện nhiều hơn một lần.
** Từ ngữ “cùng nhau” có ý nghĩa gì đối với bạn hôm nay vào thời điểm mà một lối lý luận khác dường như đang chiếm ưu thế, một logic muốn tách biệt. Được ở bên nhau, chia sẻ cụ thể những hy vọng của bạn với Irina thì quan trọng như thế nào?
– Nói chuyện với Irina và một người bạn, tôi nói về nỗi sợ hãi khi thể hiện bản thân và được phỏng vấn: Tôi cảm thấy tự tin và mạnh mẽ hơn rất nhiều khi có chị ấy bên cạnh. Sức mạnh mà chúng tôi trao cho nhau là một chỗ dựa tinh thần. Việc ở bên nhau là điều rất quan trọng để vượt qua bất kỳ khó khăn nào. Tôi tin rằng trong tương lai gần, giống như tôi và Irina, Nga và Ucraina cũng sẽ học cách chung sống hòa bình, hỗ trợ lẫn nhau. Sống như một gia đình. Thế giới không cần chiến tranh, mà là hòa bình.
** Mong rằng ngày này đến càng sớm càng tốt. Trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, trong buổi ngắm Đàng Thánh Giá do Đức Giáo hoàng chủ sự, bạn sẽ cầu xin Chúa điều gì, trong lòng bạn?
– Tôi cầu nguyện cho hoà bình, tôi cầu nguyện cho Ucraina. Tôi cầu nguyện cho những người thân của tôi và mọi chuyện kinh hoàng này sẽ sớm qua đi. Thế giới cần hoà bình và tình yêu. Hai dân tộc anh em này sẽ chứng minh điều đó.
Thêm vào những chia sẻ của sinh viên Albina là chứng từ của cô y tá Irina, người Ucraina.
** Irina, cuộc chiến ở đất nước của bạn là một đường thập giá nhắc nhở chúng ta rằng vũ khí chỉ mang lại sự huỷ diệt như thế nào, ngay cả giữa các dân tộc anh em như Ucraina và Nga. Bi kịch chiến tranh gieo rắc chết chóc và tàn phá nhưng một ngày nào đó, chúng tôi hy vọng, như đồng nghiệp người Nga Albina của bạn cũng đã nói, các dân tộc Ucraina và Nga một lần nữa sẽ sớm trở thành những dân tộc anh em như trước khi xảy ra xung đột…
– Chúng tôi hy vọng điều này với cả tấm lòng của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng rằng hoà bình có thể trở lại và trên hết là hoà bình giữa các dân tộc của chúng tôi. Cuộc xung đột này không được người dân mong muốn. Chúng tôi là anh em. Chúng tôi là hai dân tộc thân thiết với nhiều điểm chung. Những gì chúng tôi đang thấy là bạo lực vô cùng. Chúng tôi có nhiều điểm chung: gia đình, tình bạn. Rất nhiều mối quan hệ gắn kết các dân tộc của chúng tôi. Cuộc chiến này đang phá huỷ những gì mà các dân tộc chúng tôi đã xây dựng nên với biết bao hy sinh. Tôi không nghĩ cuộc chiến này có thể phá vỡ mọi mối quan hệ. Giữa chúng tôi có những mối ràng buộc quá bền chặt.
** Các dân tộc Ucraina và Nga phải quay trở lại theo con đường của tình huynh đệ và bằng hữu, những tình cảm như những gì đã gắn kết bạn và Albina. Tiếng nói của các bạn hôm nay liên kết với nhau, được nói cùng nhau để gìn giữ những mong manh nhất và cùng nhau vươn lên để cầu xin hoà bình…
– Tình bạn của chúng tôi được nảy sinh trong khoa chăm sóc giảm đau “Cùng nhau Chăm sóc”. Cuộc gặp gỡ của chúng tôi diễn ra ở một nơi rất tế nhị này. Ngay từ giây phút đầu tiên, mối quan hệ của chúng tôi đã rất tự nhiên. Tình bạn này được sinh ra một cách tự nhiên. Và do đó, mỗi lần chúng tôi gặp nhau, đó là một cảm xúc. Khi chúng tôi gặp nhau ngay sau khi chiến tranh bắt đầu, Albina đã đến khoa bệnh và tôi đang làm nhiệm vụ. Cái nhìn của chúng tôi là đủ: đôi mắt của chúng tôi đầy nước mắt. Tôi luôn xúc động khi nhớ rằng Albina đã bắt đầu nói lời xin lỗi. Tại thời điểm đó thực sự không thể an ủi cô ấy. Tôi không thể an ủi cô ấy. Cô ấy cảm thấy có lỗi và xin lỗi. Tôi trấn an cô ấy rằng cô ấy không liên quan gì đến tất cả những chuyện này.
** Bạn đến Ý vào năm 2004. Bạn là y tá của Trung tâm Chăm sóc Giảm nhẹ “Cùng nhau Chăm sóc” của Đại học Campus Bio-Medico ở Roma. Trong công việc của bạn, bạn đã phải đối mặt và tiếp tục đối mặt với tình trạng khẩn cấp của Covid. Và, đặc biệt, bạn hỗ trợ những người bị bệnh giai đoạn cuối. Gần gũi với những đau khổ của những người thấy mình đang vác thập giá thì có ý nghĩa gì?
– Thời điểm chiến tranh này làm tăng thêm đau khổ này. Ở bên cạnh những người đang đau khổ trong giai đoạn mong manh của cuộc đời, do bệnh nặng, là một sự trợ giúp rất tinh tế. Những người đang trong giai đoạn này được hỗ trợ từ tất cả các quan điểm. Chúng tôi cố gắng giảm bớt đau khổ, điều trị nỗi đau, mang lại chất lượng cuộc sống cho người đó và gia đình người đó.
** Từ “cùng nhau” có nghĩa gì đối với bạn vào thời điểm mà một lối lý luận khác dường như đang thịnh hành, đó là sự phân chia?
– Từ này cũng đồng hành với tôi trong công việc của tôi và chắc chắn, tại thời điểm này, chúng tôi có thể làm được rất nhiều điều cùng nhau. Nhân loại phải đoàn kết với nhau để cố gắng tìm kiếm hoà bình và giải pháp cho tất cả những gì đang xảy ra.
** Chúng ta hãy nói đến ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, đến Đàng Thánh Giá. Bạn sẽ xin Chúa điều gì vào ngày đó?
– Tôi chắc chắn sẽ hết lòng cầu nguyện cho hoà bình, cho tất cả nhân loại, cho tất cả những người đau khổ và cho những người đã thiệt mạng mà không thể có người thân bên cạnh.
Hồng Thuỷ
Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2022-04/gia-dinh-nguoi-nga-ucraina-vac-thanh-gia-dau-truong-colosseo.html