Thuật toán mới có thể phát hiện người dùng Twitter bị trầm cảm
Thuật toán mới có thể phát hiện người dùng Twitter bị trầm cảm
Các nhà khoa học đã phát triển một thuật toán mới có thể phát hiện chứng trầm cảm ở người dùng Twitter, với độ chính xác khoảng 90%.
Phát hiện trên có thể mở đường cho các nền tảng truyền thông xã hội chủ động “gắn cờ” quan tâm đến sức khỏe tâm thần với người dùng.
Theo tạp chí IEEE Trans Transaction on Affective Computing, thuật toán xác định trạng thái tinh thần của người dùng Twitter bằng cách trích xuất và phân tích 38 điểm dữ liệu.
Các dữ liệu này được lấy từ hồ sơ công khai của người dùng, bao gồm nội dung bài đăng, thời gian đăng bài của họ và tương tác của những người dùng khác trong mạng xã hội.
Đồng tác giả nghiên cứu, ông Abdul Sadka, giám đốc Viện Tương lai kỹ thuật số thuộc Đại học Brunel London (Anh), cho biết: “Chúng tôi đã thử nghiệm thuật toán trên hai cơ sở dữ liệu lớn và đánh giá kết quả của chúng tôi so với các kỹ thuật phát hiện trầm cảm khác. Trong mọi trường hợp, nghiên cứu của chúng tôi đã vượt trội hơn các kỹ thuật hiện có về độ phân loại chính xác mức độ trầm cảm”.
Các nhà khoa học cho biết một số lượng lớn những người mắc chứng trầm cảm tiềm ẩn trên khắp thế giới đã không tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp. Nguyên do bao gồm nhiều yếu tố, trong đó bản thân người bệnh không nhận thức được tình trạng tâm thần của mình và cả sự kỳ thị của xã hội. Điều này dẫn đến “sự chậm trễ nghiêm trọng trong việc chẩn đoán và điều trị”, theo báo The Independent.
Các nhà khoa học cho biết: “Trong nghiên cứu này, việc xác định trầm cảm ở giai đoạn đầu bằng cách khai thác các hành vi xã hội trực tuyến là khả thi”. Họ đã sử dụng khoảng 80% thông tin trong mỗi cơ sở dữ liệu để xử lý bằng thuật toán và dữ liệu còn lại để kiểm tra độ chính xác của nó.
Sau khi chạy qua cơ sở dữ liệu, thuật toán sẽ xem xét 38 yếu tố khác biệt – chẳng hạn như cách sử dụng từ tích cực và tiêu cực của người dùng, số lượng bạn bè và người theo dõi họ, cũng như cách họ sử dụng biểu tượng cảm xúc – để ước tính trạng thái tinh thần và cảm xúc của người dùng.
Các nhà khoa học cũng cho biết thuật toán này có thể được phát triển thêm và được sử dụng cho một số ứng dụng như phân tích tình cảm và điều tra tội phạm.
Tuy nhiên, từ nghiên cứu này đặt ra câu hỏi về quyền riêng tư của dữ liệu và sự cần thiết phải có sự đồng ý của người dùng trước khi dữ liệu công khai của họ được sử dụng để phân tích.
Tiến sĩ Huiyu Zhou, một đồng tác giả khác của nghiên cứu từ Đại học Leicester (Anh), cho biết: “Giai đoạn tiếp theo của nghiên cứu này sẽ là kiểm tra tính hợp lệ của nó trong các môi trường hoặc bối cảnh khác nhau. Mặt khác, công nghệ thu được từ cuộc điều tra này có thể được phát triển thêm cho các ứng dụng khác, chẳng hạn như thương mại điện tử, kiểm tra tuyển dụng hoặc sàng lọc ứng cử viên”.
“Thuật toán được đề xuất độc lập với các nền tảng, vì vậy cũng có thể dễ dàng mở rộng cho các hệ thống truyền thông xã hội khác như Facebook hoặc WhatsApp”, tiến sĩ Zhou nói thêm.
GIA MINH
TTO