23/12/2024

ĐTC Phanxicô – Bài Giáo lý: Tuổi già – thời gian của sức sống thiêng liêng

Chỉ tuổi già thiêng liêng mới có thể đem lại chứng tá này, chứng tá khiêm tốn và chói sáng, làm cho nó trở nên có thẩm quyền và gương mẫu cho tất cả mọi người.

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

TIẾP KIẾN CHUNG

Đại sảnh Phaolô VI
Thứ Tư, 30 tháng 3 năm 2022

____________________________

Loạt Bài Giáo lý Linh hứng trong Lời Chúa về ý nghĩa và giá trị của tuổi già.
Bài 5. Tuổi già: thời gian của sức sống thiêng liêng

Anh chị em thân mến,
chào anh chị em buổi sáng!

Trong lộ trình của các bài giáo lý về chủ đề tuổi già, hôm nay chúng ta sẽ nhìn vào bức tranh dịu dàng được thánh sử thánh Luca vẽ ra, người mô tả hai nhân vật cao tuổi, Simeon và Anna. Lý do sống của các ngài, trước khi rời khỏi thế giới này, là chờ đợi sự viếng thăm của Chúa. Các ngài đã chờ đợi Thiên Chúa, tức Chúa Giêsu, đến thăm các ngài. Nhờ một linh cảm của Chúa Thánh Thần, Simeon biết rằng ông sẽ không chết trước khi nhìn thấy Đấng Mêxia. Anna đến đền thờ mỗi ngày, hết lòng phục vụ Người. Cả hai người đều nhận ra sự hiện diện của Chúa nơi hài nhi Giêsu, Đấng lấp đầy sự chờ đợi bấy lâu với niềm an ủi và trấn an các ngài khi các ngài từ biệt cõi đời. Đây là cảnh gặp gỡ Chúa Giêsu và chia tay.

Chúng ta có thể học được gì từ hai nhân vật cao niên tràn đầy sức sống thiêng liêng này?

Đầu tiên, chúng ta biết rằng lòng trung thành chờ đợi sẽ làm sắc nét các giác quan. Ngoài ra, như chúng ta biết, Chúa Thánh Thần thực hiện chính điều này: soi sáng các giác quan. Trong bài thánh ca cổ xưa, Veni Creator Spiritus, mà với nó, chúng ta vẫn tiếp tục cầu khẩn Chúa Thánh Thần cho đến ngày nay, chúng ta nói: “Accende lumen sensibus”, “Xin Hướng dẫn tâm trí chúng con bằng ánh sáng đầy phúc của Chúa”, xin soi sáng các giác quan của chúng ta. Chúa Thánh Thần có khả năng làm điều này: làm sắc nét các cảm thức của linh hồn, bất chấp giới hạn và vết thương của các giác quan cơ thể. Tuổi già làm suy yếu, cách này hay cách khác, tính mẫn cảm của cơ thể: người thì bị mù, người thì bị điếc. Tuy nhiên, một tuổi già dành để chờ đợi sự viếng thăm của Thiên Chúa sẽ không bỏ lỡ chuyến đến thăm của Người; trái lại, nó càng sẵn sàng để nắm bắt chuyến viếng thăm này, sẽ có sự nhạy cảm hơn để đón Chúa khi Người vãng lai. Hãy nhớ rằng điều điển hình của Kitô hữu là chú ý đến các chuyến viếng thăm của Chúa, bởi vì Chúa đi qua trong cuộc đời chúng ta, với những cảm hứng, với những lời mời gọi để làm chúng ta trở nên tốt hơn. Và Thánh Augustinô đã từng nói: “Tôi sợ rằng Chúa Giêsu sẽ đi ngang qua tôi mà tôi không biết”. Chính Chúa Thánh Thần chuẩn bị các giác quan để ta hiểu khi nào Chúa đến viếng thăm chúng ta, giống như Người đã làm với Simeon và Anna.

