23/12/2024

Trên 3 triệu trẻ em Việt cần chăm sóc sức khoẻ tinh thần

Trên 3 triệu trẻ em Việt cần chăm sóc sức khoẻ tinh thần

Nhiều học sinh đang bị tổn thương tinh thần là vấn đề được các chuyên gia, nhà giáo dục chia sẻ tại toạ đàm về giải pháp đối với vấn đề sức khoẻ tinh thần cho học sinh do Uỷ ban Văn hoá – Giáo dục của Quốc hội tổ chức hôm nay 8-4.

 

 

Trên 3 triệu trẻ em Việt cần chăm sóc sức khỏe tinh thần - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội, cho biết sẽ đồng hành với Chính phủ trong việc sửa luật phòng chống bạo lực gia đình – Ảnh: VĨNH HÀ

Trên 3 triệu trẻ cần chăm sóc sức khỏe tinh thần

Đây là con số khảo sát được bà Nguyễn Thị Thanh An – chuyên gia về các chính sách xã hội và quản trị của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) – chia sẻ tại tọa đàm.

Trong một nghiên cứu về sức khỏe tinh thần đối với trẻ em đang được UNICEF thực hiện, bà Thanh An cho biết nhóm đối tượng từ 10 – 19 tuổi đang có nhiều vấn đề về sức khỏe tinh thần rất đáng quan tâm. Trong số này, tinh trạng trẻ tự hại, tự tử là một trong những nguyên nhân chiếm tỉ lệ cao dẫn tới tử vong ở lứa tuổi trẻ vị thành niên.

Theo khảo sát của UNICEF trong phạm vi nghiên cứu này, có 330 trẻ ở vùng Tây Bắc có ý định tự sát, trong đó 70 trẻ đã tử vong – bà Thanh An cho biết thêm.

Ông Khuất Văn Quý – phó vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch – cung cấp một con số khác rất đáng suy nghĩ là có 5,14 – 5,66% số trẻ em ở 63 tỉnh, thành bị bạo lực. Thống kê từ năm 2017 đến nay, tình trạng này chưa có những thay đổi tích cực rõ rệt.

Ông Quý cũng chia sẻ một con số nghiên cứu có đến 60% trong số trẻ em được khảo sát gặp khó khăn, áp lực học tập; 42% không có kỹ năng tiếp cận Internet an toàn; khoảng 48% cho rằng mình bị áp lực do giãn cách xã hội vì dịch bệnh, trong số này nhiều em cho biết đã bị bạo lực tinh thần, khoảng 32% nói không được gia đình quan tâm…

Ông Nguyễn Trọng Khoa – phó cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế – cho biết thêm có đến 14% số trẻ ở quãng 10 – 19 tuổi có dấu hiệu rối loạn tâm lý. Trong đó tình trạng tự tử ở trẻ em đứng thứ 4 trong số những nguyên nhân dẫn tới tử vong.

Các chuyên gia trên đều thống nhất áp lực học tập và kỷ luật khắc nghiệt của gia đình là những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tình trạng tổn thương tâm lý trẻ em.

Ngoài ra, những tác động tiêu cực từ xã hội, từ mạng Internet, sự thờ ơ không quan tâm, thiếu kỹ năng làm cha mẹ cũng là những nguyên nhân liên quan đến tình trạng tổn thương tinh thần của trẻ.

 

Trường bảo khám, phụ huynh khăng khăng “nó giả vờ”

Tại tọa đàm, bà Nguyễn Thị Mai Hoa – phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội – cho biết: “Chúng tôi sẽ đồng hành với Chính phủ trong việc sửa luật phòng chống bạo lực gia đình, hoàn thiện pháp lý để có thể giải quyết triệt để những nguyên nhân sâu xa ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần trẻ em.

Ngay sau tọa đàm này, chúng tôi sẽ phân tích các ý kiến, cái gì mang tính cấp bách cần có tác động ngay sẽ chuyển đề nghị đến các cơ quan chức năng. Những vấn đề cần nghiên cứu sẽ tiếp tục được đặt ra ở những diễn đàn tham vấn ý kiến chuyên gia trong thời gian tới”.

“Phòng ngừa, phát hiện và can thiệp sớm trước khi xảy ra hậu quả đáng tiếc” là hướng giải pháp được đại diện Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đặt ra. Trong đó, người có thể phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường ở trẻ chính là cha mẹ và thầy cô giáo.

Bà Mai Hoa kể một câu chuyện khác: một học sinh đã nói với bố mẹ sau sự việc nam sinh nhảy lầu rằng “Con cũng đã có lúc muốn làm điều đó, nhưng con sợ đau nên chưa dám”.

Sau thổ lộ này, bố mẹ của em học sinh đó tá hỏa, siết chặt quản lý, thậm chí khi con vào trường thì bố mẹ ngồi cổng chờ. Câu chuyện đó cho thấy những tiềm ẩn nguy cơ có thể xuất hiện ở nhiều đứa trẻ, chỉ có điều em nào đã làm, em nào không dám và em nào được can thiệp, giúp đỡ kịp thời mà thôi.

Một thực tế được các chuyên gia chỉ ra là nhiều phụ huynh không chỉ thiếu thời gian quan tâm mà còn thiếu kiến thức.

“Một trường hợp học sinh của tôi bị trầm cảm phải đề nghị phụ huynh phối hợp đưa trẻ đi điều trị. Nhưng phụ huynh lại khăng khăng: ‘Nó giả vờ đấy, nó vẫn ăn mấy bát cơm, vẫn xem ti vi, chỉ khi nào phải học mới mệt thôi'”, cô Nguyễn Thị Thu Anh, giáo viên Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), kể lại.

Cô cho rằng hiện nay nhiều người đã rất quan tâm tới rèn luyện thể chất cho con nhưng lại coi nhẹ và không hiểu biết về sức khỏe tinh thần.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh An, trước thực trạng hiện nay, rất cần có những nghiên cứu bài bản về các biểu hiện khác nhau liên quan tới sức khỏe tinh thần trẻ em. Trong đó, cần chỉ rõ trách nhiệm của cha mẹ, của nhà trường, của toàn xã hội.

“Một hệ thống cung cấp dữ liệu, kết nối trực tuyến giữa ngành giáo dục, y tế, lao động – thương binh và xã hội… rất cần thiết để trong những tình huống cấp bách có thể hỗ trợ ngay lập tức, tránh hậu quả xấu có thể xảy ra” – bà Thanh An đề nghị.

Tại tọa đàm, đại diện Vụ Chính trị và công tác học sinh sinh viên (Bộ GD-ĐT) cũng đặt ra một khó khăn là lực lượng tư vấn tâm lý học đường trong các nhà trường bị thiếu hụt và không ổn định. Có những giáo viên vừa được tập huấn để làm công tác tư vấn học đường xong thì năm sau không làm nữa.

Theo đại diện vụ này, nhu cầu tập huấn, bổ sung kiến thức về tư vấn tâm lý học đường rất lớn vì không chỉ nhân viên tư vấn tâm lý mà cả giáo viên cũng rất cần có kiến thức về tâm lý lứa tuổi trong bối cảnh đang có nhiều diễn biến phức tạp tác động đến đời sống tinh thần học sinh.

VĨNH HÀ
TTO