Tiệm bánh PizzAut do người tự kỷ điều hành ở Ý
Tiệm bánh PizzAut do người tự kỷ điều hành ở Ý
Khi đến tiệm bánh này, đầu tiên các thiếu niên được đào tạo, được học với các chuyên gia tâm lý và giáo dục tuỳ theo độ tuổi và thể trạng của mỗi em. Đồng thời các em được hướng dẫn tham gia vào hoạt động điều hành tiệm bánh. Qua hoạt động này các em sẽ cảm nhận được sự cân bằng với thế giới xung quanh.
Ông Nico Acampora, năm nay 50 tuổi là người sáng lập dự án PizzAut. Trước khi tạo lập tiệm bánh Pizza, Nico chưa bao giờ làm bánh, nhưng như ông nói, chính vì là cha của một trẻ tự kỷ mà ông đã quyết định tạo dựng tiệm bánh này. Nico chia sẻ: “Tôi là cha của Leo, một trẻ tự kỷ và bánh Pizza là một sự cứu rỗi cho chúng tôi. Lo ngại về những phản ứng không thể đoán trước được của Leo khiến chúng tôi ngại đi ăn tối ở các nhà hàng. Để không đánh mất cơ hội gặp gỡ hoà nhập với xã hội, chúng tôi bắt đầu mời bạn bè đến ăn tối tại nhà chúng tôi. Từ đó tiệm bánh được hình thành.”
Tiệm bánh có ý tưởng từ năm 2018. Nico cho biết để tiệm bánh có được như ngày hôm nay, ông và các cộng tác viên là các cha mẹ của các trẻ tự kỷ đã phải nỗ lực hết mình. Bởi vì thực tế các em tự kỷ không dễ hiện diện nơi công cộng, và không dễ để dạy các em làm bánh.
Khi biết ý tưởng của Nico và các cộng tác viên, nhiều nhà hàng đã sẵn sàng giúp đỡ họ trong mọi sự, từ hỗ trợ vốn đến dạy cho các em. Rồi đại dịch đến, dường như kế hoạch bị dừng lại, nhưng Nico vẫn quyết tâm thực hiện. Tuân thủ các quy tắc phòng chống dịch, Nico đã phát minh ra một xe chở bánh pizza và chế biến ngay tại chỗ. Khi đại dịch tạm ổn, Nico và các thiếu niên tự kỷ đã cắt băng khai trương nhà hàng PizzAut, với hàng trăm chỗ ngồi, và cả một khu vực dành cho những thực phẩm không chứa gluten. Về điều này, ông Nico nói: “Nhiều người tự kỷ không dung nạp được gluten, vì thế trong trường hợp này sự tôn trọng sức khoẻ người tự kỷ cũng là tôn trọng các thực khách.”
Điều tuyệt vời là nhà hàng này được xây dựng dành cho người tự kỷ nhưng cảm giác như được hoà chung nhịp sống với mọi người xung quanh. Một điều quan trọng không kém đó là không gian bình an không ồn ào, điều thường gây kích động sự nhảy cảm của người tự kỷ. Để làm được điều này, Nico đã phải thiết kế các bức tường cách âm, với những cánh cửa có hệ thống không tạo ra tiếng ồn khi đóng mở, các loại máy chế biến thức ăn cũng phải thiết kế giảm tiếng ồn. Ánh sáng vừa đủ không gây khó chịu cho người tự kỷ. Đồ dùng không bằng thuỷ tinh, để không gây kích động, cũng không bằng nhựa một lần để bảo vệ môi trường, nhưng bằng nhựa polypropylen (nhựa PP) không dễ đập vỡ, và tôn trọng môi trường.
Vào thứ Sáu 01/4 vừa qua, trong buổi tiếp kiến của Đức Thánh Cha dành cho Tổ chức Người Tự kỷ của Ý, ông Nico Acampora và các thiếu niên tự kỷ cũng có mặt.
Tinh thần vì người khác, đặc biệt vì những người có hoàn cảnh đặc biệt của ông Nico và các cộng tác viên là điều đã được Đức Thánh Cha nhắc đến trong bài nói chuyện. Ngài nói: “Tình trạng khuyết tật, dưới mọi hình thức, là một thách đố nhưng cũng là một cơ hội để xây dựng một xã hội bao gồm mọi người và văn minh hơn, trong đó các gia đình, giáo chức và các hiệp hội, như hội của anh chị em, không bị bỏ mặc một mình, nhưng được nâng đỡ. Vì thế, cần tiếp tục gây ý thức về những khía cạnh khác nhau của tình trạng khuyết tật, phá đổ các thành kiến và thăng tiến một nền văn hóa bao gồm và thuộc về cộng đoàn, dựa trên phẩm giá con người… Phẩm giá của những người mong manh và dễ bị tổn thương, quá nhiều khi bị gạt ra ngoài lề, vì bị gán cho nhãn hiệu khác biệt hoặc vô ích, nhưng trong thực tế họ là một sự phong phú lớn cho xã hội.”
Đức Thánh Cha nói thêm: “Anh chị em biết rõ điều đó, và hôm nay, anh chị em muốn nói lên điều ấy bằng một cử chỉ: lát nữa đây, tại Quảng trường thánh Phêrô, một số người tự kỷ sẽ làm bếp và cống hiến bữa ăn trưa cho những anh chị em nghèo. Đó là một sáng kiến chứng tỏ lối sống và hành động của người Samari nhân lành, đó là lối sống của Chúa: gần gũi, cảm thương, dịu dàng.”
Sau buổi tiếp kiến, tại Quảng trường Thánh Phêrô, PizzAut đã có buổi phục vụ bữa ăn cho người nghèo sống xung quanh khu vực.
Hiện diện trong ngày này, Sr. Veronica Donatello, Phụ trách về Ban Quốc gia dành cho người khuyết tật của Hội đồng Giám mục Ý hy vọng rằng, chứng kiến khả năng chia sẻ với người khác của các em tự kỷ phải làm cho chúng ta có cái nhìn mới, không chỉ dừng lại ở giới hạn những bộ quần áo, những khác biệt. Các em đã dạy chúng ta khoảnh khắc này không phải là cho các em nhưng là với các em. Chúng ta phải tiến một bước mới hướng về người tự kỷ và cho phép họ làm điều đó với chúng ta.
Ngọc Yến
Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2022-04/tiem-banh-pizzaaut-nguoi-tu-ky-y.html