‘Núi’ nước trên sông Mê Kông đe doạ vụ lúa hè thu
‘Núi’ nước trên sông Mê Kông đe doạ vụ lúa hè thu
“Núi” nước là hình ảnh hiện lên trên đồ thị theo dõi mực nước trên sông Mê Kông của dự án MDM. Sự bất thường của dòng nước theo quy trình đóng xả của các đập thủy điện thượng nguồn khiến Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) hết sức lo lắng cho vụ lúa hè thu đang xuống giống.
“Núi” nước
Dự án MDM (Mekong Dam Monitoring), chuyên theo dõi diễn biến đóng xả các đập thủy điện trên sông Mê Kông cho biết: Tuần từ ngày 28.3 – 3.4, có 5/6 đập lớn nhất trong hệ thống đã xả ra hơn 50 triệu m3 nước vào tuần trước. Ước tính đập Xe Pian Xenamnoy (Lào) đã mất khoảng 25% dung tích hữu ích vào tuần rồi do sự cố cửa xả lũ. Tổng cộng có 17 trong số 45 đập được giám sát đã xả nước vào tuần trước.
Diễn biến mực nước sông Mê Kông trong tháng 3 hiện lên trên đồ thị như một ngọn “núi” MDM |
Việc xả đập đang giữ mực nước sông cao hơn mức dòng chảy tự nhiên. Tại Chiang Saen (Thái Lan) có 66% lượng nước vượt mức theo mô hình dòng chảy tự nhiên còn tại Viêng Chăn (Lào) có khoảng 30% lượng nước vượt mức. Trong tuần qua, ngay cả tại trạm Châu Đốc (Việt Nam) mực nước sông cũng cao hơn khá nhiều so với trung bình nhiều năm, có ảnh hưởng của thủy triều.
Tương tự, báo cáo cập nhật của MRC (Ủy hội sông Mê Kông quốc tế) nhận định: Trong tuần qua, dọc theo hạ lưu sông Mê Kông ở Chiang Saen (Thái Lan) mực nước giảm khoảng 0,44 m nhưng vẫn cao hơn 0,81 m so với trung bình nhiều năm và được coi là bất thường. Trên khu vực Biển Hồ (Tonle Sap) tăng 0,5 m, gần với giá trị cực đại của chúng. Dự báo trong tuần tới, mực nước sông tiếp tục tăng ở khu vực Thái Lan và Lào. Còn trên địa phận Campuchia và Việt Nam sẽ giảm. Cụ thể tại Kompong Cham của Campuchia sẽ giảm đến 0,75 m, nhưng vẫn cao hơn trung bình nhiều năm.
Tổng hợp ngắn về tình hình xả nước trong tháng 3 của các đập thủy điện thượng nguồn sông Mê Kông, báo cáo của MDM viết: Dữ liệu của MRC tại Chiang Saen (Thái Lan) cho thấy một “núi” nước được xả ra và sau đó bị hạn chế lại bởi các đập ở thượng nguồn của Trung Quốc. Đỉnh điểm từ ngày 7 – 13.3, có 16 trong số 45 con đập được giám sát đã xả nước. Đáng chú ý, riêng đập Nọa Trác Độ và Tiểu Loan đã xả tổng cộng 2 tỉ mét khối nước xuống hạ lưu. Tuần trước đó, các con đập này cũng đã xả gần 1 tỉ mét khối. Sau đó, các đập thượng nguồn đã giảm mạnh lượng xả. Ngoài các đập của Trung Quốc, vào nửa cuối tháng 3 dòng sông Mê Kông ghi nhận sự đóng góp một lượng lớn nước từ các đập của Lào.
Mực nước sông ở Việt Nam đang cao hơn so với trung bình nhiều năm nhưng không ổn định MDM |
Giữa tháng 3, thời điểm thủy điện Trung Quốc xả hàng tỉ mét khối nước xuống hạ lưu sông Mê Kông làm mực nước sông nhiều nơi tăng 2 mét so với dòng chảy tự nhiên. “Đập Tiểu Loan và đập Nọa Trát Độ đã xả nước chậm lại, nhưng các đập của Trung Quốc vẫn chứa hơn 60% dung tích hữu ích. Trong lịch sử, hầu hết lượng nước này được giải phóng vào mùa khô. Nếu lượng nước này được giải phóng trong những tuần hoặc tháng tới, sẽ có một đợt tăng và giảm tương tự thậm chí lớn hơn những gì đã từng quan sát trong tháng 3”, báo cáo của MDM cho biết.
Bất ổn nguồn nước cho lúa hè thu
Tại một hội thảo về sản xuất lúa vụ hè thu cuối tuần qua, ông Lê Thanh Tùng, Cục phó Cục Trồng trọt nói: Vụ hè thu ở ĐBSCL là vụ khó nhất trong năm vì điều kiện thời tiết không thuận lợi, nguồn nước hạn chế và luôn xảy ra tình trạng thiếu nước vào đầu vụ. Thông thường, người dân đợi khi nào nước về nhiều ổn định mới bắt đầu sản xuất. Tuy nhiên nguồn nước năm nay lại rất bất thường. Hiện nay đầu vụ rất cao vì Trung Quốc đang xả mạnh. Nhưng họ lúc xả lúc đóng làm ảnh hưởng rất lớn đến sự ổn định nguồn nước. “Chúng tôi rất lo vì có thể nhiều người dân thấy nước nhiều nghĩ là nó ổn định nên yên tâm xuống giống. Nhưng có thể vài tuần sau lại xảy ra tình trạng thiếu nước, khô hạn. Cục cũng theo dõi rất sát vấn đề về nguồn nước để kịp thời khuyến cáo cho bà con nông dân. Thật sự vụ hè thu năm nay có thể bà con sẽ đối mặt với nhiều rủi ro hơn các năm trước”, ông Tùng nói.
CHÍ NHÂN
TNO