11/01/2025

Chúa Nhật, 03.04.2022
Viết Trên Đất Và Viết Trên Tim

Chúa Nhật Tuần V – Mùa Chay

Is 43,16-21 • Tv 125,1-2ab.2cd-3.4-5.6 (Đ. c.3) • Pl 3,8-14 • Ga 8,1-11

2022.03.22-MC05CN---C.jpg

Lời Chúa
✠ Bài trích Phúc Âm theo thánh Gio-an

1 Khi ấy, Đức Giê-su đến núi Ô-liu.

2 Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ. 3 Lúc đó, các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Đức Giê-su một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa, 4 rồi nói với Người: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. 5 Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” 6 Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người. Nhưng Đức Giê-su cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. 7 Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” 8 Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. 9 Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Đức Giê-su, và người phụ nữ thì đứng ở giữa. 10 Người ngẩng lên và nói: “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?” 11 Người đàn bà đáp: “Thưa ông, không có ai cả.” Đức Giê-su nói: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ)

Suy niệm
Viết Trên Đất Và Viết Trên Tim

Lời Chúa hôm nay ca ngợi lòng thương xót Thiên Chúa. Trong khi Isaia nhìn lòng thương xót như viễn tượng mới mẻ, thì thánh Phaolô đã được hưởng lòng thương xót cụ thể từ Đức Kitô. Và bài Phúc Âm là dấu chỉ tỏ tường dung nhan thương xót của Thiên Chúa.

Trong khi người Do Thái sống theo công lý của luật Môisen, Chúa Giêsu lại dạy ơn cứu độ nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho con người và con người dành cho nhau. Đó là lý do khiến Người bị gài bẫy qua chuyện người nữ ngoại tình. Bối cảnh câu chuyện giống như một tòa án vậy: có bộ luật rõ ràng, có những thẩm phán xét xử và ném đá, có bị cáo là người nữ ngoại tình và xa hơn là chính Chúa Giêsu.

Trả lời cách nào, Chúa cũng bị hạ nhục! Nếu đồng ý ném đá, những lời Người giảng về thương xót và tha thứ hóa thành sáo rỗng. Nếu không đồng ý, nghĩa là Người chống luật Môisen, và chính Người sẽ bị ném đá.

Giữa bầu khí sôi sục kết án, Chúa ngồi viết trên đất để tạo sự lắng đọng nội tâm, và hóa giải bẫy giăng bằng lời này: “Ai trong các ông sạch tội, hãy ném đá người này trước đi”. Qua lời ấy, Chúa mời gọi mỗi người, thay vì hăng máu xét xử người nữ theo công lý phàm nhân, hãy thành tâm xét mình trước tình thương hải hà của Thiên Chúa. Đã có cuộc xét mình cá nhân và tập thể diễn ra. Mọi người không còn hướng đến người nữ để kết án, mà hướng về nội tâm để kiểm điểm bản thân. Một khi đã tự vấn lương tâm, mỗi người sẽ nhận ra sự thật về phận mình trước mặt Thiên Chúa: chẳng ai vô tội.

Từ ồn ào đến lắng đọng, từ kiêu căng xét người đến khiêm tốn xét mình, đó là nét độc đáo mà câu trả lời của Chúa đã tạo ra. Nhưng Phúc Âm dạy chân lý sâu xa hơn: “ngày hôm nay, chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu viết trên đất những tội lỗi của bản tính nhân loại yếu đuối, và viết trong tim người nữ đang khát khao sự sống ơn tha thứ của Người”.

Đất là biểu tượng của mong manh, như chính phận người được dựng nên từ đất. Nếu Chúa viết tội lỗi của mỗi người trên đất, nghĩa là Người không muốn kết án chúng ta mãi mãi. Và khi viết ơn tha thứ trong trái tim mỗi người, Người muốn tỏ rõ lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa, gọi chúng ta mãi ghi ơn và biết xót thương nhau: “Ta cũng thế, Ta không kết tội chị. Chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”

Lm. Phaolô Nguyễn Thành Sang.

Nguồn: Sống Lời Chúa – Bayard Việt Nam