Ngày nay chúng ta cần điều này hơn bao giờ hết: chúng ta cần một tuổi già được ban tặng các giác quan thiêng liêng sống động có khả năng nhận ra các dấu chỉ của Thiên Chúa, hay đúng hơn là Dấu chỉ của Thiên Chúa, tức Chúa Giêsu. Một dấu chỉ luôn luôn thách thức chúng ta: Chúa Giêsu thách thức chúng ta vì Người là “một dấu chỉ bị nói ngược lại” (Lc 2: 34) – nhưng lại làm chúng ta tràn đầy niềm vui. Bởi vì khủng hoảng không nhất thiết mang lại nỗi buồn, không: khủng hoảng trong việc phụng sự Chúa thường mang lại cho anh chị em sự bình an và vui vẻ. Trạng thái gây mê các giác quan thiêng liêng – và điều này thật tệ – Trạng thái gây mê các giác quan thiêng liêng, trong việc phấn khích và làm mất tác dụng các giác quan của cơ thể, là một hội chứng phổ biến trong một xã hội nuôi dưỡng ảo tưởng về tuổi trẻ vĩnh viễn, và đặc điểm nguy hiểm nhất của nó hệ ở sự kiện hầu như ta không nhận thức được nó. Chúng ta không nhận ra chúng ta đang bị gây mê. Và điều này xảy ra. Nó đang xảy ra. Nó đã luôn xảy ra và nó vẫn đang xảy ra trong thời đại của chúng ta. Các giác quan tê cóng, và chúng ta không hiểu điều gì đang xảy ra: khi chúng tê cóng, các giác quan bên trong, các giác quan của Chúa Thánh Thần vốn có khả năng giúp chúng ta nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa hay sự hiện diện của tên ác, không còn phân biệt được giữa hai điều này nữa.

Khi anh chị em mất xúc giác hoặc vị giác, anh chị em nhận ra ngay lập tức. Tuy nhiên, anh chị em có thể bỏ qua cảm thức của linh hồn, sự nhạy cảm của linh hồn, trong một thời gian dài, sống mà không nhận ra rằng anh chị đã mất đi sự nhạy cảm của linh hồn. Đây không phải chỉ là vấn đề nghĩ về Thiên Chúa hay tôn giáo. Sự vô cảm của các giác quan thiêng liêng liên quan đến lòng trắc ẩn và cảm thương, sự xấu hổ và ăn năn, lòng trung thành và sự tận tâm, sự dịu dàng và danh dự, trách nhiệm đối với bản thân và người khác. Điều lạ là: sự vô cảm ngăn anh chị hiểu lòng trắc ẩn, nó ngăn anh chị em hiểu lòng cảm thương, nó ngăn anh chị em cảm thấy xấu hổ hoặc ăn năn vì đã làm điều gì đó tồi tệ… Nó giống như thế. Các giác quan thiêng liêng tê liệt khiến anh chị em bối rối và anh chị em không còn cảm nhận được những điều đó nữa, về mặt thiêng liêng. Và có thể nói, tuổi già trở thành nạn nhân đầu tiên, nạn nhân đầu tiên của việc mất sự mẫn cảm này. Trong một xã hội chủ yếu sử dụng khả năng mẫn cảm để hưởng thụ, người ta chắc chắn sẽ thiếu sự quan tâm đối với những người yếu đuối, và sự cạnh tranh của những người thắng cuộc sẽ chiếm ưu thế. Và đó là cách sự mẫn cảm đã mất đi. Chắc chắn, kiểu nói hoa mỹ hòa nhập là công thức có tính nghi thức của mọi ngôn từ đúng đắn về mặt chính trị. Nhưng nó vẫn không mang lại sự điều chỉnh thực sự đối với các thực hành của sự chung sống bình thường: một nền văn hóa xã hội dịu dàng đang đấu tranh để phát triển. Tinh thần huynh đệ nhân bản – mà tôi cảm thấy cần phải phát động lại một cách mạnh mẽ – giống như tấm áo bị vứt đi, để được ngưỡng mộ, nhưng… trong một viện bảo tàng. Người ta đánh mất sự mẫn cảm nhân bản, những thúc đẩy của Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta trở thành nhân bản.

Đúng là, trong đời thực, chúng ta có thể quan sát thấy, một cách đầy biết ơn xúc động, nhiều người trẻ có khả năng tôn vinh tình huynh đệ này một cách trọn vẹn nhất. Nhưng vấn đề chính xác hệ ở chỗ này: có một phân cách, một khoảng phân cách đáng xấu hổ, giữa chứng từ có tính huyết mạch về sự dịu dàng xã hội này và chủ nghĩa tuân thủ vốn buộc tuổi trẻ phải tự hành xử một cách hoàn toàn khác. Chúng ta có thể làm gì để thu hẹp khoảng phân cách này?

Từ câu chuyện của Simeon và Anna, cũng như những câu chuyện khác trong Kinh thánh về những người già nhạy cảm với Chúa Thánh Thần, có một dấu hiệu giấu ẩn đáng được đưa lên hàng đầu. Nói cho đúng, sự nhạy cảm của Simeon và Anna hệ ở điều gì? Nó hệ ở việc nhận ra nơi một em bé, người mà các ngài không sinh ra và người mà các ngài nhìn thấy lần đầu tiên, dấu hiệu chắc chắn về sự viếng thăm của Thiên Chúa. Họ chấp nhận không trở thành nhân vật chủ đạo, mà chỉ là nhân chứng. Và khi người ta chấp nhận không trở thành nhân vật chủ đạo, mà chỉ tham gia như là nhân chứng, thì điều đó thật tốt: người đàn ông đó hoặc người đàn bà đó đang trưởng thành tốt. Nhưng những người luôn muốn trở thành nhân vật chủ đạo chứ không là gì khác, không bao giờ trưởng thành trên hành trình hướng tới sự viên mãn của tuổi già. Sự viếng thăm của Thiên Chúa không hiện thân trong cuộc đời họ, nó không đưa họ vào khung cảnh như những vị cứu tinh: Thiên Chúa không mang thịt xương trong thế hệ của họ, nhưng trong thế hệ sắp đến. Họ mất tinh thần, mất khát vọng sống một cách trưởng thành, và như người ta thường nói, họ sống một cách hời hợt. Đó là thế hệ vĩ đại của những kẻ hời hợt, những người không cho phép mình cảm nhận mọi sự bằng sự nhạy cảm của Chúa Thánh Thần. Nhưng tại sao họ lại không cho phép họ như thế? Một phần vì lười biếng, và một phần vì họ không có khả năng: họ đã đánh mất nó. Thật tệ khi một nền văn minh mất đi sự mẫn cảm Chúa Thánh Thần. Ngược lại, thật tuyệt vời khi chúng ta tìm thấy những người cao niên như Simeon và Anna, những người bảo tồn được sự nhạy cảm Chúa Thánh Thần này, và những người có khả năng hiểu các tình huống khác nhau, giống như hai người này hiểu được hoàn cảnh trước mặt các ngài, đó là việc Đấng Mêxia tỏ mình ra. Không có sự oán giận và buộc tội nào đối với điều này, khi các ngài ở trong trạng thái tĩnh lặng này, hoàn toàn tĩnh lặng này. Thay vào đó là sự xúc động và an ủi lớn lao khi các giác quan thiêng liêng vẫn còn sống động. Sự xúc động và an ủi khi có thể nhìn thấy và loan báo rằng lịch sử của thế hệ các ngài không bị mất đi hoặc lãng phí, nhờ một biến cố nhập thể và tỏ hiện trong thế hệ đang tới. Và đây là điều mà những người cao niên cảm thấy khi các cháu đến nói chuyện với các ngài: các ngài cảm thấy như được hồi sinh. “A, cuộc sống của tôi vẫn còn đây”. Việc đi gặp người cao niên là điều rất quan trọng; điều quan trọng là phải lắng nghe các ngài. Nói chuyện với các ngài là điều rất quan trọng, bởi vì có sự giao lưu văn minh, giao lưu sự chín chắn giữa người trẻ và người già. Và nhờ cách này, nền văn minh của chúng ta tiến bộ một cách trưởng thành.

Chỉ tuổi già thiêng liêng mới có thể đem lại chứng tá này, chứng tá khiêm tốn và chói sáng, làm cho nó trở nên có thẩm quyền và gương mẫu cho tất cả mọi người. Tuổi già nào biết hun đúc sự nhạy cảm của linh hồn, đều dập tắt được mọi đố kỵ giữa các thế hệ, mọi oán hận, mọi quy tội để đón chào một cuộc xuất hiện của Thiên Chúa trong thế hệ mai sau, một thế hệ cùng đến với sự ra đi của thế hệ mình. Và đây là những gì đang xảy ra với một người già biết cởi mở đối với một người trẻ biết cởi mở: người đó từ biệt cuộc sống trong khi có thể nói là “chuyển giao” sự sống cho thế hệ mới. Và đây là lời từ biệt của Simeon và Anna: “Hãy để tôi tớ Chúa ra đi bình an”. Sự mẫn cảm thiêng liêng của tuổi già có khả năng phá vỡ sự cạnh tranh và xung đột giữa các thế hệ một cách đáng tin cậy và dứt khoát. Điều này chắc chắn là không thể đối với con người, nhưng có thể đối với Thiên Chúa. Và ngày nay chúng ta đang rất cần điều này, tức sự mẫn cảm của tinh thần, sự trưởng thành của tinh thần; chúng ta cần những người lớn tuổi khôn ngoan, trưởng thành về tinh thần, những người mang lại hy vọng cho cuộc sống! Cảm ơn anh chị em.

Bản dịch Việt ngữ: Vũ Văn An
Nguồn: http://www.vietcatholicnews.org/